Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định độc chiếm Biển Đông

Tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không thay đổi, giàn khoan 981 chỉ là một ví dụ. Mặc dù bị vây ráp ngăn cản nhưng ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám ngư trường và tiếp tục khai thác trên biển chủ quyền. Ảnh: T.L
Tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không thay đổi, giàn khoan 981 chỉ là một ví dụ. Mặc dù bị vây ráp ngăn cản nhưng ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám ngư trường và tiếp tục khai thác trên biển chủ quyền. Ảnh: T.L
TP - Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu lâu năm về địa chính trị, các mối quan hệ quốc tế, về biển Đông trong tọa đàm “Tình hình biển Đông và hành động của chúng ta” do báo Tiền Phong tổ chức.

Kịch bản nào cho đường đi của giàn khoan 981?

Chia sẻ tại tọa đàm, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, xung quanh vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có 5 vấn đề cần phải làm rõ.

Trước hết là tại sao Trung Quốc đưa giàn khoan đến vị trí đó và vào thời điểm này?

Thứ hai, khi nào Trung Quốc sẽ rút giàn khoan và rút đi đâu? Liệu có rút xuống phía Nam không?

Thứ ba là theo thông tin phía Trung Quốc công bố thì khoảng giữa tháng 8/2014 sẽ rút giàn khoan. Vậy, từ nay đến lúc đó, Trung Quốc sẽ làm tiếp những gì?

Thứ nữa là đánh giá lại những việc chúng ta đã đấu tranh trong thời gian qua, kể cả ở cấp độ nhà nước, báo chí và nhân dân.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định độc chiếm Biển Đông ảnh 1Thiếu tướng Lê Văn Cương.  Ảnh: Như Ý

Theo phân tích của tướng Cương, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vị trí gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có thể lý giải được vì đây là vùng biển tương đối yên tĩnh, không có một tập đoàn dầu khí lớn nước ngoài nào đang khai thác tại đây. Trung Quốc không thể ngay lập tức đưa giàn khoan sâu xuống phía Nam gần Trường Sa.

“Trung Quốc đặt giàn khoan ở gần Hoàng Sa có ý vừa làm vừa thăm dò, thử phản ứng của ta, vừa ít đụng chạm đến quốc tế”, ông Cương nói. Về thời điểm, theo tướng Cương, bên cạnh việc muốn lợi dụng tình hình căng thẳng trong khu vực nhằm xoa dịu những bất ổn trong nội bộ Trung Quốc, việc chính quyền Mỹ công khai ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp với Trung Quốc khiến giới lãnh đạo Trung Quốc quay lại gây hấn trên biển Đông.

Tướng Cương dự đoán, khoảng giữa tháng 8/2014 với lý do “hoàn thành việc khảo sát” Trung Quốc có thể sẽ rút giàn khoan, tuy nhiên băn khoăn lớn nhất là rút đi đâu.

“Chúng ta không biết họ rút đi đâu thì rất nguy hiểm. Liệu có xuống phía Nam không? Vừa qua Philippines đã thông báo Trung Quốc đang đổ gạch đá xây dựng đường băng ở bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Liệu có phải Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng Hoàng Sa để thu hút toàn bộ quan tâm của thế giới vào điểm nóng này, để họ rảnh tay xây dựng ở Gạc Ma.

Tướng Cương nhận định, Trung Quốc sẽ rút giàn khoan xuống phía Nam, vào giữa tháng 8/2014 khi các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Gạc Ma hoàn thành. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn trong cuộc đấu tranh của ta”, ông Cương phân tích.

Theo ông Cương, từ nay đến giữa tháng 8/2014, chúng ta cũng chưa biết được Trung Quốc sẽ có thêm trò gì nữa ở trên biển, tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào những phản ứng của ta và quốc tế.

Ông Cương cũng cho rằng, phản ứng từ phía nhà nước là kịp thời, mạch lạc, rõ ràng và kiên quyết, đặc biệt là lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời báo chí quốc tế:

“Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Theo ông Cương, đây là một bước ngoặt trong nhận thức.

Đừng mong Trung Quốc nghĩ lại

Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho rằng, dù tình hình có thể dịu đi, nhưng không thể để chúng ta lâm vào tình trạng bị động.

“Họ căng lên thì mình cũng dướn người lên. Họ nhún xuống thì mình bảo là tình hình ổn rồi. Thế thì mệt vô cùng. Không thể để họ cầm trịch cuộc chơi được”, ông Giang nói.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định độc chiếm Biển Đông ảnh 2

Ông Vũ Minh Giang. Ảnh: Như Ý

Theo ông Giang, giàn khoan Hải Dương 981 là sự che đậy cuối cùng một thực tế, một dự đoán từ nửa thế kỷ nay về việc Trung Quốc có âm mưu độc chiếm biển Đông.

“Bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải hiểu rằng, đó là một ý đồ chiến lược và họ kiên quyết thực hiện cho bằng được”, ông Giang khẳng định.

