Singapore nhấn mạnh pháp trị ở biển Đông

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan. (Nguồn: straitstimes.com)
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan. (Nguồn: straitstimes.com)
TP - Ngày 26/4, Ngoại trưởng Singapore kêu gọi ASEAN và Nhật Bản tăng cường hợp tác để thiết lập pháp trị trên biển trong bối cảnh Trung Quốc hành động ngày càng quyết liệt trên biển Đông, ảnh hưởng tự do hàng hải, hàng không. Cùng ngày, tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản thăm thiện chí Philippines.

"Nhật Bản và các nước khác trong khu vực cần làm việc cùng với ASEAN để thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng khu vực và duy trì, bảo vệ các trật tự quốc tế và khu vực dựa trên luật lệ”, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu tại Tokyo. 

Ông đang thăm Nhật Bản nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Dù Nhật Bản và Singapore không tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực tranh chấp ở biển Đông, nhưng tuyến đường biển nhộn nhịp kéo dài từ eo biển Malacca tới biển Đông là lợi ích chủ chốt của hai quốc gia này.

Ngoại trưởng Balakrishnan khẳng định: “Singapore và Nhật Bản có lợi ích trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không”. Hai quốc gia này cùng nhiều nước khác bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và tiền đồn tại khu vực tranh chấp trên biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên thực hiện các hành động này nhằm củng cố yêu sách chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ lợi ích biển của nước này.

Tối 26/4, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. Trước đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Balakrishnan hoan nghênh Nhật Bản thực thi luật an ninh mới từ tháng 3. 

Ngoại trưởng Singapore nói rằng, việc thực thi sẽ tăng cường liên minh Nhật-Mỹ vốn được coi là trụ cột hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố. Luật an minh mới là một bước chuyển lớn trong chính sách an ninh hậu chiến của Nhật Bản, sẽ cho phép Lực lượng Phòng vệ mở rộng vai trò của họ ở nước ngoài.

Tàu chiến Nhật lại thăm Philippines

Ngày 26/4, tàu khu trục Nhật Bản Ise (thường được gọi là tàu sân bay trực thăng) cập cảng Philipines, gần khu vực biển tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. 

Các nhà phân tích cho rằng, đây là dấu hiện nữa cho thấy hai cựu thù thời Thế Chiến II đang tăng cường mối quan hệ an ninh để đối phó Bắc Kinh. Căng thẳng ở biển Đông leo thang trong những năm gần đây, khi Trung Quốc biến 7 bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo có khả năng hỗ trợ các cơ sở hạ tầng quân sự.

Tàu chiến Ise vào vịnh Subic trong chuyến đi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện hàng hải, hạm trưởng Masaki Takada tuyên bố. Đây là lần thứ hai trong vòng ba tuần qua, tàu hải quân Nhật Bản thăm vịnh Subic, nơi từng đặt căn cứ hải quân lớn của Mỹ, cách một bãi cạn tranh chấp (hiện do Trung Quốc kiểm soát) khoảng 200km. 

Chuyến cập cảng của Ise là chuyến thăm thứ ba của tàu quân sự Nhật Bản tới Philippines kể từ đầu năm nay. “Chúng tôi muốn tăng cường quan hệ với Philippines”, hạm trưởng Masaki Takada nói với các phóng viên lên thăm tàu Ise. Ông Takada từ chối trả lời câu hỏi liệu Ise có liên lạc với các tàu hải quân Trung Quốc trong hải trình của mình hay không.

Philippines, một đồng minh an ninh của Mỹ, đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động đơn phương, phi pháp tại các khu vực tranh chấp trên biển Đông như xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa… Trong khi đó, Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền đối với một nhóm đảo k

hông người ở trên biển Hoa Đông. Hồi tháng 2, Nhật Bản đồng ý cung cấp cho Philippines một số thiết bị quân sự. Nhiều nguồn tin nói rằng, trong số đó có máy bay trinh sát chống ngầm và công nghệ radar.

Theo Theo Kyodo, Inquirer, Philstar
MỚI - NÓNG