Các nước đều cảnh giác khi tấm mặt nạ “trỗi dậy hòa bình” rơi tuột, đồng thời hoan nghênh vai trò lớn hơn của Nhật Bản trong vấn đề an ninh toàn cầu, kể cả quyền phòng vệ tập thể và đưa quân tham chiến ở nước ngoài… Trung Quốc bắt đầu trả giá cho cách hành xử nước lớn ngang ngược, hung hăng. Có ít nhất ba yếu tố chính dẫn tới Trung Quốc liều lĩnh chơi “canh bạc biển Đông” cực kỳ nguy hiểm.
Thứ nhất, Trung Quốc hiện đã cảm thấy đủ sức mạnh và sự tự tin, bỏ luôn nguyên tắc “giấu mình chờ thời”, từ bỏ sức mạnh mềm và chuyển sang giai đoạn dùng sức mạnh cứng để đạt mục đích chiến lược mà không ngán đối thủ nào, kể cả Mỹ. Thứ hai, phái cứng rắn được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan thắng thế trong hàng ngũ lãnh đạo, chi phối quyết sách Trung Quốc, bẻ lái theo hướng cứng rắn. Thứ ba, bị kích thích cao độ bởi tham vọng siêu cường cộng với sự nôn nóng bởi thời cơ chiến lược không còn nhiều, đã bộc phát khi xuất hiện cơ hội thuận lợi.
Trung Quốc vừa căm ghét Mỹ lại vừa thích Mỹ. Nhưng Trung Quốc tin rằng Mỹ không ngừng tìm cách bao vây, kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy siêu cường. Trung Quốc ghen tị với ngôi vị bá chủ thế giới của Mỹ, tức tối vì chỉ là công xưởng làm thuê giá rẻ, cay cú bởi Trung Quốc mang tiếng là chủ nợ lớn, song Mỹ mới là nước giữ quyền in USD và thao túng hệ thống tài chính thế giới.
Thù hận Mỹ, nhưng Trung Quốc không thể đưa ra một mô hình thể chế cạnh tranh ưu việt hơn. Điều này chính tướng Trung Quốc Lưu Á Châu thừa nhận, thậm chí còn khuyên Trung Quốc cần học hỏi nền chính trị, pháp chế Mỹ. Người giàu Trung Quốc có trên 1 triệu USD đều đua nhau sang Mỹ sống, mua nhà ở Mỹ, đưa con cái sang Mỹ học. Ngay đến cách thức tổ chức, vận hành cụm tác chiến tàu sân bay, Trung Quốc cũng bắt chước Mỹ…
Tìm mọi cách xua đuổi, hất Mỹ khỏi châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng lại đang áp dụng một cách thô thiển học thuyết Monroe của Mỹ từ thế kỷ 19. Theo đòi thuyết sức mạnh biển của Alfred Thayer Mahan, Trung Quốc ra sức phát triển hạm đội hải quân nước xanh (hải quân viễn dương, tầm xa) nhằm hậu thuẫn cho tham vọng siêu cường.
Trung Quốc có lẽ không ý thức được rằng, Mỹ có thể bỏ nhiều thứ, song có hai thứ Mỹ tuyệt đối không bao giờ từ bỏ là lợi ích và ngôi vị siêu cường dẫn dắt thế giới. Trớ trêu thay, khi cố phá vỡ trật tự thế giới do Mỹ thiết lập, Trung Quốc lại đang tự biến mình thành kẻ thù của hầu khắp các quốc gia trong khu vực.
Kéo giàn khoan xuống biển Đông, Trung Quốc không chỉ tạo ra một “hình thức xâm lược mới” mà còn kích động Mỹ đối đầu. Trung Quốc nôn nóng ra tay vì nhận thấy bối cảnh sắp tới sẽ bất lợi cho giấc mộng đại cường. Lãnh đạo mới tại một loạt quốc gia châu Á đều rất cương quyết và cảnh giác trước chính sách hung hăng của Trung Quốc.
Bất kể bà Hillary Clinton (đảng Dân chủ) hay ông Jeb Bush (đảng Cộng hòa) trở thành Tổng thống Mỹ năm 2016 đều là tin xấu đối với Trung Quốc. Khi chiến lược “xoay trục” châu Á hoàn tất, con rồng Napoleon nhắc tới chỉ có thể vùng vẫy trong ao hồ chật hẹp.