Trung Quốc không muốn tên lửa Triều Tiên chĩa sang mình

TPO - Trung Quốc có công cụ để ép Triều Tiên vì chương trình hạt nhân. Nhưng dù bắt tay với Mỹ, Trung Quốc cũng không thể làm gì nhiều hơn việc lên án vì bản thân Bắc Kinh không hề muốn tên lửa Triều Tiên một ngày nào đó chĩa vào quốc gia này.

Đó là ý kiến mà các nhà nghiên cứu tại Mỹ đưa ra tại cuộc trao đổi với nhóm nhà báo đến từ Đông Nam Á về các vấn đề an ninh ở Đông Bắc Á vừa diễn ra tại ĐH Hawaii, Mỹ.

Trung Quốc không muốn tên lửa Triều Tiên chĩa sang mình ảnh 1

GS Eric Harwit. Ảnh: Thu Loan

Theo GS Eric Harwit, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm đến vấn đề Triều Tiên hơn cả vấn đề thương mại. Vì thế, ông Trump đã hạ giọng trong nhiều vấn đề với Trung Quốc để đối lấy sự hợp tác của Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, GS Harwit cho rằng Trung Quốc khó có thể làm gì với Triều Tiên nhiều hơn lên án bằng miệng.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là liệu Trung Quốc có gây sức ép mạnh hơn lên Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân không. Theo GS Harwit, Trung Quốc có công cụ để gây sức ép với Triều Tiên khi 90% lượng dầu Triều Tiên nhập khẩu đến từ Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ không dồn Bình Nhưỡng vào đường cùng.

Trung Quốc coi Triều Tiên như vùng đệm và không muốn quân đội Mỹ hiện diện ngay cửa ngõ nhà họ. Trung Quốc cũng không muốn nhận một làn sóng tị nạn từ Triều Tiên tràn qua biên giới sang nước họ.

Triều Tiên rõ ràng gần đây đã gửi tín hiệu đến Trung Quốc khi truyền thông nhà nước Triều Tiên bày tỏ không bằng lòng với Trung Quốc. Triều Tiên gần đây thậm chí chỉ trích đích danh Trung Quốc trong bài bình luận rằng Trung Quốc dường như đang khiêu vũ với Mỹ.

GS Harwit cho rằng Trung Quốc đang ở thế khó khi họ không muốn Triều Tiên gây bất ổn ở khu vực, nhưng mặt khác bất kỳ hành động mạnh nào của Bắc Kinh cũng có thể khiến chính quyền Triều Tiên bất ổn.

“Nếu Bắc Kinh dồn Bình Nhưỡng đến chân tường, có lẽ trong tương lai tên lửa Triều Tiên có thể chĩa về Trung Quốc. Tôi không lạc quan rằng Trung Quốc có thể làm gì nhiều hơn lên án Triều Tiên. Dù Trung Quốc làm gì thì Triều Tiên cũng không từ bỏ chương trình hạt nhân của họ,” GS Harwit nói.

Trung Quốc không muốn tên lửa Triều Tiên chĩa sang mình ảnh 2 GS Sang-Hyop Lee. Ảnh: Thu Loan

Còn theo GS Sang-Hyop Lee, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên tại ĐH Hawaii, ngay từ năm 2003 khi Triều Tiên thực hiện một vụ thử hạt nhân, nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra để bàn xem liệu các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng có tác dụng hay không. Một số người cho rằng cứ tăng trừng phạt là khiến Triều Tiên từ bỏ, nhưng đó chỉ là giả thuyết.

Thực tế Triều Tiên vẫn phát triển vũ khí hạt nhân. Triều Tiên nhập khẩu đến 90% dầu từ Trung Quốc nên nhiều người nói rằng chỉ cần Trung Quốc ngừng xuất dầu sang Triều Tiên sẽ buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Nhưng GS Lee cho rằng lịch sử chứng minh các biện pháp trừng phạt không có tác dụng, nên nếu Trung Quốc làm như vậy chỉ khiến dân Triều Tiên khốn khổ và sẽ có người chết, còn Bình Nhưỡng vẫn không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Trong khi đó, việc giữ Triều Tiên làm vùng đệm vẫn phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Cái giá với Trung Quốc rất rẻ, chỉ chưa đến 1% viện trợ nước ngoài của Trung Quốc có thể giúp nền kinh tế Triều Tiên tiếp tục vận hành, GS Reginald Yin-wang Kwok công tác tại Trường Nghiên cứu châu Á- Thái Bình Dương thuộc ĐH Hawaii, nói.

Về câu hỏi liệu Triều Tiên có trở thành Iraq thứ hai, GS Denny Roy ở ĐH Hawaii, cho rằng sự khác nhau giữa Triều Tiên và Iraq là Mỹ không có lợi ích về dầu khí ở Triều Tiên. Mỹ không muốn xâm lược Triều Tiên, và ưu tiên cao nhất của Mỹ đối với Triều Tiên không phải chuyện thay đổi chế độ hay nhân quyền, mà là việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ muốn đối thoại với Bình Nhưỡng và sẽ cân nhắc lại việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc, GS Sang-Hyop Lee cho rằng đó chỉ là cử chỉ chính trị.

Việc triển khai THAAD đến Hàn Quốc nhiều lần bị trì hoãn dưới thời hai cựu tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye nhưng Mỹ đã ráo riết triển khai trước khi Hàn Quốc có tổng thống mới.

“Tôi không nghĩ sẽ có việc đàm phán lại về THAAD. Nếu có thì đó cũng sẽ là cuộc đàm phán rất dài”, GS Lee nói. 

MỚI - NÓNG