ASEAN, Nga và biển Đông

TP - Bộ trưởng Quốc phòng Nga và các nước ASEAN vừa có cuộc gặp không chính thức đầu tiên nhằm mở rộng quan hệ quốc phòng, thúc đẩy hợp tác quân sự và kỹ thuật song phương. 

Hai bên đã xác định được một số lĩnh vực hợp tác, bao gồm chống khủng bố, an ninh biển, quân y, khắc phục hậu quả thiên tai và nhân tai và rà phá bom mìn vì mục đích nhân đạo. Đáng chú ý, đây cũng là 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và 8 đối tác.

Trước cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Nga lưu ý rằng, cần trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, so sánh các giải pháp để vạch ra phương hướng tăng cường hợp tác thông qua kênh quân sự. 

Trong số vấn đề an ninh được các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Nga thảo luận ở cấp đa phương cũng như song phương, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN chắc chắn được nêu bật với tư cách nguồn chính gây bất ổn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga cẩn trọng với việc can dự các tranh chấp trên biển Đông vì ít nhất ba lý do sau:

Thứ nhất, Nga có quan hệ tốt với Trung Quốc; hai bên là đối tác chiến lược của nhau. Các thỏa thuận quốc phòng - an ninh của hai nước này liên quan việc trao đổi đoàn cấp cao và cung ứng thiết bị quân sự. 

Các cuộc tập trận, trong đó có tập trận trên biển, giữa Trung Quốc và Nga diễn ra trong phạm vi các sứ mệnh hòa bình trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tập trung vào chống khủng bố. Ngày 3/5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, trong tháng này, Nga và Trung Quốc sẽ thực hiện cuộc tập trận chung phòng thủ tên lửa đầu tiên.

Thứ hai, Nga ưu tiên chĩa mũi dùi về phía Mỹ, vì lo ngại Mỹ tìm cách kiềm chế Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga không ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ, dù Bắc Kinh vận động hành lang để Mátxcơva phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp trên biển Đông. 

Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của Mátxcơva, trong bối cảnh Tòa trọng tài quốc tế sắp ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc mà phần thắng có vẻ sẽ nghiêng về phía Manila.

Thứ ba, Nga có quan hệ tốt với một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Nga và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Nga xuất khẩu nhiều loại vũ khí, khí tài sang Việt Nam, Malaysia và Myanmar. 

Indonesia thể hiện sự tin yêu đối với thiết bị quân sự của Nga và cách thức làm ăn của nước này. Khi còn làm Tổng thống Indonesia, ông Susilo Yudhoyono từng nhận xét: “Với Nga, kinh doanh là kinh doanh, không gắn với các điều kiện chính trị. Chúng tôi thích như vậy”. 

Nga quan tâm phát triển quan hệ kinh tế, chính trị mạnh mẽ với ASEAN, nhưng thích giao thiệp về quốc phòng-an ninh ở cấp độ song phương. Về bản chất, cách tiếp cận của Nga là thực tế, chủ yếu do lợi ích quốc gia dẫn dắt.

MỚI - NÓNG