Mô hình thoát nghèo, kéo thanh niên trở lại nông thôn làm giàu

Bà Yuyum Fhahni Paryani, đại diện của Indonesia tại Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN, tỏ ra thích thú với các sản phẩm Việt Nam được làm từ nguyên liệu sẵn có ở địa phương, thân thiện với môi trường. Ảnh: Thái An.
Bà Yuyum Fhahni Paryani, đại diện của Indonesia tại Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN, tỏ ra thích thú với các sản phẩm Việt Nam được làm từ nguyên liệu sẵn có ở địa phương, thân thiện với môi trường. Ảnh: Thái An.
TPO - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề hội nghị quốc tế về xóa đói giảm nghèo kết thúc ngày 5/9 ở Hà Nội, các đại biểu nêu ra một số mô hình thành công ở ASEAN, các nước sông Mekong giúp nông dân thoát nghèo, thu hút thanh niên trở lại nông thôn làm giàu.

Bên lề Hội nghị chuyên đề "ASEAN-Trung Quốc-UNDP: Đổi mới để đạt các mục tiêu phát triển bền vững và xóa nghèo", bà Tô Minh Thu, chuyên gia Học viện Ngoại giao, nói rằng, các nước ASEAN, đặc biệt các nước dọc sông Mekong nên tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và thanh niên vì đây là các đối tượng đem lại hiệu quả tích cực, bền vững. “Các chính sách ưu đãi, mô hình xóa đói giảm nghèo, làm giàu thành công sẽ khuyến khích thanh niên ly hương, thậm chí thanh niên thành thị, quay lại nông thôn phát triển nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hi-tech (công nghệ cao), organic (hữu cơ)…”, bà nhận định.

Liên quan cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC), bà Thu cũng đề xuất lồng ghép mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào các chương trình hành động, dự án thuộc cơ chế hợp tác của MLC; tăng cường hơn nữa hợp tác về quản lý nguồn nước vì dòng chảy của sông Mekong ảnh hưởng sinh kế của 60-70 triệu người phụ thuộc trực tiếp vào con sông này; và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, để có cách thức sản xuất tiên tiến nhất, phù hợp điều kiện từng nước, từng vùng…

Trong khi đó, anh Peetachai Dejkraisak, giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Xã hội Thái Lan, người đồng sáng lập, giám đốc điều hành doanh nghiệp xã hội Jasberry, cho rằng, một trong những giải pháp hiệu quả nhất, có tình bền vững nhất trong xóa đói giảm nghèo hiện nay là nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gia tăng số lượng doanh nghiệp xã hội.

“Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập, hoạt động, tăng doanh thu, thu nhập nhưng chủ doanh nghiệp, các cổ đông cũng phải công bằng hơn trong chia sẻ nguồn thu, để người lao động có thêm lương, thưởng, phúc lợi xã hội”, anh nói.

Để làm được điều này, chính phủ và các hội nghề nghiệp nên có giải pháp linh hoạt, cả “mềm” và “cứng”, đồng thời tiếp tục rót tiền cho các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, chú trọng đối tượng thanh niên vì nếu tình trạng ly nông, ly hương, ra phố thị nhưng không kiếm được việc làm kéo dài, nhiều vấn đề xã hội phức tạp sẽ nảy sinh, anh Dejkraisak nhận định. “Mỗi năm, chính phủ Thái Lan chi 5 tỷ USD để giúp nông dân thoát nghèo”, anh nói.

Tám năm trước, anh Dejkraisak tham gia sáng lập doanh nghiệp xã hội Jasberry với 25 gia đình nông dân tham gia. Hai nhiệm vụ chính của Jasberry là giúp nông dân thoát nghèo và bán nông sản hữu cơ, chủ yếu là gạo và các loại bánh làm từ gạo. Jasberry trợ giúp nông dân về đào tạo, tài chính, phân bón, giống, chứng chỉ làm việc trong nhà máy chế biến… “Đến nay, Jasberry đã có 2.500 thành viên là hộ gia đình với tổng cộng 12.000 nông dân. Thu nhập của họ đã tăng gấp 10 lần”, anh nói với giọng tự hào.

Mô hình thoát nghèo, kéo thanh niên trở lại nông thôn làm giàu ảnh 1 Anh Peetachai Dejkraisak - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Xã hội Thái Lan tại Hà Nội ngày 5/9. Ảnh: Thái An.

Tương tự, bên lề hội nghị, anh Lê Tuấn Minh, đại diện công ty Bamboo Vision, giới thiệu mô hình hợp tác với nông dân trồng tre, vừa lấy nguyên liệu để sản xuất ống hút, cốc, bình, thìa, thớt, than hoạt tính (dùng trong khẩu trang, sữa rửa mặt, xà phòng…), vừa góp phần bảo vệ môi trường vì tre lọc không khí, chống xói mòn hiệu quả hơn nhiều loại cây trồng khác. “Chúng tôi đã cùng bà con nông dân trồng 70 ha tre ở Hà Trung, Thanh Hóa và đang xúc tiến kế hoạch trồng tre ở bãi rác Nam Sơn, Hà Nội”, anh nói.

Bà Yuyum Fhahni Paryani, đại diện của Indonesia tại ACWC về quyền trẻ em, thích thú tìm hiểu các sản phẩm thân thiện môi trường làm từ cây tre Việt Nam. Bà cho rằng, mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững là phải tăng khả năng tiếp cận của nhóm yếu thế trong xã hội đối với giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng giao thông… “Tôi nghĩ rằng, ASEAN nên thành lập các mạng lưới chuyên biệt để tăng tính kết nối về kinh tế-xã hội, để tôi có thể dễ dàng tìm thấy các mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả cũng như các sản phẩm độc đáo như đồ tre nứa của các bạn”, bà cười nói.  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.