TSKH Lương Văn Kế- chuyên gia về địa chính trị (ĐHQG Hà Nội):

Trung Quốc đang thực hiện cuộc 'chiến tranh nguội' ở biển Đông

Giàn khoan 981 trái phép của Trung Quốc trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: T.L
Giàn khoan 981 trái phép của Trung Quốc trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: T.L
TP - TSKH Lương Văn Kế- chuyên gia về địa chính trị: (Đại học Quốc gia Hà Nội) tác giả cuốn sách đầu tiên về địa chính trị ở Việt Nam trao đổi với Tiền Phong xung quanh tình hình căng thẳng ở biển Đông dưới góc nhìn địa chính trị. 

TSKH Lương Văn Kế nhận định: Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 đã kích hoạt toàn bộ trật tự địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương là vì tất cả các chủ thể quan trọng nhất của thế giới đều đã vào cuộc, rộng nhất là Liên Hiệp Quốc, rồi tổ chức khu vực lớn như Liên minh châu Âu, ASEAN, các cường quốc dù sớm hay muộn đều đã lên tiếng. Kết quả kích hoạt quan trọng nhất là các nước điều chỉnh nhận thức và chiến lược của họ đối với biển Đông, Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương.

Có thể thấy rõ sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ và đồng minh, như Nhật Bản, Phillipines, Australia.

Vai trò của biển Đông đối với sự phát triển của Trung Quốc là rất quan trọng. Tuy nhiên tôi cũng đồng ý với ý kiến của một vài người đã phân tích rằng biển Đông có bao nhiêu dầu để đảm bảo Trung Quốc giàu có thêm, có bao nhiêu cá để người Trung Quốc no đủ thêm?

Trung Quốc đang thực hiện cuộc 'chiến tranh nguội' ở biển Đông ảnh 1

TSKH Lương Văn Kế

 Tôi đánh giá vấn đề quan trọng ở đây không đơn thuần là kinh tế, mà là tổng hợp của các khía cạnh địa chiến lược, địa kinh tế, địa văn hóa. Trong ý nghĩa địa văn hóa, người Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến khía cạnh thể diện hay sĩ diện như là một phạm trù căn bản của nhân cách theo tinh thần Khổng giáo.

Trên tầm quốc gia, phạm trù nhân cách đó được chuyển thành khái niệm quốc thể (thể diện quốc gia), quốc sỉ (nỗi sỉ nhục quốc gia). Đối với người Trung Quốc ngày nay, một thế kỷ từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX bị Phương Tây bắt nạt, khinh bỉ, chia cắt lãnh thổ, cướp bóc các vùng đất vốn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc là một nỗi nhục không thể quên.

Sau ba mươi năm cải cách mở cửa và vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự tầm thế giới, ban lãnh đạo Trung Quốc càng ngày càng tỏ ra muốn “phục thù” Phương Tây, muốn đòi lại những cái gì đã mất, muốn “rửa mối hận trăm năm”.

Người Trung Quốc truyền thống từ khi đi học đã được giáo dục theo hệ tư tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng giáo để trở thành người quân tử chân chính. Như cuốn sách kinh điển mang tên Đại Học của Tăng Tử (một trong Tứ thư của Nho gia cách nay trên hai ngàn năm) đã giáo huấn, mục đích tối thượng của người quân tử là ‘“bình thiên hạ”. Bình thiên hạ ở đây theo đúng nghĩa đen là bình định, chiếm lĩnh các vùng lãnh thổ mới, lãnh thổ của các quốc gia khác (thiên hạ), đưa toàn bộ lãnh thổ thế giới này về một đế chế duy nhất.

Vấn đề biển Đông với Trung Quốc vừa là câu chuyện về tham vọng lãnh thổ, vừa là vấn đề thể diện của đế chế Trung Hoa từng lừng lẫy trong nhiều thế kỷ, và cũng là tham vọng địa chiến lược của Trung Quốc muốn vươn xa trên đại dương và phát huy tầm ảnh hưởng ra toàn thế giới - nội dung cơ bản của giấc mộng Trung Hoa mà Tập Cận Bình đề xướng.

Theo một số nhà khoa học Mỹ, chiến lược bá chủ của Trung Quốc có hai giai đoạn: để kiểm soát thế giới (bước 2) thì kiểm soát biển Đông trước (bước 1). Mà muốn kiểm soát biển Đông thì phải khống chế Việt Nam. Theo ông, Trung Quốc sẽ thực hiện những bước đi và thủ đoạn gì hòng khống chế Việt Nam?

