Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế:

Việt Nam kiện Trung Quốc ở tòa nào cũng ủng hộ

Ông Jitendra Sharman (giữa) đại diện Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế đọc Tuyên bố về tình trạng vi phạm leo thang tại biển Đông. Ảnh: Bình Giang
Ông Jitendra Sharman (giữa) đại diện Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế đọc Tuyên bố về tình trạng vi phạm leo thang tại biển Đông. Ảnh: Bình Giang
TP - Việt Nam có bằng chứng lịch sử và pháp lý đủ mạnh để có thể hy vọng thắng nếu kiện ra tòa án quốc tế vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng trợ giúp pháp lý cho Việt Nam.

Đó là khẳng định của ông Jitendra Sharman, Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế tại buổi họp báo hôm 11/6 ở Hà Nội để đưa ra Tuyên bố của Hội về tình trạng vi phạm leo thang tại biển Đông.


Thay mặt cho Chủ tịch Hội - bà Jeanne Mirer, ông Sharman đọc Tuyên bố của Hội đã được gửi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều cơ quan, bộ ngành liên quan của Trung Quốc để kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông Sharman cũng trả lời nhiều câu hỏi của báo chí.

Đời sống & Pháp luật: Hội sẽ có hành động cụ thể như thế nào để phản đối hành động của Trung Quốc? Việt Nam nên kiện ra tòa án quốc tế nào và Hội sẽ hỗ trợ pháp lý như thế nào cho Việt Nam?

Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, vì lẽ đó tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tìm hết mọi cách có thể để giải quyết vấn đề theo con đường hòa bình. 

Tôi tin rằng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ tìm mọi cách để tham khảo các nguồn và các khả năng có thể để vận dụng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh và ủng hộ Việt Nam hết mức để có thể sớm giải quyết các vấn đề hiện nay ở biển Đông. 

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam như vậy là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nên Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền để thực hiện tất cả các biện pháp phù hợp để đối phó. Làm gì là lựa chọn của Việt Nam, nhưng Hội chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Việt Nam. 

Chúng tôi không dám tư vấn Việt Nam nên làm gì tiếp theo, nhưng dù Việt Nam lựa chọn con đường nào, dù Việt Nam kiện ra tòa tư pháp quốc tế, tòa trọng tài quốc tế hay ở Hội đồng Bảo an LHQ hay bất kỳ cơ chế nào, chúng tôi cũng đều hoàn toàn ủng hộ Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ các hành động của Việt Nam và chúng tôi cũng kêu gọi trực tiếp phía Trung Quốc tôn trọng quyền hợp pháp của Việt Nam.

Biên phòng: Tại Đối thoại Shangri-La vừa qua, một vị tướng Trung Quốc nói rằng, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) không áp dụng với khu vực biển Đông. Ông bình luận như thế nào về phát biểu này?

Phải nói ngay quan điểm như vậy của viên tướng Trung Quốc là tuyên bố sai lầm. Trong toàn bộ văn bản của UNCLOS, chúng ta không thể tìm thấy điều khoản nào quy định các trường hợp loại trừ như vậy. Tất cả các trường hợp tranh chấp, xung đột liên quan biển đảo đều phải áp dụng UNCLOS để giải quyết.

Năng lượng mới: Hội có hỗ trợ cụ thể nào cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh pháp lý để buộc Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Ông nghĩ thế nào về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế?

Luật gia chúng tôi rất kỵ việc nói thẳng ra chúng tôi sẽ giúp như thế nào, nhưng chúng tôi có cách để thể hiện. Bất cứ khi nào Chính phủ Việt Nam đưa ra yêu cầu cụ thể về pháp lý, Hội chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ. Về khả năng Việt Nam đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, tôi nhắc lại rằng, kiện ra tòa quốc tế là quyết định của người dân và Chính phủ Việt Nam.

Rõ ràng Việt Nam có thể kiện ra tòa tư pháp quốc tế dựa vào việc Trung Quốc vi phạm luật quốc tế về giải quyết tranh chấp trên biển, vi phạm Hiến chương LHQ và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Đây là việc cực kỳ quan trọng.

Tôi tin rằng, Chính phủ và người dân Việt Nam sẽ đưa ra quyết định phù hợp cho mình, nhưng cũng cần vận dụng luật pháp quốc tế một cách uyển chuyển. 

