Hải quân Trung Quốc phô trương sức mạnh trên biển Đông

Tàu của Hải quân Trung Quốc
Tàu của Hải quân Trung Quốc
TP - Đội tàu chiến của Bắc Kinh đang rầm rộ tiến ra biển Đông để tập trận. Giới phân tích nhìn nhận đây là sự phô trương sức mạnh quân sự, nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến.

Hải quân Trung Quốc vừa bắt đầu cuộc tập trận toàn diện trên biển Đông, với sự tham gia của những tàu chiến hiện đại nhất. Một nhóm gồm 2 tàu khu trục lớn và 2 tàu khu trục nhỏ, cùng một tàu tiếp tế rời cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam hôm 4/5 để tham gia tập trận. Mỗi tàu trong nhóm này mang theo 3 trực thăng và vài chục lính thuộc lực lượng đặc biệt tiến ra biển Đông, phía đông Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin. Các nhà phân tích cho rằng, đợt tập trận này nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến.

Lính Trung Quốc đang đồn trú trái phép trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và lực lượng thuộc Hạm đội Biển Bắc cũng tham gia chiến dịch mà Trung Quốc gọi là tập luyện thường niên này.

Một trong các tàu tham gia là tàu khu trục Hợp Phì, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D, được trang bị hệ thống radar tiên tiến, tên lửa và hệ thống tàng hình. Tàu khu trục Lan Châu Type 052C cũng sẽ tham gia tập trận sau khi kết thúc đợt tập trận chống khủng bố chung với ASEAN và các nước khác ở vùng biển gần Brunei và Singapore. Tuần trước, tàu Lan Châu có cuộc “gặp hữu nghị” với nhóm tàu sân bay tấn công USS John C. Stennis, chỉ 1 ngày sau khi tàu của Mỹ bị từ chối cập cảng Hong Kong, nhật báo Trung Quốc PLA đưa tin.

Các tàu khác tham gia tập trận gồm tàu khu trục Quảng Châu Type 052B, tàu khu trục tam Á và Ngọc Lâm Type 054A, cùng tàu tiếp tế Hồng Hồ. “Các tàu chiến tốt nhất của Trung Quốc sẽ được đưa ra Hạm đội biển Hoa Nam (tức biển Đông) để đáp trả các hoạt động quân sự của Mỹ, cho dù cả hai bên sẽ cẩn thận tránh bất kỳ xích mích nào”, nhà bình luận quân sự Ni Lexiong tại Thượng Hải nhận định. “Đó là sự thể hiện cơ bắp”, ông Ni nói.

Nhà nghiên cứu Xu Guangyu ở Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc, cho rằng, thời gian tới có thể có thêm nhiều đợt tập trận. “Những chiếc tàu mới cần được chạy thử để có trải nghiệm thực tế trên biển, và nhóm tác chiến cần thực hành chỉ huy, phối hợp và hoạt động nhóm”, ông Xu nói.

Chuyên gia này cho biết, có tin đồn Trung Quốc đang chuẩn bị thành lập một nhóm tàu sân bay tác chiến, vì các tàu này là sự kết hợp chuẩn để hộ tống một tàu sân bay. Tạp chí quốc phòng châu Á Kanwa đưa tin, Trung Quốc đang chế tạo phần thân chính của tàu sân bay thứ hai và dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Trong khi đó, ông Ouyang Yujing, Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng, Trung Quốc ghi nhận các chỉ trích. “Nhưng nếu chúng (các ý kiến) là nhằm gây sức ép với Trung Quốc hoặc nhằm bôi nhọ tên tuổi, thì các bạn có thể xem như một chiếc lò xo, có lực ấn thì sẽ có lực bật. Càng nhiều sức ép thì phản ứng càng lớn”, Reuters dẫn lời ông Ouyang.

Trung Quốc gần đây gia tăng biện hộ trước thềm phán quyết về vụ kiện Bắc Kinh mà Tòa Trọng tài quốc tế sắp đưa ra. Giới chức Mỹ bày tỏ lo ngại phán quyết này sẽ thúc đẩy Trung Quốc tuyên bố một vùng nhận diện phòng không trên biển Đông như họ từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013. Trung Quốc chưa từng phủ nhận hay thừa nhận điều này.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel sẽ thăm Lào, Việt Nam và Malaysia từ ngày 6 đến 12/5. Ông Russel sẽ thăm Hà Nội từ ngày 9 đến 10/5 và gặp gỡ các quan chức cấp cao của Việt Nam để thảo luận về chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama sang Việt Nam, quan hệ song phương Việt – Mỹ và các vấn đề ASEAN, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua thông báo.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.