Trở lại Hang Kia - Pà Cò: Đất dữ hóa đất lành

0:00 / 0:00
0:00
TP - Điểm nóng ma túy Hang Kia – Pà Cò từng khiến nhiều người chùn bước khi muốn đến. Giờ đây, địa danh này đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Mở homestay đón khách

Homestay Y Múa nằm ở cửa ngõ, ven trục đường chính vào xã Hang Kia. Chủ khu nghỉ trọ này là vợ chồng Vàng A Nhà - Sùng Y Múa. Căn nhà sàn 2 tầng được làm chắc chắn, sạch sẽ, sang trọng. Khu phòng đón khách được lợp lá cọ với lối trang trí gần gũi. Tầng 1 để thông thoáng làm phòng ăn, tầng 2 là nơi ngủ nghỉ, có lò sưởi đốt củi làm ấm vào mùa đông.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, ông chủ homestay Y Múa Vàng A Nhà chia sẻ, từ những năm 2009, trở về công tác ở đây, một điều anh thấy buồn là các cháu bỏ học nhiều quá. Thầy cô vận động không được, cán bộ xã đến nói chuyện, các cháu bảo rằng: Cha mẹ đi làm nương, không ai chăm, em không đi học nữa…

Anh Nhà cho biết, sau quá trình tìm hiểu, anh thấy có điểm lạ, người dân ở nơi khác đến nói chuyện, người Mông ở đây lại nghe theo. “Tôi nghĩ, thế thì phải phát triển cộng đồng, phát triển du lịch. Nếu làm được điều đó sẽ giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc. Có khách du lịch đến mặc trang phục dân tộc, thông qua khách du lịch đồng bào mới thấy cuộc sống ý nghĩa, mới nghe và sẽ tự đổi mới. Chỉ có hoà nhập, mới nâng cao dân trí. Thế nên hai vợ chồng quyết định làm du lịch cộng đồng”, anh Nhà chia sẻ.

Trở lại Hang Kia - Pà Cò: Đất dữ hóa đất lành ảnh 1

Vợ chồng Vàng A Nhà – Sùng Y Múa

Nhớ lại những năm 2000, anh Nhà chua xót: “Trong một năm, có mấy chục người đàn ông bị bắt vì buôn bán vận chuyển ma tuý. Có những nhà bố bị bắt, rồi đến lượt con. Tôi nghĩ, nếu cứ “thả cửa” thì người Mông ở đây sẽ tụt hậu, tảo hôn tăng sẽ ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Cận huyết thống và tảo hôn làm phát sinh tội phạm. Không đi học, nương ít, hoàn cảnh khó khăn, nên dễ bị lôi kéo. Chỉ có làm du lịch, tận dụng được lao động tại chỗ mới kéo họ về với mình. Người này làm được, người khác nhìn thấy sẽ làm được. Không tận dụng được điều này để đánh bật ma tuý thì người Mông ở đây sẽ hỏng”.

Và vợ chồng anh Nhà chọn làm du lịch cộng đồng cũng là giúp người dân dễ dàng tiêu thụ các sản phẩm do chính họ làm ra. Buôn bán suôn sẻ, họ sẽ phát triển kinh tế. “Quan trọng hơn, đây là khu vực khó khăn, phức tạp, thông qua du lịch, lực lượng chức năng sẽ dễ dàng tiếp cận nắm bắt được tội phạm ma tuý”, anh Nhà cho hay.

Thoát nghèo

Hang Kia - Pà Cò nằm trên cung đường du lịch nổi tiếng Mai Châu - Mộc Châu. Thung lũng Hang Kia - Pà Cò giữa bốn bề núi đá, quanh năm mây mù bao phủ. Chính vì vậy, mấy năm gần đây, khá đông du khách tìm đến Hang Kia - Pà Cò để “săn mây”. Từ đây, mọi người có thể ngắm mây trắng bồng bềnh bao quanh các ngọn núi. Nơi đây có 90% là người Mông sinh sống, lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo. Du khách có thể trải nghiệm khám phá cuộc sống của người Mông như múa khèn, vẽ tranh bằng sáp ong, thêu thùa, dệt thổ cẩm, nhuộm chàm và giã bánh dày truyền thống.

