'Trung Quốc đang thực hiện chính sách “cá lớn nuốt cá bé”

Nhiều người Pháp tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 12/5 tại Paris. Ảnh: L.A.H
Nhiều người Pháp tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 12/5 tại Paris. Ảnh: L.A.H
TP - 'Trung Quốc đang thực hiện chính sách “cá lớn nuốt cá bé” và leo thang từng bước. Theo tôi, Việt Nam cần phải mở rộng ngoại giao, kết hợp với các nước châu Á khác tạo nên tiếng nói chính trị đối với quốc tế khiến Trung Quốc phải dè chừng. Song song đó, Việt Nam nhờ tiếng nói của quốc tế', ông Patrice Jorland, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt chia sẻ.

Ngay từ ngày 12/5/2014, khi Trung Quốc vừa đưa giàn khoan Hải Dương vào vùng biển đặc quyền kinh tế của VN, tại Pháp, Hội Hữu nghị Pháp - Việt đã lập tức ra tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc. Chủ tịch Hội này là một trí thức đặc biệt yêu và hiểu Việt Nam - ông Patrice Jorland - giáo sư sử chính trị kinh tế. Chúng tôi đã gặp ông tại cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Paris và ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn vài ngày sau đó.

Với tư cách GS sử học, ông phát biểu điều gì trước hàng loạt hành động của Bắc Kinh nhằm xâm lấn vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Tôi ủng hộ Việt Nam không vì tình yêu với Việt Nam mà vì chính nghĩa. Là giáo sư sử học, tôi biết rõ Việt Nam có chủ quyền ở vùng biển mà Trung Quốc đang đưa giàn khoan vào. Tôi có rất nhiều bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp là nước từng đô hộ Việt Nam, nắm rõ các diễn biến lịch sử cũng như địa lý ở đây, tôi nghĩ nước Pháp cần lên tiếng về vấn đề này. Nước Pháp đã có lỗi khi im lặng. Công ước về Luật Biển năm 1982 đã được Việt Nam - Trung Quốc và cả Pháp ký thì Pháp phải có trách nhiệm.

Không chỉ đấu tranh bắt Trung Quốc phải di dời giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, Việt Nam cần kiên trì đòi Trung Quốc phải trả Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vì đó là lãnh thổ của Việt Nam.

Trung Quốc đang thực hiện chính sách “cá lớn nuốt cá bé” và leo thang từng bước. Theo tôi, Việt Nam cần phải mở rộng ngoại giao, kết hợp với các nước châu Á khác tạo nên tiếng nói chính trị đối với quốc tế khiến Trung Quốc phải dè chừng. Song song đó, Việt Nam nhờ tiếng nói của quốc tế.

'Trung Quốc đang thực hiện chính sách “cá lớn nuốt cá bé” ảnh 1

GS Patrice Jorland

Theo ông có khả năng Trung Quốc leo thang cố tình dẫn đến chiến tranh không?


Tôi tin là chiến tranh không xảy ra vì Việt Nam không muốn và chính Trung Quốc cũng không muốn. Nhưng Trung Quốc sẽ làm mọi việc để đưa vào “chuyện đã rồi”. Trung Quốc sẽ không đánh nhưng thực hiện chiến thuật gặm dần, không ra mặt, dùng tàu chiến nhưng lại giả thành các tàu khác để gây sức ép.

Tôi nghĩ Việt Nam phải chuẩn bị để đương đầu lâu dài với âm mưu trên của Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc đang bị phản đối vì hàng loạt hành động xâm lấn, tuyên bố về đường lưỡi bò trên biển Đông… Việt Nam cần kiên trì đấu tranh ngoại giao và báo chí. Người Việt ở trong và ngoài nước phải duy trì được sự đoàn kết. Một điều tôi thấy cần lưu ý là Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết và hợp tác phát triển kinh tế với nhiều nước trên thế giới, song song với việc đối phó với Trung Quốc trên biển. Bởi Trung Quốc trong lịch sử cũng như ở thời đại ngày nay, luôn thực hiện việc gây sức ép, quấy rối để đối thủ suy yếu đi. Đó là âm mưu lâu dài của Trung Quốc.

Ông đánh giá sự can thiệp của các nước lớn với việc Trung Quốc khiêu khích và xâm lấn Việt Nam như thế nào, đặc biệt là nước Pháp?

Qua kinh nghiệm lịch sử và với tình hình thế giới hiện nay, Việt Nam không nên trông cậy vào sự can thiệp của một thế lực nào trong hiện tại cũng như lâu dài. Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam cần phát triển quan hệ với nhiều quốc gia chứ không phải là phụ thuộc vào một nước nào - nhằm phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, y tế… để mạnh lên. Quan điểm của nước Pháp là cả hai bên không dùng vũ lực và giải quyết mọi việc thông qua thương thuyết.