Theo cách nhìn của tôi, để đạt được tham vọng địa chính trị của mình, Trung Quốc đặt ra ba mục tiêu tương ứng với ba giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mục tiêu chiến lược trong ngắn hạn là Trung Quốc sẽ thu hồi lại các vùng đất vốn thuộc Trung Quốc như Đài Loan hoặc tự nhận là từng thuộc Trung Quốc (như biển Đông), khôi phục ảnh hưởng mạnh mẽ đối với một số nước lân bang trong đó có Việt Nam; thời gian thực hiện mục tiêu đó là khoảng những năm 2020 - 2030.

Mục tiêu trung hạn là Trung Quốc sẽ làm bá chủ khu vực Đông Á-Tây Thái Bình Dương, chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ; thời gian tương ứng có thể từ 2030 đến khoảng giữa thế kỷ (năm 2049 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).

Những diễn biến gần đây cho thấy họ sẽ chọn biển Đông là hướng đột phá khẩu cho toàn bộ chiến lược dài hạn của mình. Tại sao chọn biển Đông?

Vì nói cho cùng biển Đông là khâu yếu nhất trong toàn bộ vòng cung vây xung quanh Trung Quốc. Biển Đông là biển quốc tế tương đối hẹp, khép kín, một số nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền của mình trên biển Đông không có thực lực đủ mạnh, giữa các nước này cũng có tranh chấp chủ quyền gay gắt, và càng không thể kết thành một liên minh sức mạnh thống nhất đủ sức đối trọng với Trung Quốc.

Trong số các chủ thể xung quanh biển Đông đó, thì Việt Nam bị Trung Quốc xem là mắt xích quan trọng nhất, nhưng Việt Nam hiện thời đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển, lại không có hiệp ước liên minh an ninh nào với các cường quốc như Mỹ hay Nga, Nhật Bản, Ấn Độ để có thể ngăn chặn bành trướng của Trung Quốc.

Chiến lược của Trung Quốc với biển Đông có thể là, trong vòng vài chục năm tới Trung Quốc sẽ lần lượt chiếm đóng các bãi đá ngầm, các vị trí thuận lợi cho khai thác tài nguyên, thiết lập các căn cứ quân sự (hải quân, không quân) liên kết với nhau thành hệ thống tương hỗ như họ đang làm hiện nay ở các bãi cạn Scarbourogh, đảo Gạc Ma và xung quanh, hoặc hạ đặt các giàn khoan, xây các pháo đài, tháp canh trên biển Đông, nhằm khống chế và đi đến độc chiếm toàn bộ biển Đông.

Tôi nghĩ không chỉ có vài ba giàn khoan, mà Trung Quốc sẽ đặt hàng trăm giàn khoan thậm chí hàng nghìn điểm chiếm đóng ở biển Đông khi đó họ mới tuyên bố về vùng nhận diện phòng không.

Trung Quốc đã lựa chọn biển Đông là một đột phá khẩu chiến lược và sử dụng các hình thức xâm lăng kiểu mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử, nên tôi nghĩ rằng nếu toàn bộ thế giới này không liên kết với nhau để hỗ trợ Việt Nam và các nước Đông Nam Á nhằm để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc thì có lẽ không ai đủ sức để ngăn chặn.

Thưa ông, Trung Quốc sẽ dùng những vũ khí nào để thực hiện tham vọng của mình?

Hiện nay Trung Quốc đang thực hiện nhiều cuộc chiến cùng một lúc: chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông, cuộc chiến pháp lý, và cuộc “chiến tranh nguội” trên thực địa. Về cuộc chiến tâm lý, họ cắm giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam, cho các loại tàu liên tục khiêu khích gây hấn, gây cho chúng ta nhiều ức chế, dồn nén, bức xúc.

Về truyền thông, họ dùng bộ máy truyền thông khổng lồ liên tục xuyên tạc sự thật về chủ quyền biển Đông, vu cáo bịa đặt Việt Nam ở quốc tế. Về pháp lý, họ đổi trắng thay đen, họ đưa ra những bằng chứng thiếu cơ sở pháp lý theo kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Tôi nghĩ nếu Việt Nam không đi trước một bước, sớm khởi kiện Trung Quốc, rất có thể Trung Quốc sẽ đâm đơn kiện Việt Nam trước tòa án quốc tế. Khi đó Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi lớn. Vì vai trò của hai bên sẽ thay đổi 180 độ: Trung Quốc sẽ đóng vai nguyên đơn, và Việt Nam sẽ là bị đơn của vụ kiện quốc tế nghiêm trọng này. Đây quả là cơ hội lớn về chính trị và pháp luật nếu Việt Nam bỏ lỡ, sự thua thiệt sẽ khó có thể lường hết!

