Giáo sư Trần Quốc Vượng và mối tình xuyên thế kỷ

Giáo sư Trần Quốc Vượng và mối tình xuyên thế kỷ
Chỉ còn thiếu mấy ngày nữa thôi họ sẽ kỷ niệm tròn hai năm ngày cưới. Thế mà số phận lại trêu cợt "mối tình xuyên thế kỷ", đưa ông, giáo sư - nhà giáo ưu tú Trần Quốc Vượng nhẹ gót trần ai, vào cõi vĩnh hằng.
Giáo sư Trần Quốc Vượng và mối tình xuyên thế kỷ ảnh 1
Những ngày hạnh phúc

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, cô Bảy, vợ của cố giáo sư, ngồi đó, trong cái tổ ấm hạnh phúc bình dị của hai người nay đã đèn nhang trầm hương ly biệt mà nước mắt tuôn rơi.

Thế mà trước khi hay tin giáo sư Vượng mất không lâu có nhiều người quả quyết với tôi rằng cô Bảy đã bỏ đi, đã ly hôn chỉ sau đám cưới không lâu.

Dư âm cuộc hôn nhân của giáo sư Vượng một phen nữa lại gây "sóng gió" trong dư luận. Thế nhưng, điều đó không tệ hại bằng việc hình ảnh của cô Bảy, vợ giáo sư Vượng được nói đến như một người đàn bà hám danh lợi, kết hôn vì "danh", vì "tiền" và giáo sư Vượng vì buồn, vì thất vọng mà sinh ra trọng bệnh...

Cho đến khi một người có bố nằm cùng bệnh viện với giáo sư Trần Quốc Vượng một tháng ở Bệnh viện Hữu nghị kể, suốt một tháng liền khi anh là hàng xóm của cô ở bệnh viện, không lúc nào anh thấy cô rời giáo sư.

Cô với bổn phận và tình thương của một người vợ chăm bẵm và lo lắng cho chồng một cách tận tụy và thấu đáo đã khiến cho những bệnh nhân và người nhà cùng phòng đều cảm động và thầm mừng cho giáo sư Vượng có được người vợ tận tụy nhất mực. Thế mới biết làm người nổi tiếng thật không đơn giản, vợ của một người nổi tiếng lại còn chịu nhiều đắng cay hơn bởi miệng lưỡi của người đời, bởi biết bao nhiêu lời đồn thổi, bao nhiêu câu chuyện thêu dệt, và không hiếm lời thị phi xung quanh cuộc hôn nhân của họ.

Trò chuyện với cô Bảy, vợ của cố giáo sư Trần Quốc Vượng vào ngày thứ 36 kể từ ngày giáo sư mất. Nước mắt vẫn cứ trào ra ầng ậng trong đôi mắt buồn. Có lẽ, điểm nổi bật nhất trên gương mặt nhiều nét cứng cỏi nhưng đa đoan của người đàn bà 42 tuổi này là đôi mắt to, đen, hun hút một nỗi buồn thường trực. Không phải chỉ lúc này, mà cả khi người đàn bà này vui cười thì đôi mắt kia vẫn ẩn chứa những u buồn sâu thẳm. Phàm đàn bà có đôi mắt như vậy, cuộc đời không đa đoan ghềnh thác thì cũng dông bão đoạn trường. Và quả thật, số phận cũng đã không có ý định dành cho đời cô một sự yên tĩnh bằng an nếu không nói rằng đã nhấn cô vào vực xoáy của nổi chìm, đứt đoạn.

Cô Bảy rưng rưng kể cái ngày đầu tiên cô phát hiện ra căn bệnh ung thư quái ác của chồng. Hôm đó là một ngày rất buồn, ngày lễ ông Công ông Táo của Tết Ất Dậu, nhà vừa có đại tang, con gái Phương Anh của giáo sư Vượng với người vợ đầu tiên vừa mất được hơn một tháng vì căn bệnh ung thư khi cô mới bước sang tuổi 30. Giáo sư Vượng gần như suy sụp vì cái chết đau đớn của cô con gái. Thấy giáo sư ăn uống ít, nuốt rất khó khăn, cô Bảy đinh ninh rằng chồng chỉ bị viêm họng thông thường. Mặc dù vậy, cô vẫn nhất quyết bắt giáo sư đi khám.