Cũng theo ông Giang, chúng ta đừng mong Trung Quốc nghĩ lại. “Họ chỉ chùn và chậm lại khi gặp phản ứng gay gắt hoặc vì một lý do nào đó âm mưu này bị phá sản.

Tất cả những việc họ làm, cho dù là nhỏ nhất đều có những tính toán một cách rất kỹ lưỡng”, ông Giang nói. Vì thế, theo phân tích của ông Giang, khi đã biết bản chất về ý đồ chiến lược độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, chúng ta phải đấu tranh quyết liệt, tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế để thay đổi tình thế.

Ông Trần Việt Thái, Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao nhận định thẳng thắn: “Tôi mạnh dạn nói rằng đây là một loại hình xâm lăng kiểu mới của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa”.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định độc chiếm Biển Đông ảnh 3

Ông Trần Việt Thái. Ảnh: Như Ý

Cuộc tọa đàm đã bàn luận về tình hình biển Đông, đặc biệt liên quan việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đưa ra những phân tích, nhận định tình hình và các biện pháp đấu tranh của Việt Nam.

Theo ông Thái, ý đồ của Trung Quốc là lấn chiếm vùng biển, nhăm nhe dầu khí và phát huy ảnh hưởng ra khu vực. “Do biện pháp họ làm là hoàn toàn mới và loại hình mới nên rất khó đối phó”, ông Thái nói.

Ông Thái phân tích, về cái gọi là Giấc mộng Trung Hoa. “Giấc mộng Trung Hoa bản chất là gì? Chúng ta cần làm sáng tỏ âm mưu của Trung Quốc.

Chúng ta cần đập tan luận điệu sai trái về đường lưỡi bò. Bóc trần bản chất về đường lưỡi bò nó sẽ ra tất cả các vấn đề khác”, ông Thái chia sẻ. Ông Vũ Minh Giang cho rằng, song song với đó cần đưa ra các chứng cứ pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa. “Hoàng Sa chúng ta có rất nhiều chứng cứ pháp lý, thậm chí là rất dày dặn để khẳng định chủ quyền”, ông Giang nói.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định độc chiếm Biển Đông ảnh 4

Ông Lương Văn Kế. Ảnh: Như Ý

Theo nhận định của TSKH Lương Văn Kế, chuyên gia nghiên cứu Địa chính trị ĐHQG Hà Nội, mục tiêu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi. “Đây là con đường sinh mệnh của Trung Quốc. Tất nhiên, họ không thể làm ngay một lúc được. Họ sẽ làm từng điểm để tìm ra một cấu trúc địa chính trị thuận lợi, chỗ này một ít, chỗ kia một ít”, ông Kế nhận định.

Ông Kế lo ngại rằng Trung Quốc sẽ làm dần từ phía Bắc xuống, sẽ “ngoạm” về phía Nam. Theo ông Kế, khi đã biết rõ những âm mưu của Trung Quốc tại biển Đông thì cần có một chiến lược đối phó để không bị động, bất ngờ trước những hành động của Trung Quốc. 

Tọa đàm “Tình hình biển Đông và hành động của chúng ta” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 31/5, với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về lịch sử, luật biển, quan hệ quốc tế, ngoại giao như: ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà ngoại giao lão thành, thành viên đàm phán Hiệp định Paris; GSTS Vũ Minh Giang, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội; Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ CA; Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ; Phó GS, TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học biển và Hải đảo, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội; TSKhH Lương Văn Kế, chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị ĐHQG Hà Nội; ông Trần Việt Thái, Viện Chiến lược Bộ Ngoại giao; ông Hoàng Thắng, Giảng viên Quan hệ quốc tế, ĐH Đông Đô; và ông Hà Lê - Cục phó Cục Kiểm ngư.

Kiên trì thượng tôn pháp luật

Đó là khẳng định được Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nhấn mạnh tại Đà Nẵng sáng 1/6 khi thăm động viên, làm việc với cán bộ chiến sĩ tàu CSB 8003 (Cảnh sát biển vùng 1) vừa trở về từ thực địa giàn khoan Hải Dương 981.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động đơn phương, tạo tiền đề nguy hiểm và gây khó khăn cho việc xử lý giữa hai quốc gia. Khác với hành vi của Trung Quốc, ngay từ đầu Việt Nam chủ trương đấu tranh bằng biện pháp pháp luật, hòa bình.Trong đó, Việt Nam luôn kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.

“Thái độ kiên trì, kiên quyết của Việt Nam cũng chính là biện pháp pháp luật. Bằng pháp luật không thể dùng vũ lực, nếu không sẽ đi ngược với quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982, khuyến cáo giải quyết xung đột bằng phương pháp hòa bình”, Thiếu tướng Đạm nhấn mạnh.

Theo vị tư lệnh ngành cảnh sát biển, các đối sách của Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 không chỉ đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền vùng biển mà còn góp phần đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải quốc tế, thể hiện trách nhiệm của một quốc gia có trách nhiệm đảm bảo lợi ích chung khi Trung Quốc cố tình hạ đặt giàn khoan trái phép lên vùng hàng hải quốc tế.

Nguyễn Huy

MỚI - NÓNG