Tri ân, chuyện tháng Bảy: Thương nhớ Thuận Thành

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ðầu tháng 7, chúng tôi lại có dịp về thăm Trung tâm Ðiều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Lớp lớp lãnh đạo, cán bộ báo Tiền Phong cùng các nhà hảo tâm đã đến đây rất nhiều lần. Và mỗi lần là một cảm xúc trào dâng.
Tri ân, chuyện tháng Bảy: Thương nhớ Thuận Thành ảnh 1

Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Cần

Nỗi đau

Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (đóng tại xã Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh) chỉ cách hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội 30 km. Có lần, lãnh đạo Trung tâm nói, các bác thương binh rất muốn ở Thuận Thành vì được gần Hà Nội, thi thoảng đi chơi, có mệnh hệ nào, đến các bệnh viện tuyến trên cũng tiện…. Vì vậy, đây là trung tâm có đến 97 thương binh hạng 1/4 (thương tật từ 81% trở lên), thuộc diện đông nhất cả nước.

Chúng tôi đến khi cơn mưa rào vừa dứt, không khí đã dịu lại. Trong khuôn viên Trung tâm thấp thoáng người ngồi trên những xe lăn thong thả hóng mát. Đón chúng tôi, bác sỹ Phạm Thị Pha, Phó trưởng Phòng Y tế cho biết, 90% thương binh tại trung tâm bị thương ở cột sống, liệt nửa người, phải gắn phần đời còn lại với xe lăn.

Dẫn chúng tôi đến thăm khu chăm sóc, điều trị cho thương binh, bác sỹ Pha cho hay, tại trung tâm, người cao tuổi nhất là thương binh hạng 1/4 Đặng Bá Xuân, sinh năm 1930, quê ở Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông Xuân nay đã 92 tuổi, sức khỏe đã yếu, thường xuyên bị đau nhức hốc mắt do vết thương cũ tái phát nên lúc trái gió trở trời, cán bộ y tế của Trung tâm vẫn thường xuyên thăm khám chăm sóc.

Người trẻ nhất là Thượng úy Đinh Văn Dương sinh năm 1983. Nhắc qua chắc nhiều người sẽ nhớ ngay: Cách đây đúng 7 năm xảy ra vụ tai nạn máy bay rơi ở xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) khiến 20 thành viên tham gia chuyến bay huấn luyện nhảy dù của Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hy sinh. Vụ đó duy nhất Thượng úy Dương là người còn sống. Vụ tai nạn thảm khốc làm anh Dương vĩnh viễn mất đi đôi chân, toàn thân bị bỏng nặng, dị dạng, mất 99% sức khỏe.

Dẫn chúng tôi thăm khu nhà ở và sinh hoạt của thương binh, bác sỹ Pha cho biết, trong Trung tâm, có những thương binh bị các vết thương tổng hợp như cụt 2 tay, chân, hỏng mắt. Nhiều người bị di chứng của vết thương cột sống dẫn đến nửa người phía dưới bị teo cơ, mất cảm giác, không tự chủ được sinh hoạt đại, tiểu tiện. Có người mắc tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan B… Trong đó, chăm sóc khó khăn nhất là thương binh hạng 1/4 Lê Văn Yên. Ông Yên quê ở Hưng Yên không vợ, không con, chỉ còn mẹ già ở quê. Ngoài là thương binh bị liệt nửa người, đi lại rất khó khăn ông Yên còn bị suy thận. Về Trung tâm hơn 20 năm nhưng ông Yên phải chạy thận suốt 17 năm qua. Trước đây, cứ mỗi tuần, lãnh đạo Trung tâm cắt cử cán bộ đưa ông lên Bệnh viện Quân y 103 chạy thận vào mỗi thứ 2-4-6. “Sau này, khi được bệnh viện đồng ý cho ông được điều trị nội trú thì cứ mỗi thứ 5 hằng tuần cán bộ Trung tâm bố trí luân phiên nhau lên viện ở cùng để chăm ông. Ở bệnh viện chỉ có giường bệnh, người của trung tâm lên chăm chỉ ngủ đất hoặc kê tạm giường gấp bên cạnh để tiện chăm sóc”, bác sỹ Pha kể và cho biết, chỉ có sự đồng cảm, sẻ chia và tình cảm gia đình mới là động lực thôi thúc cán bộ Trung tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Trung tâm Ðiều dưỡng Thương binh Thuận Thành là đơn vị trực thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, được thành lập từ năm 1965, nuôi dưỡng, điều trị thương bệnh binh nặng tập trung có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất. Sau gần 60 năm hình thành và phát triển, Trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương, bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, quê ở hầu khắp các tỉnh trong toàn quốc về an dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng. Hiện nay, Trung tâm còn quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ chính sách đối với 97 thương, bệnh binh nặng hạng 1/4.