Phán quyết của tòa tư pháp quốc tế chịu ảnh hưởng nhất định từ các nhóm chính trị là thành viên của họ. Nhưng Việt Nam có những yếu tố pháp lý và chính trị tương đối mạnh. Một khi Việt Nam đã cân nhắc mọi lẽ và quyết định đưa ra tòa quốc tế nghĩa là Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Những luật sư có kinh nghiệm trong các vụ kiện quốc tế của Hội sẵn sàng hỗ trợ nếu Việt Nam quyết định đưa vụ việc ra tòa tư pháp quốc tế.

Người đưa tin: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng cụ thể gì về đường chín đoạn. Ông có nhận xét gì về vấn đề này? Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, Hội có vai trò như thế nào?

Tôi hoàn toàn nhất trí là Việt Nam có bằng chứng lịch sử mạnh mẽ nhất khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo. Không có lý lẽ nào có thể biện hộ cho việc Trung Quốc đặt một vật thể như giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, Liên Xô từng đề nghị trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc, nhưng tất cả các đại biểu khác tại Hội nghị đều bác bỏ. Tôi nhắc lại rằng, dù Việt Nam kiện ra tòa án trọng tài quốc tế, tòa án tư pháp quốc tế hay LHQ thì Việt Nam cũng có những bằng chứng lịch sử và pháp lý tạo cho Việt Nam vị thế mạnh hơn nhiều so với Philippines.

Tiền Phong: Trước đây có vụ kiện nào tương tự trường hợp giữa Việt Nam và Trung Quốc mà tòa án quốc tế từng xử không? Nếu có, xin ông cho biết kết quả?

Các án lệ, vụ việc trước đó thường được tham khảo để định hướng các vụ kiện tương tự về sau. Nhưng nếu những vụ trước đây bị bóp méo hoàn toàn thì chúng ta cũng không phải chấp nhận.

Chúng ta vẫn phải chuẩn bị đầy đủ lý lẽ để đấu tranh pháp lý với đối thủ để buộc họ phải thừa nhận quyền lợi chính đáng của mình. Việt Nam có những bằng chứng đủ mạnh để chúng ta có thể tin tưởng một kết quả thành công cho Việt Nam.

Thanh Niên: Thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ việc tàu Trung Quốc liên tục đâm va làm hỏng tàu và làm bị thương ngư dân Việt Nam. Hội có những hành động gì để bảo vệ ngư dân Việt Nam? Khi kiện ra tòa quốc tế, Việt Nam sẽ được gì và mất gì?

Chúng ta đã cùng nhau xem đoạn video tại hiện trường và đều thấy rằng Trung Quốc hung hăng, cậy tàu lớn đâm vào tàu nhỏ hơn của Việt Nam ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Không có lý lẽ gì có thể biện hộ cho những hành động hung hăng, gây hấn trước của Trung Quốc.

 Luật hàng hải không cho phép tấn công như vậy, nhất là trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác. Hành động khoanh vùng vùng biển và đưa đội hơn 80 tàu bao vây bảo vệ là hành động không thể biện hộ về pháp lý. 

Theo UNCLOS, những hành động như vậy hoàn toàn sai trái. Đúng là các phán quyết của tòa án quốc tế rất yếu trong việc triển khai, nhưng có thể gây tiếng vang lớn, có giá trị nâng cao tính chính đáng, giá trị chính nghĩa trong sự nghiệp mà một quốc gia theo đuổi. 

Có thể không nhiều người biết việc một chủ tịch của chúng tôi từng là đại diện pháp lý cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, Hội chúng tôi luôn sát cánh bên cạnh các bạn. Chỉ cần các bạn nói cần hỗ trợ gì, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ hết sức.

Kêu gọi Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của việc đặt giàn khoan 

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế kêu gọi Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của các hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đưa máy bay, tàu, trong đó có tàu quân sự tới hoạt động gần khu vực giàn khoan; có những hành vi khiêu khích như đâm, bắn vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện, đe dọa tính mạng con người cũng như tấn công tàu cá của Việt Nam từ ngày 7/5.

 Hội cũng kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia thành viên của LHQ và là 1 trong 5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ phải tôn trọng, tuân thủ và giữ gìn tuyệt đối Hiến chương LHQ; xử sự đúng tư cách của một nước lớn cũng như đúng tư cách của 1 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ trong việc giữ gìn và bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới. 

Hội cũng đề nghị chính quyền Trung Quốc phản hồi những đề nghị của Hội về những vấn đề nêu trên.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.