Từ cái ngày định mệnh đó, sau một tuần của Tết Nguyên đán lặng lẽ và đầy âu lo, đầy những linh đoán bất trắc là hành trình dằng dặc và mệt mỏi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để xác định cho chắc chắn căn bệnh như một sự di truyền quái ác của gia đình (Hai người con gái của giáo sư Vượng với vợ đầu đều phải sống chung với căn bệnh ung thư).

Cả giáo sư Vượng và cô Bảy đều không thể ngờ rằng, bi kịch bệnh tật một lần nữa đã giáng đòn chí mạng vào gia đình họ và số phận của giáo sư Vượng. Là một nhà khoa học tinh đời, mọi cố gắng giấu giếm bệnh tật của người vợ trẻ đều không qua nổi được chồng. Giáo sư Vượng đã gần như sốc nặng khi biết rõ bệnh tật của mình. Dù vậy, bên ngoài ông vẫn tỏ ra là người bình tĩnh lạc quan, động viên gia đình, vợ và các con. Ngay cả sau này bệnh nặng, niềm khát khao sống trong ông vẫn không bao giờ tắt.

Cô Bảy nhớ lại: xác định chắc chắn căn bệnh ung thư từ cuối tháng 2, lúc đó đã di căn vào gan, vì thế bệnh tiến triển rất nhanh, không tài nào kìm hãm được sức công phá từng ngày từng phút của nó. Đến tháng 4, giáo sư đã không thể ăn uống được nữa mà phải đặt ống thực quản. Mọi thuốc thang điều trị và cố gắng đến tột cùng cũng không làm cho căn bệnh chậm tiến triển.

Cuối tháng 6, giáo sư nhập viện. Lần nhập viện này chỉ kéo dài được đúng 1 tháng 19 ngày thì giáo sư mất. Một tháng 19 ngày, cô Bảy hầu như ngày nào cũng có mặt bên chồng. Đó là những giờ phút người đàn bà trẻ vừa chăm chồng, vừa an ủi chính mình. Hai người dù không bộc bạch ra cho nhau nhưng trong nỗi tự cảm của riêng mình, họ đều lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt đang chảy trong lòng, khóc thương cho số phận trớ trêu, duyên phận ngắn ngủi.

Kể lại những ngày cuối cùng của chồng, cô Bảy vừa cười, vừa khóc, Cụ Vượng (cách gọi chồng âu yếm của cô Bảy) là một người khi đứng trên giảng đường, hoặc trước hàng nghìn sinh viên, cụ tỏ ra oai phong, hào sảng bao nhiêu thì trong đời thường, cụ lại hóm hỉnh, nói chuyện có duyên và người đối diện với cụ hầu hết đều bị cuốn vào câu chuyện đầy sức thuyết phục của cụ, nếu không nói là mê đắm bởi cái duyên ăn nói thông minh của cụ.

Ấy thế nhưng trong cuộc sống đời thường, cụ lại là người nhút nhát khủng khiếp. Trong số những nỗi e sợ mơ hồ của cụ thì cụ sợ nhất là bệnh viện. Có thể, sau hai cái chết vì trọng bệnh đầy ám ảnh và đau đớn đối với người vợ đầu tiên mà cụ rất đỗi yêu thương, với cô con gái, cụ đâm ra sợ cái không khí thương đau ở bệnh viện, sợ màu trắng im lìm của những bức tường lạnh và sợ cả bác sĩ.

Vì thế, ngay cả khi đi khám, hoặc nhập viện rồi, cụ không khi nào muốn rời vợ lấy một bước. Chỉ có vợ chăm sóc, ở bên cạnh thì cụ mới yên tâm, mới chịu ăn uống, mới vui vẻ. Nhất là những ngày cuối cùng, mỗi lần cô Bảy trở về nhà để đón con, tắm rửa hoặc giải quyết những công việc lặt vặt không tên của gia đình là cụ Vượng dù không phản đối nhưng bao giờ đôi mắt cụ cũng nhìn theo bóng vợ như một sự níu kéo đầy luyến tiếc.

Cô Bảy nói mãi về ánh mắt của chồng trong những ngày đó với một nỗi buồn nặng trĩu. Cả khi bệnh đã nặng lắm rồi, cụ không nói được nữa, sự sống chỉ tính bằng ngày, bằng giờ thì điều tuyệt vời kỳ lạ là cụ luôn luôn minh mẫn và tỉnh táo. Tỉnh táo một cách lạ lùng. Và đôi mắt tỉnh táo của một người sắp đi xa nhìn theo bước chân của vợ trẻ mới ám ảnh làm sao.

