Trung Quốc đang lắp radar quân sự ở Trường Sa?

Vị trí radar, hệ thống thông tin liên lạc, hầm trú ẩn, đài quan sát, hải đăng trên đá Châu Viên. Ảnh: CSIS/AMTI
Vị trí radar, hệ thống thông tin liên lạc, hầm trú ẩn, đài quan sát, hải đăng trên đá Châu Viên. Ảnh: CSIS/AMTI
TP - Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Mỹ ngày 23/2 đưa ra những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang lắp đặt một hệ thống radar rất mạnh trên bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. CSIS cho rằng, hệ thống này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, để kiểm soát các tuyến hàng hải có tầm quan trọng chiến lược.

Báo Washington Post hôm qua dẫn lời ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS, nói rằng, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một hệ thống radar tần số cao đang được lắp đặt và sắp hoàn tất trên đá Châu Viên - một trong 7 bãi đá thuộc Trường Sa mà Trung Quốc gần đây mở rộng phi pháp.

Lắp đặt ở nhiều nơi

“Hai cột radar chắc chắn đã được dựng lên ở phần phía bắc của bãi đá, và một cột cao 20m được dựng lên ở phần phía nam”, Reuters dẫn báo cáo của CSIS. Phân tích các ảnh vệ tinh trong tháng 1 và 2, báo cáo kết luận, ngoài hệ thống radar này, Trung Quốc đã xây dựng một hầm trú ẩn và một hải đăng ở phía bắc của đá Châu Viên, một số tòa nhà và một bãi đậu trực thăng ở trung tâm, hệ thống thông tin liên lạc ở phần phía nam, và một cầu tàu với cần trục dỡ hàng ở mép phía tây của tiền đồn.

“Nếu đó là một radar tần số cao thì nó sẽ nâng cao năng lực của Trung Quốc một cách đáng kể để giám sát các tàu và máy bay trên biển Đông”, ông Poling nói với Washington Post. “Đá Châu Viên là địa điểm hợp lý để lắp đặt một hệ thống như vậy vì nó là thực thể xa nhất về phía nam của quần đảo Trường Sa. Đó là nơi tốt nhất nếu bạn muốn một radar cảnh báo sớm báo hiệu sự xuất hiện của các tàu và máy bay đến từ eo biển Malacca và các khu vực khác ở phía nam như Singapore”, ông Poling nhận định.

“Đó sẽ là thứ rất quan trọng trong chiến lược từ chối tiếp cận của Trung Quốc nhằm làm giảm khả năng của Mỹ trong việc hoạt động tự do trên biển Đông,  trong đó có việc đưa lực lượng qua biển Đông trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở Đông Bắc Á”, ông Poling nói.

Eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia là một trong những con đường hàng hải quan trọng nhất thế giới, trong khi 1/3 số tàu vận tải thương mại và phần lớn lượng dầu của châu Á đi qua biển Đông. Trung Quốc đã cải tạo phi pháp 7 bãi đá trên biển Đông và đang xây dựng 3 đường băng trên các đảo này. Bắc Kinh nói rằng, những công trình nhân tạo này chủ yếu phục vụ mục đích dân sự, rằng họ chỉ xây các cơ sở hạ tầng phòng vệ hạn chế và cơ bản.

“Chắc chắn có thể nói những công trình đó phục vụ mục đích dân sự, và Trung Quốc sẽ làm như vậy. Nhưng bạn không cần một đường băng dài 3.000m để hạ cánh các máy bay dân sự, bạn không cần radar tần số cao để cảnh báo sớm tàu thuyền đi lại. Radar vốn có thể dùng cho hai mục đích, nhưng cũng giống như các hạ tầng lưỡng dụng” khác ở Trường Sa, giá trị thực sự của nó là quân sự. Những radar hạn chế khác, như những hệ thống Trung Quốc đã có trên các thực thể khác ở Trường Sa, hiệu quả hơn trong việc giám sát và bảo đảm an toàn cho giao thông dân sự gần những thực thể này”, ông Poling phân tích.