Về phía Hội hữu nghị Pháp - Việt, chúng tôi đang xúc tiến việc gặp gỡ với Quốc hội và Bộ Ngoại giao Pháp trong tháng 6 này. Chúng tôi sẽ đưa ra các bằng chứng và lập luận để thuyết phục các cơ quan này ra tuyên bố khẳng định Việt Nam là phía chính nghĩa và ủng hộ Việt Nam. Hiện nay, dư luận Pháp chưa quan tâm và hiểu rõ vấn đề. Chúng tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ làm mọi việc để họ hiểu hành động của Trung Quốc là nguy hiểm với hòa bình thế giới và ủng hộ Việt Nam. Ngay khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng tôi đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.

Chúng tôi đã tham gia tổ chức 2 cuộc hội thảo tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế và đề cập nhiều đến vấn đề biển Đông. Chúng tôi đã phát biểu ý kiến ủng hộ Việt Nam tại đây. Sắp tới sẽ ra cuốn sách về 2 cuộc hội thảo này.

Việt Nam vừa tuyên bố những luận cứ Trung Quốc đưa ra dựa vào văn bản do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958 là vô giá trị, ông nhận định gì?

Tôi cho rằng đây là một động thái đúng đắn. Tôi cũng mới nhận được một lá thư đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong vùng 12 hải lý liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng dĩ nhiên là tôi không ủng hộ. Tôi đã nghiên cứu về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 thì thấy trong văn bản này, ông Phạm Văn Đồng chỉ đồng ý với quan điểm “12 hải lý” một cách chung chung chứ không hề nhắc tới các đảo thuộc về Hoàng Sa và Trường Sa.

Một điều nữa cũng phải lưu ý, là vấn đề thuộc về lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia luôn phải được ký kết từ các Hội nghị song phương hoặc đa phương, chứ không phải là các thư từ và công văn. Trung Quốc bám vào văn bản này là hết sức vô lý.

Xin ông giới thiệu một vài nét về Hội Hữu nghị Pháp - Việt?

Hội Hữu nghị Pháp - Việt thành lập năm 1971, trước khi hiệp định Paris về Việt Nam ký kết (1973) nên gặp khó khăn vì hai nước chưa thiết lập ngoại giao chính thức. Ngay khi thành lập, Hội đã xác lập quan hệ chỉ với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những người đứng ra sáng lập Hội là những người yêu chuộng hòa bình, bao gồm các trí thức, nhà văn, nhà nghiên cứu về Việt Nam và các cựu chiến binh… như ông Henri Martin, bà Madeleine Riffaud - một nhà văn nổi tiếng, từng đến Việt Nam trong chiến tranh.

Hội hoạt động với ba mục đích lớn. Tìm hiểu Việt Nam trên nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, kinh tế và dự đoán tương lai của Việt Nam. Với chức năng này, hội trở thành nơi nhiều người Pháp tìm đến để có hiểu biết về Việt Nam. Cũng phải nói thêm, khá nhiều năm nay, các phương tiện truyền thông lớn ở Pháp rất ít thông tin về Việt Nam. Chúng tôi dùng tờ tạp chí định kỳ của Hội để đăng tải các thông tin về Việt Nam.

Năm nay là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ Pháp - Việt, tôi rất vui khi thấy có tới khoảng 300 hoạt động văn hóa liên quan đến Việt Nam.

Mục đích thứ hai là giúp người dân Pháp hiểu Việt Nam, từ đó đầu tư vào Việt Nam, giúp Việt Nam nhiều hơn. Chúng tôi liên minh với nhiều tổ chức, hội đoàn khác để làm việc này. Sau thời điểm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Pháp tháng 9/2013, quan hệ Việt-Pháp được nâng lên thành Đối tác Chiến lược. Pháp muốn lấy Việt Nam làm điểm mở ra thế giới, đặc biệt với các nước châu Á.

Mục đích thứ ba của chúng tôi là đoàn kết, tương trợ với Việt Nam. Chúng tôi liên minh với gần 100 hội khác nhau để giúp Việt Nam. Hội đã giúp Hội Chữ thập đỏ ở Việt Nam và trợ giúp người dân nghèo ở nông thôn và miền núi Việt Nam. Một năm chúng tôi có thể huy động được trên 100.000 Euro để thực hiện mục đích này.

Xin cảm ơn ông.

Ông Patrice Jorland - giáo sư sử chính trị kinh tế, từng là tham tán văn hóa Pháp tại Việt Nam hai nhiệm kỳ. Ông có nhiều bài nghiên cứu về chính trị và lịch sử, trong đó có nhiều bài về Việt Nam. GS thường là người tổ chức và tham gia Chủ tịch đoàn các cuộc hội thảo về châu Á. Từ năm 2005 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt.

MỚI - NÓNG