GS Trần Quốc Vượng góp phần làm thay đổi nếp sống sinh viên nội trú

GS Trần Quốc Vượng góp phần làm thay đổi nếp sống sinh viên nội trú
Cuộc họp bàn kế hoạch năm học 2005 – 2006 của KTX Mễ Trì kéo dài thêm quá nửa giờ do tin GS Trần Quốc Vượng qua đời. Những người tham dự cuộc họp nghẹn ngào, trống vắng, buồn thương...

Chúng tôi có người được học thầy có người không, nhưng khi gặp và được trò chuyện với GS đều gọi GS bằng thầy. Những kỷ niệm không thể nào quên và những đóng góp của thầy trong việc xây dựng nếp sống văn hoá đối với học sinh sinh viên ở KTX Mễ Trì cứ ùa về trong tâm tưởng.

Năm 1995, khi Trung tâm nội trú sinh viên ĐHQG HN được thành lập, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sống và học tập ký túc xá Mễ Trì vẫn đang là một “điểm nóng “ về công tác an ninh trật tự. 

Làm thế nào để có thể thay đổi sự tự nhận thức trong học sinh sinh viên một cách tự giác và có sức thuyết phục khi cơ sở vật chất chưa hoàn thiện? Trong khó khăn, chúng tôi  nghĩ đến GS Trần Quốc Vượng với mong muốn bằng uy tín và sự uyên thâm của mình, GS sẽ thuyết phục được HSSV xây dựng nếp sống văn hoá thông qua các buổi nói chuyện về văn hoá và ứng xử.

Bàn bạc mãi, anh Lê Liêm - Phó Ban QLKTX - vốn là học trò “đặc biệt “ của thầy hăng hái xung phong đi mời. Sau khi tìm được số điện thoại nhà thầy, phải đợi đến lần thứ ba chúng tôi mới gặp được thầy tại nhà.

Đó là một ngày mùa đông năm 1995 khi năm học mới bắt đầu được hơn một tháng. Không có ô tô, chúng tôi phải dùng xe máy đón thầy.

Buổi nói chuyện được tổ chức vào 19 giờ 30, nhưng thầy đồng ý đến ký túc xá từ 16 giờ. Chúng tôi rất vui bởi có hơn 2 giờ để được ngồi bên thầy, được nghe thầy nói .

Khi thầy đến Hội trường Nhà văn hoá sinh viên, các hàng ghế không còn một chỗ trống. Không chỉ sinh viên ngành khoa học xã hội mà gần như toàn bộ HSSV ký túc xá Mễ Trì đều háo hức chờ đợi khi nghe loa truyền thanh thông báo về buổi nói chuyện của GS Trần Quốc Vượng.

Sau khi nghe giới thiệu của Ban tổ chức, thầy không bước lên bục để sẵn micrô mà đứng ngay cạnh hàng ghế đầu để nói chuyện. Thầy cởi chiếc đồng hồ cầm trên tay và cho biết buổi nói chuyện hôm nay sẽ chỉ kéo dài trong khoảng một tiếng.

Cả hội trường im lặng chờ đợi. Thầy nói với HSSV về nếp sống văn hoá nói chung và những nét đặc trưng trong văn hoá của người Hà Nội.

Thầy nói say sưa, không giải lao, đến 22 giờ. Trong hơn 2 giờ đồng hồ ấy, không một ai rời hội trường. Khi đèn bật sáng, nhìn xuống hội trường chúng tôi thấy HSSV  đứng chật cả hai hành lang, họ đứng lặng một hồi rồi mới kéo nhau ra về.

Trong cả buổi nói chuyện, thầy không hề đề cập đến nội quy, quy định về ở nội trú, GS cũng không nói nhiều đến trách nhiệm của mỗi học sinh sinh viên và của người quản lý và phục vụ. Nhưng khi ra về, ai cũng cảm thấy trách nhiệm của mình về việc xây dựng nếp sống văn hoá tại KTX.

Tôi đưa thầy về nhà trong đêm mưa lạnh. Trở về nhà trong giá rét nhưng tôi thấy ấm lòng bởi thầy đã truyền cho chúng tôi, những người làm công tác quản lý, cách nhìn nhận về những con người, những sự việc mang tính nhân văn. Chính thầy đã làm thức dậy trong mỗi HSSV lòng tự trọng trước  nét đẹp cuộc sống của người Hà Nội.

Từ năm 1995 đến nay, đã có 5 lần thầy đến nói chuyện với HSSV nội trú và lần nào tình cảm của các thế hệ sinh viên đối với thầy cũng sâu đậm như buổi nói chuyện đầu tiên .

Đời sống và sinh hoạt của HSSV KTX Mễ Trì có được như ngày hôm nay là do sự hội tụ của nhiều yếu tố. Nhưng theo chúng tôi, ảnh hưởng của GS Trần Quốc Vượng với nếp sống văn hoá của HSSV là không nhỏ.

Thầy đã đi xa những kỷ niệm của thầy đối với ký túc xá Mẽ Trì vẫn còn đó. Chúng tôi viết những dòng này thay cho một nén tâm nhang xin được đưa tiễn thầy về cõi vĩnh hằng.

MỚI - NÓNG