Trên thực địa biển Đông, vũ khí Trung Quốc sử dụng không phải là vũ khí nóng, không phải một cuộc chiến tranh nóng, cũng không phải cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới như một số chuyên gia dự đoán, mà là một cuộc “chiến tranh nguội”.

Cuộc chiến tranh nguội này được họ tiến hành không chỉ trên biển Đông, mà còn cả trên đất liền. Như chúng ta đã biết Trung Quốc có những liên kết thuê các vùng đất rộng lớn với thời hạn lâu dài ở Lào, Campuchia giáp với biên giới phía tây Việt Nam.

Ông có thể nói rõ hơn về cái gọi là cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của Trung Quốc ở biển Đông?

Tôi cho rằng khái niệm “chiến tranh nguội” là một tên gọi thích hợp, vạch rõ hình thái chiến tranh xâm lược kiểu mới mà chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc phát minh ra trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Trên danh nghĩa “không sử dụng vũ lực” (lực lượng quân sự và vũ khí nóng), mà chỉ là các phương tiện dân sự hay bán dân sự, qui mô không gian chiếm lĩnh hết sức hạn chế (ví dụ xoay quanh một giàn khoan, một bãi đá nhỏ hẹp…) nó không đủ để kích hoạt một phản ứng quân sự của bất kì nước nào, kể cả của Việt Nam, và không lôi kéo can dự của cường cuốc bên ngoài.

Đây chính là một ngón đòn thâm hiểm mang lại hiệu quả cao trên thực tế nhưng lại không thể dùng luật pháp quốc tế để qui kết tính chất vũ lực của cuộc xâm lăng. Tiếng Việt dùng khái niệm “đánh nguội” để chỉ một cú đòn hiểm vào đối phương, hủy hoại lục phủ ngũ tạng của đối phương mà không thấy ngoài da bị hề hấn gì. Đó thực sự không phải là một nắm đấm bằng nhung, mà là một “quả chùy” bằng thép lạnh.

Ông nhận định thế nào về diễn biến tới đây của giàn khoan Hải Dương 981?

Tôi nghĩ chúng ta khó hình dung được sơ đồ di chuyển của giàn khoan như thế nào. Nhưng theo phán đoán chủ quan của tôi họ sẽ không kéo về quần đảo Hoàng Sa hay đảo Hải Nam Trung Quốc, họ sẽ kéo về phía Nam, dọc theo đến quần đảo Trường Sa.

Khi nào họ kéo đến Trường Sa? Tôi nghĩ chỉ khi nào ở Trường Sa hình thành một căn cứ hậu cần hiện đại, thành một điểm tựa vững chắc cho họ ở trung tâm của biển Đông thì khi đó họ sẽ kéo hạ đặt tiếp các cấu kiện giàn khoan hoặc tương tự. Và tôi nghĩ họ sẽ kéo đến tận vùng Nam Côn Sơn - một khu vực dự đoán có nhiều dầu khí. Hiện nay Trung Quốc đang xây dựng căn cứ sân bay hải cảng, đảo nhân tạo ở gần Gạc Ma.

Một khi xây xong căn cứ ở Gạc Ma nằm giữa quần đảo Trường Sa thì Trung Quốc không cần đến hàng không mẫu hạm nữa vì bản thân Gạc Ma đã là một hàng không mẫu hạm khổng lồ rộng tới 40km2. Nguy cơ ở biển Đông bị khống chế ngay trong tầm tay, không phải đợi 10 năm nữa mà chỉ vài năm nữa thì toàn bộ biển nước ta bị uy hiếp.

Bước tiếp theo là Trung Quốc sẽ cho triển khai xây dựng các công trình dân sự như trạm khí tượng thủy văn, trạm nghiên cứu biển dọc bờ Tây của quần đảo Trường Sa để chia cắt quần đảo Trường Sa với đất liền Việt Nam, khống chế con đường tiếp tế của chúng ta cho quân và dân trên các đảo và nhà giàn ở quần đảo Trường Sa.

Xin cảm ơn ông

Tiếng Việt dùng khái niệm “đánh nguội” để chỉ một cú đòn hiểm vào đối phương, hủy hoại lục phủ ngũ tạng của đối phương mà không thấy ngoài da bị hề hấn gì. Đó thực sự không phải là một nắm đấm bằng nhung, mà là một “quả chùy” bằng thép lạnh.

MỚI - NÓNG