Giờ đây, tất cả đã thuộc về quá vãng. Trong ngôi nhà từng là tổ ấm hạnh phúc của gia đình bé nhỏ (vợ chồng giáo sư và cô con gái út Anh Thơ) không gian đã như ngưng đọng trong mùi trầm thơm da diết. Người quá cố trên bàn thờ vẫn như đang nheo mắt mỉm cười trước những thách đố, những trò ú tim của duyên phận và cuộc đời. Người từng nổi danh trong việc đoán biết phận số cho bao nhiêu người khác mà chẳng ngờ được phận số của mình sớm có ngày ai oán biệt ly. Nhưng rất có thể, tự trong vô thức, cả sự lơ đãng ấy có thể có, có thể không trong gương mặt đang nheo cười kia làm sao ai đoán đọc được. Chỉ biết rằng, ông nhẹ gót ra đi, để lại đứa con thơ và người vợ trẻ với bao nỗi tiếc nuối ở cuộc đời.

Cô Bảy đưa cho xem những dòng nhật ký nhạt nhòa, sau ngày chồng mất. Lòng nhói đau không phải vì nỗi buồn của cô, mà vì những dấu ấn của hai cuộc hôn nhân mà một người đàn bà như cô đã nếm trải.

Đọc trong trang nhật ký ấy những cột mốc "lịch sử" đáng nhớ trong đường tình duyên của cô. Đó là cô gặp ông lần đầu tiên cách đây 12 năm, hai người đi lễ chùa Phật Tích và giáo sư Vượng đã cầu hôn cô Bảy trước bàn thờ Mẫu, và cô Bảy đã nhận lời làm vợ thày Vượng. Thế mà hai năm sau, khi đứa con trong bụng được 4 tháng, chỉ vì tự ái bởi câu nói đùa quá đà của người tình, cô Bảy đã đi lấy chồng. Cuộc hôn nhân với người họa sĩ ấy chỉ tồn tại đúng 12 tháng thì họ làm xong thủ tục chia tay.

Cô Bảy nói rằng: "Thực ra từ khi nhận lời làm vợ giáo sư Vượng tháng 9/1993, cho đến lúc cụ mất, hai người chỉ thực sự xa nhau đúng có hai tuần trong lúc tôi bận làm lễ cưới và giáo sư Vượng đi công tác xa. Sau đó, khi giáo sư Vượng bay ra, chúng tôi lại trở về với nhau liền. Có nhiều lý do để mối tình ấy 8 năm sau khi cuộc hôn nhân đầu của tôi tan vỡ, mới có một kết thúc viên mãn. Chỉ có điều tôi khẳng định, dù chúng tôi chưa có điều kiện để về ở với nhau dưới một mái nhà, chưa có thủ tục tuyên bố với họ hàng bạn bè, nhưng chúng tôi chưa bao giờ xa nhau trong suốt mười mấy năm sống trong tình yêu.

Có nhiều người nghi ngờ mối tình của chúng tôi, cho rằng tôi ham tiền, hám danh nên đã thêu dệt bao chuyện thị phi để đàm tiếu. Nhưng có những người biết rõ giáo sư Vượng thì tỏ ra thông cảm cho tôi, thương tôi thiệt thòi vì giữa chúng tôi quá chênh lệch tuổi tác.

Thực ra mọi người đã nhầm, và có thể mọi người không hiểu rằng, giáo sư Vượng đã mang đến cho tôi một tình yêu quá đủ đầy về nhiều nghĩa. Giáo sư là một người đàn ông tuyệt vời, và khi đó với tôi, tuổi tác, ngoại hình trở nên thực vô nghĩa khi mà tôi với bản năng đàn bà đã được đón nhận một cách thỏa mãn tình cảm của chồng.

Tôi chưa bao giờ thấy khổ, hay thoáng chút nuối tiếc. Có chăng chỉ là cuộc hôn nhân đến ngày viên mãn lại quá ngắn ngủi. Trước đó, yêu nhau, sống đời sống vợ chồng với nhau thật nhưng cũng chỉ là đầy vơi vì chúng tôi chưa có một căn nhà chung. Thế đấy, tôi cũng chẳng muốn thanh minh, chẳng cần ai hiểu...

Tôi quá mệt mỏi bởi những lời thị phi. Ngày còn sống, giáo sư chỉ trêu tôi rằng, ai bảo ham lấy người nổi tiếng thì phải chịu trả giá chứ".

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.