Trở lại Hang Kia - Pà Cò: Đất dữ hóa đất lành ảnh 2

Homestay Y Múa

Theo anh Nhà, từ những năm 2006 - 2008, ở Hang Kia -Pà Cò đã có một số nhà cho khách ở trọ thông qua anh em dưới Bản Lác (Mai Châu) dẫn lên. Ở đây người dân đã có ý tưởng nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa biết nấu nướng theo yêu cầu của khách. Lúc đó, Hang Kia cũng chưa có mô hình mở rộng du lịch… Dù rằng, cơ sở hạ tầng đã được nhà nước đầu tư nhưng đời sống của đồng bào Mông ở đây còn khó khăn.

“Vợ chồng tôi cũng thế, chưa có điều kiện nên quyết định lấy nhà mình cho khách ở luôn. Đến năm 2012, mày mò tìm hiểu, hai vợ chồng đã “học mót” được cách nấu ăn cho khách Tây. Đến năm 2013, học được từ một ông thầy, làm du lịch dựa vào cộng đồng, tư vấn cho cách làm. Rồi hai vợ chồng cũng tìm cách quảng bá sản phẩm trên mạng internet qua các trang web. Lúc đầu, thông qua trang booking nhưng mình mù tịt công nghệ, phản hồi chậm nên khách đánh giá thấp. Sau dần, gia đình làm việc với các công ty lữ hành và người thân giới thiệu”, anh Nhà bật mí.

Ông chủ homestay Y Múa cho hay, kể từ đó du khách đến với Hang Kia ngày một nhiều. Đoàn này đi có đoàn khác đến. Hơn 25 công ty lữ hành như Công ty Việt Nam Adventure Tours, Didi, Tân Phương Đông… thường xuyên kết nối đưa khách trong, ngoài nước đến Hang Kia và nghỉ tại homestay Y Múa. Du khách từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… hay từ Pháp, Đức, Israel, Anh, Australia, Tây Ban Nha... đều hài lòng khi để lại lưu bút.

Chủ tịch xã Hang Kia Khà A Lau cho biết: “Xã Hang Kia đang từng bước phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, chúng tôi đã tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch, một số doanh nghiệp đã đến Hang Kia để khảo sát. Hiện nay, xã đang nhân rộng mô hình homestay. Ngoài homestay Y Múa, trong xã còn có 4 hộ khác như A Dơ, A Dính, Y Sao... Tuy du lịch ở Hang Kia mới dừng ở mô hình gia đình, còn điểm chưa đồng bộ nhưng bước đầu kinh tế địa phương đã có bước chuyển biến”.

Những món ăn của chính người Mông như gà nướng, măng xào, cải mèo xào tỏi... món gì du khách cũng thấy ngon, lạ miệng. Những năm trước đây, Homestay ở Hang Kia chủ yếu đón khách Tây. Hai năm trở lại đây, người Việt mới biết đến Hang Kia không còn là lãnh địa ma tuý nữa mà trở thành điểm săn mây lý tưởng.

Theo ông chủ Homestay Y Múa, mỗi năm gia đình đón trên 2.000 lượt khách trong và ngoài nước. Trừ chi phí mỗi năm thu về 600 - 700 triệu. Riêng 2 năm vừa qua ảnh hưởng của dịch bệnh, Homestay vẫn thu về trên 200 triệu. Mô hình homestay Y Múa đã tạo việc làm cho khoảng 20 người trong bản với thu nhập 150.000 đồng/ngày, chưa kể ăn.

Với mô hình phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, không chỉ hộ gia đình của Y Múa mà các hộ gia đình khác trong xã Hang Kia đã dần dần khấm khá, cuộc sống ấm no, trình độ nhận thức, giao tiếp ngày càng được nâng cao.

MỚI - NÓNG