Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có thể là một bước đi nữa trong kế hoạch dài hơi của Bắc Kinh nhằm triển khai sức mạnh quân sự trên khắp Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, theo Reuters.
Theo các nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh có liên hệ với nhiều chiến lược gia quân sự Trung Quốc, động thái điều tên lửa đến Phú Lâm có thể là mô hình để Bắc Kinh áp dụng trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp trên những bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, cách Hoàng Sa khoảng 500 km về phía nam.
Với "trò chơi tên lửa" đó, cuối cùng, các hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát trái phép trên Biển Đông sẽ được dùng cho chiến đấu cơ và các hoạt động trinh sát thường xuyên khác, trong đó có các chuyến tuần tra săm ngầm, đồng thời là nơi tiếp nhận một lượng lớn dân tái định cư, góp phần củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Quan trọng hơn, sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu, khí tài phòng không trên những hòn đảo này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tìm cách thực thi một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, tương tự những gì họ đã làm trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013.
Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore, tin rằng các vũ khí tương tự sẽ được Trung Quốc triển khai tới các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa trong vòng một hoặc hai năm tới.
"Điều đó sẽ giúp Trung Quốc có thể dùng những khả năng quân sự thực thụ để hậu thuẫn cho những lời cảnh báo của mình", ông nói.
Bonnie Glaser, chuyên gia phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế ở Washington, cho rằng sự hiện diện của các trạm radar, các chiến đấu cơ, và mới đây nhất là các khẩu đội tên lửa, trên Hoàng Sa sẽ là tiền đề cho những hành động tương tự tại các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.
Theo Glaser, dù Bắc Kinh tuyên bố các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông gần đây là cái cớ để họ "tăng cường phòng vệ trên các đảo", những toan tính về kế hoạch triển khai các khí tài quân sự này "đã xuất hiện trong một thời gian khá dài".
Hồi tháng trước, Trung Quốc đã cho máy bay dân sự cất hạ cánh trên đường băng tại đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, và các chuyên gia phân tích Trung Quốc dự đoán chiếc phi cơ quân sự đầu tiên của nước này có thể cất cánh từ Trường Sa "trong vòng vài tháng tới".
Ngô Sĩ Tồn, giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, còn tuyên bố rằng những kinh nghiệm rút ra từ quá trình tăng cường hiện diện ở Hoàng Sa có thể được áp dụng cho Trường Sa.
Yanmei Xie, chuyên gia an ninh thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng Bắc Kinh có thể tìm cách khai thác các cơ sở lưỡng dụng, chẳng hạn như trạm radar và đường băng, trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, và sẽ tìm cách đưa các vũ khí, khí tài lên các đảo này một cách thận trọng để không gây ra phản ứng quá quyết liệt từ cộng đồng quốc tế.
Nói một đằng, làm một nẻo
Dù Mỹ không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, sự hiện diện của các vũ khí, khí tài Trung Quốc tại khu vực này đã đe dọa nghiêm trọng đến mục tiêu cốt lõi của chính sách Mỹ trong khu vực: hoạt động ở bất cứ vùng biển nào luật pháp quốc tế cho phép. Các động thái quân sự hóa này của Bắc Kinh cũng đe dọa áp đặt ý chí đơn phương của Bắc Kinh đối với mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại của các nước trong khu vực và được củng cố trong tuyên bố chung hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN gần đây.
Các quan chức Mỹ xác nhận hai khẩu đội HQ-9 chỉ mới xuất hiện trên đảo Phú Lâm "rất gần đây", và với hệ thống radar bám bắt mục tiêu tiên tiến, cùng tầm bắn tới 200 km, hệ thống phòng không này là vũ khí phòng thủ hiện đại nhất mà Trung Quốc đưa tới Hoàng Sa cho tới nay. Chúng có thể làm phức tạp hóa các chiến dịch trinh sát thường lệ của máy bay Mỹ và Nhật Bản cũng như hoạt động của các oanh tạc cơ tầm xa B-52 trên Biển Đông.
Từ trước tới nay, Trung Quốc có vẻ như luôn tính toán rằng cách tốt nhất để mở rộng hiện diện trên Biển Đông là thực hiện từng bước nhỏ nhằm tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những hành động nhỏ này sẽ chạm tới giới hạn nhất định, và có vẻ như các quan chức Mỹ đang lo ngại rằng nếu như HQ-9 đã xuất hiện trên đảo Phú Lâm, sớm hay muộn chúng cũng sẽ được triển khai đến các hòn đảo khác, theo Washington Post.
Giàn tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm cũng khiến dư luận thế giới nghi ngờ tinh thần lời cam kết "không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông" mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Mỹ hồi năm ngoái. Hành động này cho thấy Trung Quốc đang "làm nhiều hơn nói", và Bắc Kinh không hề muốn từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình, giới quan sát nhận định.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Mỹ "có nhiều bằng chứng mỗi ngày để chứng minh sự tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau" mà Trung Quốc đang thực hiện trên Biển Đông và bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về vấn đề này. Ông cũng cam kết sẽ tiến hành "đối thoại" nhiều hơn với Trung Quốc để bàn về các động thái đó.
Tuy nhiên, theo các bình luận viên của Washington Post, khi Bắc Kinh đang "nói một đằng, làm một nẻo", chỉ riêng các cuộc đối thoại thôi là chưa đủ. Mỹ cần phải tiếp tục thể hiện quyết tâm của mình bằng các hành động thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, bằng các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong tương lai.
"Điều quan trọng là phải phát đi những tín hiệu đúng. Việc Mỹ khoanh tay không chịu hành động trên thực địa chính là tín hiệu sai trước những tiền đồn ngày càng được mở rộng của Trung Quốc trên Biển Đông", Glaser nhấn mạnh.