Trung Quốc có thể làm như Iran trên biển Đông

Trung Quốc đang dần hiện thực mục tiêu kiểm soát biển Đông. Ảnh: Newsweek
Trung Quốc đang dần hiện thực mục tiêu kiểm soát biển Đông. Ảnh: Newsweek
TP - Tuần trước, Iran dọa sẽ đóng cửa tuyến hàng hải vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz nếu Mỹ tiếp tục tập trận trong khu vực này. Giới chuyên gia nhìn nhận Trung Quốc cũng có thể làm tương tự như vậy trên biển Đông trong tương lai.

Tướng Hossein Salami, Phó Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, cuối tuần trước dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu Mỹ và các đồng minh gây đe dọa cho Iran. Ông Salami nhắc đến cuộc tập trận quy mô lớn IMCMEX diễn ra vào đầu tháng 4, với sự tham gia của 30 quốc gia. Cuộc tập trận bắt đầu từ vùng biển ngoài khơi Bahrain, nơi Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đang đóng và được coi là thành lũy chống lại Iran.

Nằm giữa Oman và Iran, eo biển Hormuz kết nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman và biển Ả-rập được coi là tuyến vận tải dầu quan trọng nhất thế giới. Khoảng 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua eo biển này, với trung bình 15 tàu chở dầu đi qua mỗi ngày. Vì thế, Mỹ có nhiệm vụ bảo đảm tuyến vận tải này được thông suốt. Nhưng đây cũng là điểm tranh cãi không ngừng giữa Mỹ và Iran, khi Tehran nhiều lần đe dọa đóng cửa eo biển.

Trong khi đó, khoảng một nửa lượng dầu thô và hơn nửa lượng khí hóa lỏng toàn cầu được vận chuyển qua biển Đông mỗi năm, theo ước tính của Cục Thông tin năng lượng Mỹ. Không chỉ là tuyến vận chuyển dầu khí như vịnh Ba Tư, biển Đông còn là nơi đi qua của hàng tỷ USD hàng hóa thành phẩm và bán thành phẩm. Biển Đông còn có trữ lượng khoảng 213 tỷ thùng dầu.

Trong bài đăng hôm qua trên tạp chí Forbes, nhà phân tích địa chính trị Tim Daiss viết rằng, khi Trung Quốc đang tiếp tục bồi đắp các bãi cạn, đảo nhỏ và cấu trúc trên biển Đông và quân sự hóa các thực thể này sẽ tạo ra mối đe dọa chết người đối với những tàu và máy bay đi qua khu vực. Giống như Iran, Trung Quốc rất có thể sẽ đe dọa tương tự để gây áp lực cho các hoạt động của hải quân Mỹ và những chiến dịch tập trận mà Washington thực hiện cùng các đồng minh khu vực như Philippines, Nhật Bản, Úc…

Theo ông Daiss, kế hoạch của Trung Quốc không chỉ là đòi gần 80% biển Đông dưới danh nghĩa chủ quyền, mà họ sẽ tiến tới kiểm soát thực tế vùng biển này và giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Nếu những hoạt động bồi đắp, quân sự hóa của Trung Quốc hiện nay không bị chặn lại, chỉ trong vài năm tới sẽ có những dòng tit như: “Trung Quốc dọa đóng cửa tuyến vận tải dầu quan trọng trên biển Đông: Mỹ phản ứng yếu ớt” xuất hiện trên báo chí. Nếu như vậy, Bắc Kinh sẽ kiểm soát được một trong những tuyến vận tải quan trọng bậc nhất thế giới, còn tự do hàng hải trong khu vực sẽ chỉ còn là giấc mơ về quá khứ, nhà phân tích Daiss viết.

Mỹ, Nhật nên tuần tra chung trên biển Đông

Một đô đốc nghỉ hưu của Mỹ cho rằng, quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) nên cân nhắc các hoạt động chung trên biển Đông, nơi các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc đang gây căng thẳng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Jonathan Greenert, cựu quan chức của Hải quân Mỹ, cũng thúc giục các quốc gia Đông Nam Á cân nhắc khả năng có hành động chung để giải quyết vấn đề trên biển hiệu quả hơn.

Ông Greenert cho rằng, Mỹ nên tiếp tục các chiến dịch tự do hàng hải và đưa tàu hải quân vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể tranh chấp ở biển Đông. Theo ông Greenert, các quốc gia khác có thể tham gia chiến dịch của Mỹ nếu đảm bảo tính minh bạch. “Chúng ta dễ thành công hơn với một cách tiếp cận đa phương với Trung Quốc”, ông Greenert nói.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.