Theo Washington Post, những bức ảnh khác do CSIS cung cấp cũng cho thấy hệ thống radar cũng đang được xây dựng trên các bãi đá khác thuộc Trường Sa. Ngày 23/2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo báo chí nói rằng, nước này có quyền triển khai các thiết bị phòng vệ, Xinhua đưa tin.

Học giả Singapore: Trung Quốc hãy tự kiềm chế

Đại sứ lưu động của Singapore, giáo sư Tommy Koh, hôm qua thúc giục Trung Quốc thể hiện “sự khôn ngoan và tự kiềm chế” ở Đông Nam Á, vì chính sách ngoại giao quyết liệt của họ đang gây căng thẳng trong khu vực. Ông Koh phát biểu tại buổi giới thiệu cuốn sách “50 năm quan hệ Singapore - Trung Quốc” diễn ra ngày 23/2 tại Đại học Quốc gia Singapore.

Trung Quốc đang lắp radar quân sự ở Trường Sa? ảnh 1

Ảnh vệ tinh cho thấy vị trí hệ thống radar có thể đang được lắp đặt lên trên đá Châu Viên thuộc Trường Sa. Ảnh: CSIS/AMTI

Là cố vấn đặc biệt của Viện Nghiên cứu chính sách và Chủ tịch Trung tâm Luật Quốc tế, ông Koh nói rằng, quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc trên “quỹ đạo đi xuống” kể từ năm 2009. Ông Koh nhấn mạnh đến những tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông giữa Trung Quốc và 4 nước liên quan trong ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Năm 2009, Trung Quốc nộp lên Liên Hợp Quốc bản đồ đường 9 đoạn để yêu sách chủ quyền của mình trên phần lớn khu vực biển Đông. “Bản đồ này gây ra rất nhiều hiểu lầm vì Trung Quốc chưa giải thích phù hợp về ý nghĩa pháp lý của các đoạn hay bản chất chính xác những tuyên bố của họ là gì”, ông Koh nói. Học giả này cho rằng, chính sách ngoại giao kiên quyết mới của Trung Quốc đã chấm dứt 30 năm “tấn công quyến ru” ASEAN.

Ông Koh cho biết, với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN- Trung Quốc trong năm nay, Singapore sẽ làm hết sức để giữ quan hệ này “cân bằng trên thuyền”, nhưng Trung Quốc cũng phải làm phần việc của mình. “Chúng tôi chỉ có thể thực hiện vai trò đó thành công nếu Trung Quốc hành xử khôn ngoan và tự kiềm chế với ASEAN. Họ cần nhớ rằng, Trung Quốc và ASEAN không cân xứng về sức mạnh và quy mô”, Channel News Asia dẫn lời ông Koh.

Về quan hệ Singapore - Trung Quốc, ông Koh nói rằng, Singapore muốn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, cũng như với Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Ông cũng cho rằng, sự “thiếu niềm tin” giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến sự hiểu sai về chính sách và ý định của nhau.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua nói rằng, quan hệ Mỹ - ASEAN đã được thể chế hóa để các chính quyền kế nhiệm trong tương lai tuân theo. “Chúng tôi đã thông qua các luật, khởi động các chương trình kéo dài nhiều năm. Chúng tôi tự tin rằng, chúng sẽ được tiếp tục khi tôi hết nhiệm kỳ và hy vọng chúng tôi sẽ vẫn thấy sự gắn kết giữa Mỹ và ASEAN tiếp tục phát triển”, ông Obama nói trong cuộc phỏng vấn với Channel News Asia. Tổng thống Obama cho biết, ông tự tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục chú ý đến châu Á, cho dù người kế nhiệm ông là ai. Ông cũng bày tỏ hy vọng Trung Quốc ngừng hành động đơn phương ở khu vực và tuân thủ luật pháp quốc tế.

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.