Trường đại học Quảng Bình nợ lương 8 tháng, hàng chục giảng viên, nhân viên trước nguy cơ mất việc

TPO - Đang bị nhà trường nợ lương từ 2 tháng đến 7,5 tháng, mới đây 136 giảng viên, nhân viên của Trường đại học Quảng Bình nhận thông báo tiếp tục bị nợ lương từ tháng 1 đến hết tháng 3/2024. Trong lúc đó, trường này cũng đang lên kế hoạch tạm hoãn hợp đồng với hàng loạt giảng viên và người lao động…

Theo phản ánh của nhiều giảng viên và nhân viên của Trường đại học Quảng Bình, hiện có 136 viên chức và người lao động của Trường đại học Quảng Bình chưa được nhận lương từ 2 tháng đến 7,5 tháng, nên đời sống của gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn.

Trường đại học Quảng Bình nợ lương 8 tháng, hàng chục giảng viên, nhân viên trước nguy cơ mất việc ảnh 1

Trường đại học Quảng Bình trong ngày khai giảng năm học mới

Nguyên nhân chậm trả lương là do khó khăn về công tác tuyển sinh, nguồn thu của đơn vị giảm, nên việc chi trả lương, các chế độ liên quan đến người lao động chưa thực hiện theo quy định. Ngoài ra còn các khoản chi trả khác như thanh toán tiền thừa giờ, thi đua khen thưởng của giảng viên, nhân viên cũng đang bị nợ.

Nhiều giảng viên, nhân viên phản ánh, họ đều là trụ cột chính trong gia đình, tiền lương từ nhà trường là nguồn thu chính để trang trải phục vụ cho cuộc sống gia đình. Trong suốt thời gian qua, do bị nợ lương, không có thu nhập nên họ phải chạy vạy nhiều cách để duy trì cuộc sống. Khó nhất là có những gia đình có cả vợ và chồng công tác tại trường và đều bị nợ lương nên cuộc sống rất vất vả.

Mới đây trong cuộc họp giữa Ban Thường vụ Công đoàn trường với Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường để tìm biện pháp nhằm bảo đảm chế độ người lao động, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Vượng tiếp tục thông báo: Từ tháng 1 đến tháng 3/2024, trường không có nguồn để chi trả tiền lương cho 136 viên chức và lao động hợp đồng.

Được biết, Trường đại học Quảng Bình đang lên kế hoạch tạm hoãn hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động đối với viên chức, giảng viên của trường trong năm học 2023-2024.

Hiện tại, nhà trường có tổng số 236 viên chức và người lao động, trong đó có 99 người hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước và 137 người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của trường. “Do đó, nhà trường không đủ kinh phí để chi cho các hoạt động, trong đó áp lực nhất về mặt tài chính hiện nay của trường là nguồn thu không đủ để chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ kèm theo lương cho số lượng biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp…” – dự thảo phương án tạm hoãn hợp đồng của Trường đại học Quảng Bình viết.

Theo dự thảo phương án mà Trường đại học Quảng Bình đưa ra, năm học 2023-2024 này, trường sẽ tạm hoãn hợp đồng đối với 29 trường hợp là giảng viên không đủ định mức giờ chuẩn giảng dạy (bao gồm giảng viên kiêm nhiệm công tác hành chính), trừ giảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó, trưởng đơn vị trở lên; và viên chức làm công tác hành chính tại các phòng, trung tâm. Đối với một số ngành, giảng viên có trình độ tiến sĩ giảng dạy không đủ định mức giờ chuẩn nhưng có tham gia bồi dưỡng giáo viên hàng năm thì có thể đề xuất chuyển đến các phòng chức năng kiêm nhiệm công tác hành chính.

Được biết, Sở Nội vụ Quảng Bình đã có công văn phúc đáp Trường đại học Quảng Bình về việc xin ý kiến tạm hoãn hợp đồng của nhà trường. Theo đó, sở này cho rằng việc tạm hoãn hợp đồng thuộc thẩm quyền của Trường đại học Quảng Bình. Đồng thời đề nghị Trường đại học Quảng Bình căn cứ các quy định của pháp luật, các quy định khác có liên quan và tình hình thực tế của nhà trường để thực hiện tạm hoãn hợp đồng làm việc đối với viên chức theo quy định của pháp luật.

Trả lời Báo Tiền Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình Nguyễn Đức Vượng xác nhận thông tin nêu trên và cho biết đang giao các phòng ban chức năng xây dựng phương án để tham mưu. Ông Vượng cũng cho biết thêm, năm học 2023-2024, Trường đại học Quảng Bình chỉ tuyển sinh được hơn 300 sinh viên, mà con số này vẫn chưa ổn định, vì sau khi nhập học sinh viên còn bỏ học nhiều nữa.

MỚI - NÓNG