Trường phái Trần Quốc Vượng?

Giáo sư Trần Quốc Vượng
Giáo sư Trần Quốc Vượng
TP - Nhà nghiên cứu, chuyên gia của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn tề tựu tại tọa đàm khoa học “Còn là tinh anh” nhân 10 năm ngày mất của GS. Trần Quốc Vượng.

Không ai có thể bắt chước Trần Quốc Vượng

GS.TSKH. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, bạn đồng môn của GS. Trần Quốc Vượng là một trong những tên tuổi trong giới nghiên cứu tới tọa đàm cả ngày 17/8, tại ĐH KHXH&NV Hà Nội nhận xét: “Không ai có thể bắt chước Trần Quốc Vượng bởi phong cách của anh ấy rất độc đáo”.

Trong hàng chục tham luận gửi về, không ít người nhắc trường phái Trần Quốc Vượng. PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhắc lại: “Chẳng quản gối mỏi chân chồn rong ruổi nơi đầu nguồn cuối bể, Trần Quốc Vượng vừa đi vừa học vừa chiêm nghiệm và dấn thân vào con đường khoa học đầy gian lao, tạo nên một phong cách khoa học độc đáo Trần Quốc Vượng trong làng khảo cổ học, sử học và văn hóa học Việt Nam. Làng sử học, khảo cổ học bao giờ mới có một người như Trần Quốc Vượng”.

Trong bài trình bày ngắn gọn về nghiên cứu các sơ đồ mà GS. Trần Quốc Vượng dùng để minh họa các nghiên cứu khoa học, ông Tín đánh giá đây là nét tượng trưng cho cá tính và phong cách Trần Quốc Vượng. Ông nhắc, khi xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho Trần Quốc Vượng, hai GS. Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Minh Giang nêu quan điểm “GS. Vượng tạo thành trường phái nghiên cứu rất độc đáo”. “Tuy thế, khi trao đổi riêng thì cũng có người băn khoăn. Tạo nên trường phái phải có lý thuyết, lý thuyết của thầy Vượng rất đủ nhưng chưa ai tổng kết. Thêm nữa phải có các thế hệ học trò, dần dần tiếp nối phát triển, và điều này còn nguyên ở phía trước”, ông Tín nhấn mạnh.

Thêm một học trò trong giới khảo cổ, TS. Nguyễn Hồng Kiên khẳng định giới nghiên cứu hình thành một trường phái Trần Quốc Vượng: “Tôi cho rằng các yếu tố hình thành đủ rồi, chỉ có điều học trò và môn đệ chưa thể bằng một phần mười của thầy, cho nên trường phái này hơi yếu. Tuy nhiên đây đó vẫn thấy cách tiếp nhận, nghiên cứu và áp dụng những điều thầy giảng”.

Còn là tinh anh

“Thác là thể phách, còn là tinh anh”, ý thơ Nguyễn Du được học trò của GS. Vượng lấy làm tên tọa đàm. “Giáo sư của chúng ta là nhà văn hóa lớn, luôn có phát kiến mới và có giá trị rất cao. Để có được những phát kiến ấy, Trần Quốc Vượng say sưa nghiên cứu địa lý địa chất, địa mạo môi trường và trở thành vị giáo sư say sưa và thành công nhất trong lĩnh vực địa văn hóa”, TS. Tống Trung Tín nói.

Chủ trì phiên tọa đàm chiều 17/8, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một học trò của GS. Vượng cáo lỗi vì vắng mặt buổi sáng, do bận chủ trì một hội thảo cấp thành phố. “Tôi tranh thủ diễn đàn ấy để nói về công lao của thầy mình. Không chỉ là nhà khảo cổ học, sử học, văn hóa học hàng đầu của đất nước, Trần Quốc Vượng còn là nhà Hà Nội học nổi tiếng nhất, mà giải thưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định đóng góp kiệt xuất của ông cho Hà Nội học và sự phát triển của
Thủ đô”.

GS. Ngọc dẫn chứng, nhiều nhà địa lý kinh ngạc vì trình độ địa lý của GS. Vượng. “Làm lịch sử, văn hóa mà không giỏi địa lý thì khó mà có những phát hiện đáng nể, thành ra ở đây tôi nói sự liên ngành của giáo sư đạt đến trình độ cao, giống như nghệ thuật. Lâu nay chúng ta hay nói liên ngành, tôi phải nói ngay là nhiều khi chỉ là bịp bợm. Liên ngành thực sự đòi hỏi người nghiên cứu trình độ rất sâu, nhưng khi xử lý phải bình đẳng, không định kiến. Trần Quốc Vượng có một cái đặc biệt, có lẽ đó là bắt đầu từ kiến thức rất uyên thâm, nên mở rộng sang các lĩnh vực khoa học khác một cách nhẹ nhàng”, GS. Ngọc khẳng định.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền kể, lần đầu biết GS. Vượng là ở hội thảo đầu năm 1990. Càng có dịp gần GS. Vượng, Bùi Trọng Hiền khẳng định sự ảnh hưởng từ cách tiếp cận, nghiên cứu khoa học của ông. Là giáo sư sử học, Trần Quốc Vượng gây sốc cho giới âm nhạc khi tại hội thảo quốc tế năm 1993, đứng lên phản biện bằng tiếng Anh ý kiến của Viện trưởng Viện Âm nhạc.

“Thầy bảo tôi cứ tìm đi, kiểu gì cũng chứng minh được bản sắc của âm nhạc Việt Nam khác với Trung Hoa. Gần thầy tôi học được rằng khi nghiên cứu phải như nhập đồng. Nghiên cứu không phải là công việc, mà dần dần là sự sống và nhịp đập của trái tim ông. Gần ông kiểu gì cũng chịu ảnh hưởng, dần dần nghề là tình yêu, khát vọng như là ăn, uống, thở”, anh Hiền nói. Trong phát biểu tổng kết, PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung một lần nữa khẳng định, “khó ai có thể có sức đọc, sức điền dã như thầy. Di sản thầy để lại chính là các thế hệ học trò”.

TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đề xuất nên “xem xét hiện tượng Trần Quốc Vượng là đối tượng khoa học. Các học trò nên nghĩ tới việc lùi ra xa, để sự tôn vinh có giá trị lâu dài”. GS. Nguyễn Quang Ngọc nêu ý kiến sau tọa đàm này nên đề xuất Hà Nội đặt tên phố Trần Quốc Vượng. Được biết, tỉnh Hà Nam quê ông lấy tên ông đặt tên cho một con phố ở Phủ Lý.

MỚI - NÓNG