Trồng cây ăn quả xen canh, nông dân Kon Tum thoát nghèo khi kiếm hơn 2 tỉ đồng mỗi năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khởi nghiệp từ mô hình trồng cây ăn quả xen canh, chăn nuôi tuần hoàn, nhiều hộ gia đình khó khăn tỉnh Kon Tum vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Là một trong những người tiên phong trồng sầu riêng, chôm chôm ở thôn Tân An, xã Ia Chim, TP.Kon Tum (Kon Tum), anh Bùi Trung Sơn (50 tuổi) đã nhận thấy loại cây ăn quả này rất tiềm năng phát triển và nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp.

Trồng cây ăn quả xen canh, nông dân Kon Tum thoát nghèo khi kiếm hơn 2 tỉ đồng mỗi năm ảnh 1

Cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân ở Kon Tum. Ảnh: Thái Lâm

Với quyết tâm bám trụ và làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2012, anh Sơn đã vét sạch tiền, chi 100 triệu đồng mua 270 cây sầu riêng trồng xen canh cà phê để thử nghiệm trên diện tích 4ha. May mắn thời tiết thuận lợi, dễ chăm, sau 5 năm anh thu đợt quả đầu tiên.

“Lúc đó, quả chưa nhiều, dân buôn lại ép giá nhưng hai vợ chồng tôi mừng lắm vì đó là thành quả sau 5 năm chờ đợi. Doanh thu năm đó chỉ có 80 triệu đồng, năm thứ sáu thu 300 triệu đồng và năm thứ 7 gia đình chúng tôi trả hết nợ", anh Sơn nhớ lại.

Anh Sơn chia sẻ, sầu riêng rất khó tính, đòi hỏi bờ phải cao, đất khô ráo, có mương thoát nước và bón phân đầy đủ trái mới sai và đảm bảo chất lượng. Về chôm chôm Thái đòi hỏi sự chăm sóc bài bản, đặc biệt phải đảm bảo nguồn nước tưới hợp lý bởi nếu thiếu nước hay dư nước thì đều cho sản lượng thấp.

Đối với mùa vụ năm nay, anh Sơn phấn khởi cho biết: “Sầu riêng cho năng suất 28 tấn, giá bán ra 60 nghìn đồng/kg; chôm chôm 1,5 tấn, giá bán 25 nghìn đồng/kg; quýt đường và cam khoảng 15 tấn, giá bán 25 nghìn đồng/kg. Tổng vụ thu năm nay hơn 2 tỷ đồng, trong đó lãi 1,5 tỷ đồng".

Hơn 10 năm mạnh dạn đầu tư, từ việc phải chạy cơm từng bữa thì nay vợ chồng anh đã xây được căn nhà khang trang, con cái được đi học đàng hoàng. "Sau bao nhiêu năm nỗ lực, kiên trì, giờ đây tôi đã thực hiện được ước mơ có cuộc sống ổn định và làm giàu. Đặc biệt là làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình", anh Sơn bộc bạch.

Trồng cây ăn quả xen canh, nông dân Kon Tum thoát nghèo khi kiếm hơn 2 tỉ đồng mỗi năm ảnh 2

HTX Ia Chim hiện có khoảng 150 lao động thời vụ

Hiện anh Sơn là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ia Chim. Bên cạnh phát triển kinh tế, HTX của anh Sơn còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. “Doanh thu của HTX năm 2022 đạt khoảng 21 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 15 tỷ đồng. HTX tạo công ăn việc làm cho khoảng 150 lao động thời vụ với thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng”, anh Sơn cho biết.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS

Là người đầu tiên đăng ký tham gia thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ trồng cỏ - nuôi bò - nuôi giun quế - nuôi gà, giờ đây trang trại gia đình ông A Bử (63 tuổi) ở thôn Plei Trum - Đăk Choah, phường Ngô Mây (TP.Kon Tum) là điển hình cho việc ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn không chất thải trong chăn nuôi ở TP.Kon Tum.

Trồng cây ăn quả xen canh, nông dân Kon Tum thoát nghèo khi kiếm hơn 2 tỉ đồng mỗi năm ảnh 3
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang cho nhiều hộ gia đình thu nhập ổn định

Sau khi tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi bò, gà thả vườn, giun quế cùng sự hỗ trợ Hội Nông dân phường Ngô Mây, năm 2022, ông A Bử mạnh dạn vay vốn chính sách đầu tư 5 con bò về nuôi vỗ béo cùng 200 con gà do Phòng Kinh tế TP.Kon Tum hỗ trợ.

“Nhận gà giống, gia đình tôi phấn khởi lắm. Tuy nhiên mới nuôi được mấy tháng thì vào mùa mưa năm 2022 gà chết sạch. Thời điểm đó, tôi phát chán và muốn bỏ luôn”, ông A Bử kể.

Sau này, vào tháng 6/2023, Hội Nông dân phường hỗ trợ 20 con vịt để nhân giống. Qua quá trình chăn nuôi, may mắn vịt chịu được thời tiết, đề kháng tốt. Hiện nay ông vừa mua thêm 40 con để phát triển đàn vịt. Do chủ động được nguồn thức ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng nên vịt phát triển đúng thời gian và cân nặng. "Qua tháng 10, gia đình tôi sẽ xuất bán lứa vịt đầu tiên từ mô hình này. Hy vọng bán được giá", ông A Bử bày tỏ.

Ngoài việc cho bò ăn cỏ ngoài đồng, ông còn chủ động trồng gần 100m2 rau lang để đảm bảo nguồn thức ăn rau tươi thường xuyên cho chúng. Sau một năm chăn nuôi, đàn bò của ông đã xuất được một lứa (2 con) thu về hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, để tận dụng nguồn phân bò sẵn có, ông A Bử đầu tư nuôi giun quế, sau đó ông sử dụng phân loài này làm bón cho rau lang, cây cà phê. Lượng giun quế được ông sử dụng làm thức ăn cho 60 con vịt.

Bà Võ Thị Mỹ Nữ - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngô Mây, TP.Kon Tum cho biết: "Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của gia đình ông A Bử là một mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế xanh và bền vững. Qua một năm áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con người đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển kinh tế gia đình".

Sau khi triển khai 700 mô hình phát triển kinh tế làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong 2 năm qua, toàn tỉnh Kon Tum có 7.663/22.912 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng.
MỚI - NÓNG