Ngay từ đầu, Việt Nam đã ghi lại và phát đi những hình ảnh hung hãn của các tàu Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế.
Gần một tháng đầu, Trung Quốc tìm cách phản bác cáo buộc của Việt Nam tại các cuộc họp báo thường kỳ và trên bộ máy truyền thông Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc nỗ lực gia tăng nhằm giành phần thắng trong cuộc chiến dư luận quốc tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn công bố một tài liệu không có cơ sở về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và trơ tráo vu cáo Việt Nam khiêu khích.
Nước này còn yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho lưu hành tài liệu sai trái này tại Đại hội đồng LHQ nhằm đối phó Việt Nam.
Bất chấp thực tế tàu chiến Trung Quốc luôn có mặt tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn phủ nhận Trung Quốc “không có bất kỳ chiến hạm nào” ở đây, đó chỉ là “các tàu của chính phủ” được cử tới “do Việt Nam tiếp tục quấy rối bạo lực và trái phép”. Trung Quốc còn trắng trợn đổ tội cho tàu Việt Nam phải chịu trách nhiệm về các sự cố đâm va trên biển.
The Diplomat cho rằng, Trung Quốc tăng cường chiến dịch truyền thông chống Việt Nam không có nghĩa thay đổi được nhận thức chung của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh hiểu rõ rằng, nhiều tay chơi chủ chốt trong khu vực, bao gồm Nhật Bản và Mỹ sẽ không bị lung lay bởi lý lẽ xảo biện của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bằng cách đáp trả Việt Nam, Trung Quốc muốn nhắc nhở các nước có quan hệ kinh tế và chính trị phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế rằng, có hai phe trong câu chuyện này, để “biết điều” mà ủng hộ Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp.
Trung Quốc không quan tâm hình ảnh quốc gia?
Cây bút Dingding Chen nhận định trên The Diplomat ngày 12/6 rằng, với những hành động gây hấn gần đây trên biển Hoa Đông và biển Đông, hình ảnh quốc gia của Trung Quốc trên toàn cầu đang gặp thách thức lớn. Nhưng nếu phải lựa chọn, Trung Quốc sẽ chọn lợi ích quốc gia thay vì hình ảnh trên thế giới.
Ông Chen dẫn chứng, những năm qua, Trung Quốc rất quan tâm hình ảnh quốc gia trên thế giới, ra sức khuếch trương sức mạnh mềm. Gây hấn ở biển Hoa Đông, biển Đông, có vẻ như Trung Quốc không lo lắng về hình ảnh của mình tại các nước láng giềng. Vấn đề đặt ra là nếu quan tâm đến hình ảnh quốc gia, tại sao Trung Quốc lại hành xử theo cách gây tổn hại đến nó?
Theo ông Chen, có thể lý giải mâu thuẫn này theo 3 cách. Trước tiên, có lẽ Trung Quốc không thực sự hào hứng với ý tưởng về hình ảnh quốc gia hay sức mạnh mềm. Theo cách nghĩ thống trị ở Trung Quốc, quyền lực thực sự trong chính trị quốc tế là quyền lực vật chất, quyền lực mềm chỉ là thứ sản phẩm phụ của quyền lực cứng.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan niệm “gây sợ hãi tốt hơn là yêu mến” trong nền chính trị quốc tế.
Thứ hai, Trung Quốc quan tâm nhưng lại không đủ khả năng, thậm chí vụng về trong vấn đề xây dựng hình ảnh quốc gia. Giới chức chịu trách nhiệm bồi đắp hình ảnh quốc gia thiếu năng lực hoặc không có sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và giới quân sự.
Ông Chen dẫn trường hợp Trung Quốc cáo buộc tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần, nói sẽ thuyết phục hơn nếu đưa ra được video bằng chứng tàu Việt Nam đâm húc tàu Trung Quốc (thực tế Trung Quốc vu khống nên không thể có bằng chứng). Có rất nhiều ví dụ như thế.
Cuối cùng, ông Chen cho rằng, việc Trung Quốc bỏ mặc hình ảnh quốc gia có thể giải thích bởi sự lựa chọn chiến lược, đặt lợi ích quốc gia (yêu sách chủ quyền một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế) lên trên hình ảnh quốc gia.
Theo The Diplomat, Trung Quốc bắt đầu nâng cấp độ cuộc chiến truyền thông bằng cách sử dụng tình trạng một số kẻ lợi dụng biểu tình để gây rối ở Việt Nam hồi tháng 5 nhằm giành lợi thế.
Khi sự cố xảy ra, Trung Quốc chỉ giới hạn ở việc yêu cầu Việt Nam tăng cường an ninh để bảo vệ công dân Trung Quốc, đòi Hà Nội bồi thường cho các công ty bị thiệt hại.
Nhưng giờ đây, Trung Quốc bắt đầu trực tiếp cáo buộc chính phủ Việt Nam “dung túng” cho việc gây rối. Điều này cho thấy một bước mới của Trung Quốc trong chiến dịch truyền thông chống Việt Nam.