Xin bắt đầu từ cái tên lạ, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”?
Riêng tên sách đã làm tôi vật vã chục năm trời. Loay hoay mãi với những cái tên như Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ngày cuối chiến tranh, Trong vòng cung thành cộng hòa hay Sụp đổ… Lúc gửi NXB Chính trị Quốc gia, tôi lấy hai chữ Sụp đổ nhưng các anh bên đấy bảo nghe nặng nề quá. Thế nào lại bật ra từ “biên bản” cảm thấy trúng ý bởi tôi cũng chủ trương viết tiểu thuyết lịch sử theo dạng biên bản với tài liệu gốc dẫn chứng đúng sự thực, đúng vấn đề. Thêm mấy con số 1,2,3,4,75 vào cho đầy đủ tính trách nhiệm, không bịa đặt.
Ông viết tiểu thuyết cơ mà?
Tôi tâm huyết với câu: “Người ta nói tiểu thuyết là bịa đặt nhưng thực tế cuộc đời này có nhiều điều đến tiểu thuyết cũng không dám tin” của Vũ Trọng Phụng.
Có điều đặt quá nhiều tư liệu vào một cuốn tiểu thuyết thì rất khó đọc?
Tôi “dựng” lên cuốn này không nhằm dựng lên một tác phẩm thuần văn học, càng không nghĩ tới giải thưởng. Tôi cũng dân Văn Tổng hợp ra, cũng viết vài tác phẩm văn học rồi nhưng vẫn không có tham vọng theo đuổi văn chương. Thôi thì cứ lịch sử chi tiết thế nào thì phục dựng như thế để nhà văn, biên kịch điện ảnh sân khấu có thể dùng làm tài liệu tham khảo, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ hơn nhiều. Bản thân tôi không có điều kiện, cũng không đủ khả năng nên chỉ làm công việc phục dựng sử liệu.
Đọc tác phẩm lại thấy ông để cho quân đội Sài Gòn, từ Nguyễn Văn Thiệu trở xuống, ứng phó các tình huống chiến thuật chiến lược một cách ngây thơ vội vã thậm chí ấu trĩ?
Tôi hiểu ý anh. Có thể anh cảm thấy quân ta thắng dễ, thắng nhanh quá bởi gặp một đối thủ kém cỏi, sai lầm. Điều đó không đúng. Sở dĩ tôi phải kỳ công chú thích cuối mỗi chương các tài liệu lấy đâu ra, muốn đối chứng thì tới đâu là để phản ánh một cách trung thực nhất, sau tránh tranh cãi. Từ lời nói chỉ thị của Nguyễn Văn Thiệu tới giá cả đời sống, quang cảnh lễ Giáng sinh hay cơn bão cuối cùng đi qua cũng đều là thật.
Trong đoạn Nước cờ định mệnh chẳng hạn, tôi phục dựng cuộc họp kín dẫn tới quyết định rút quân khỏi Tây Nguyên của Thiệu dựa trên hồi ký người tham dự, biên bản cuộc họp. Phải đặt mình vào hoàn cảnh lúc bấy giờ mới thấy hết. Bốn tháng cuối cùng của cuộc chiến khủng khiếp kéo dài, sau bao gian khổ hy sinh quân ta cờ đã vào thế, đối phương không còn con đường nào khác. Tướng lĩnh quân đội Sài Gòn lúc ấy giống như cháy nhà, vơ được cái gì thì mang cái đấy. Có người tự sát, có kẻ gom góp tiền của chạy ra nước ngoài.
Nên ông muốn khắc họa hình ảnh của họ?
Viết về quân đội giải phóng thì có rất nhiều người làm rồi. Tuy nhiên anh đừng nhầm. Tôi viết là viết về bối cảnh lịch sử vào thời điểm ấy. Các nhân vật cũng ở đấy mà ra. Để làm việc này, tôi đã đi một vòng Sài Gòn ngay trong đêm 30/4 để cảm nhận lúc giao thời. Sau đó tôi lưu lại 2 tháng, ghi chép mọi điều, tìm cách lấy lại tài liệu của phía bên kia thông qua quân đội giải phóng và các cơ quan có thẩm quyền rồi đánh máy lại. Lúc ra Hà Nội trong ba lô chỉ toàn tài liệu cùng chiếc máy đánh chữ được cấp phép sử dụng. Nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Việc tìm kiếm, xác minh tư liệu còn kéo dài nhiều năm.
Ông bắt tay vào viết cuốn sách này từ khi nào?
Khó nói chính xác. Chỉ biết đến năm 2000 là cơ bản xong, có đăng vài chương trên báo Văn Nghệ. Nhưng rồi tôi thấy cách viết nặng nề, phiến diện, muốn bỏ. Mãi sau này mới có đủ nghị lực dỡ ra, viết lại hoàn toàn dưới ánh sáng tư duy mới, điềm tĩnh và khách quan. Giờ thấy tác phẩm nhẹ nhõm và nhân văn hơn nhiều.
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2014
Ngoài Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (thể loại văn xuôi) còn có Trường ca ngắn, kịch thơ của Nguyễn Thụy Kha (thể loại thơ). Giải lý luận phê bình thuộc về Trăm năm trong cõi của Phong Lê và Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hình tượng của Nguyễn Đăng Điệp. Đào Minh Hiệp nhận giải dịch thuật với bản dịch Cuộc chiến đi qua của Kanta Ibragimov.