Tri ân, chuyện tháng Bảy: Thương nhớ Thuận Thành ảnh 2
Thương binh Ðinh Văn Bách đang đọc thơ cho đồng đội nghe

Nỗi đau còn đó

Phía sau khu điều trị là dãy nhà ở của các gia đình thương binh. Chúng tôi đến thăm căn phòng là nơi ở của thương binh Nguyễn Văn Cần quê ở xã Hoài Thượng (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Căn phòng rộng chừng 15m2, kê hai chiếc giường sắt. Một cái là nơi ông Cần ngủ nghỉ, sinh hoạt. Chiếc còn lại là của vợ ông nằm, để tiện bề chăm sóc. Căn phòng sạch sẽ, được trang bị đầy đủ quạt, điều hòa, tivi, tủ quần áo và bàn ăn uống. Phía trong là một gian phòng khác dùng để nấu nướng, vệ sinh.

Ông Cần sinh năm 1958, 18 tuổi ông xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Quân đoàn 3 tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. “Sau nhập ngũ, tôi được đưa vào Tây Nguyên, đến năm 1978 thì được đưa về Tây Ninh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Trong một trận đánh giành lại điểm cao, tôi cùng đồng đội xung phong thì bị trúng đạn pháo ĐKZ, bất tỉnh. Sau khi bị thương ông được đi điều trị ở nhiều nơi khác nhau, sau đưa về Trung tâm điều dưỡng này.

Ngồi cạnh giường, vợ ông Cần xách xô nước lớn vào gần giường để tắm rửa cho ông. Thấy chúng tôi chăm chú, vợ ông Cần tiếp lời: “Hai cô chú tình nguyện lấy nhau, không có con nhưng cũng sống với nhau cũng được 30 năm rồi đấy. Cô dựa vào chú, chú dựa vào cô, giúp đỡ lẫn nhau nấu bữa cơm mỗi ngày”.

Trời xế chiều, sau khi chào vợ chồng ông Cần, chúng tôi ghé thăm khu vườn dược liệu của Trung tâm, nơi đây tập trung khá đông người đến hóng gió, kéo xe, tập thể dục. Trong một góc nhỏ, Thương binh 1/4 Đinh Văn Bách (quê ở Thái Bình) ngồi trên chiếc xe lăn cũng đang bóp tay cho người đồng đội. Cả hai đang cười tươi, rất tâm đắc về bài thơ ông Bách vừa sáng tác. Ông Bách sinh năm 1953, nhập ngũ tháng 1/1972. Ông tham gia trận chiến ác liệt nhất trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đến khi ký kết xong Hiệp định Paris. Đến năm 1975, ông Cần tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông nhận nhiệm vụ tấn công huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) rồi sang mở cửa thị trấn Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, phía bắc Sài Gòn). Đơn vị của ông chiến đấu từ ngày 23 - 28/4 thì giải phóng được Tân Uyên. Đến ngày 29/4, đơn vị ông nhận lệnh, trên đường tiến đánh vào nội đô Sài Gòn thì bị trúng pháo.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG