Báo Hong Kong dẫn lời các nhà nghiên cứu tham gia dự án cho biết, các trạm điện nổi khổng lồ được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp trên biển Đông. Một tổ máy quy mô đầy đủ (to bằng khoảng một nửa sân bóng đá) vừa chạy thử trên vùng biển tỉnh Quảng Đông vào đầu tháng này, các nhà nghiên cứu ở Viện Năng lượng thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết. Với thiết kế cơ khí tiên tiến, loại máy phát điện này có thể chuyển đổi một cách hiệu quả sự chuyển động liên tục của nước biển thành điện và vẫn hoạt động được trong những ngày không có gió, thậm chí khi có siêu bão.
Tốc độ xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp những năm gần đây đã gây sức ép rất lớn lên hệ thống cung cấp điện của nước này. Một trong những vấn đề đau đầu nhất của Trung Quốc là duy trì hoạt động liên tục của mạng lưới radar lớn hơn bao giờ hết. “Các radar quân sự là những con thú ngốn điện và cần phải cung cấp điện cho chúng liên tục”, một nhà nghiên cứu giấu tên thuộc Viện Năng lượng nói. “Đưa nhiên liệu hóa thạch đến các đảo xa rất tồn tiền và tốn thời gian. Các tàu vận chuyển cũng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và sự phản đối của các nước láng giềng”, nhà nghiên cứu này nói.
Trung Quốc cần thêm điện để hoạt động trên phạm vi lớn hơn. Khi hoạt động hết công suất để phát hiện máy bay chiến đấu từ xa hoặc một vật thể xác định, một hệ thống cảnh báo sớm có thể cần hàng ngàn kilowatt điện - tương đương tổng mức tiêu thụ điện trung bình của 1.000 gia đình ở Mỹ. Các nguồn năng lượng tái tạo truyền thống không phù hợp trên những đảo nhỏ vì không đủ diện tích lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, và các tấm pin này cũng nhanh bị hỏng. Hơn nữa, các turbine gió không thể tạo ra nguồn điện ổn định vì phụ thuộc vào thời tiết.
Tổ máy phát điện từ sóng biển vừa được thử nghiệm nằm trong số máy phát điện có quy mô lớn nhất thế giới. Các phao sinh điện tương tự được Mỹ và Úc đang sử dụng tạo ra nguồn điện khoảng 150kw. Cho đến nay, máy phát điện từ sóng biển quy mô lớn nhất là mẫu được lắp tại một trang trại ở Bồ Đào Nha, có công suất 750kw.
Chịu được bão lớn
Ưu điểm của loại máy phát điện mới của Trung Quốc là có thể sống sót trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Nếu có bão, các máy phát điện này sẽ tự động chìm xuống một phần, chỉ còn một phần nhỏ nổi trên mặt nước để tránh gió mạnh làm hư tổn. Máy phát điện này không được neo xuống đáy biển, nên nó có thể di chuyển tự do giữa sóng lớn.
Với thiết kế một nửa giống tàu ngầm, máy phát điện này đã chứng tỏ khả năng hoạt động rất tốt. Một nguyên mẫu nhỏ hơn đã sống sót sau trận siêu bão Hải Yến (Haiyan) trên biển Đông cách đây 2 năm, khi trận bão này cướp đi 6.000 mạng người ở Philippines. Không chỉ thế, máy phát điện này tiếp tục sinh ra điện trong bão ngay cả khi nó bị chìm gần hết.
Các cơ sở radar cần lượng điện khổng lồ để hoạt động, vì thế dùng sóng biển để cung cấp điện là một giải pháp hậu cần, ông Li Ming, giáo sư ngành công nghệ radar tại Phòng Xử lý tín hiệu radar quốc gia thuộc Đại học Tây An (Trung Quốc), cho biết. Tuy nhiên, ông Li nghi ngờ liệu một “cánh đồng” làm điện từ sóng có thể đáp ứng đủ nhu cầu? Một vấn đề khác là chi phí cho hoạt động. Những người vừa vận hành thử tổ máy cho biết nó tiêu tốn khoảng 20 triệu nhân dân tệ (70 tỷ đồng) cho việc thiết kế và lắp đặt.