Trạm xử lý nước thải: Chưa nghiệm thu, đã hết 'đát'

Trong thiết kế ống dẫn nước là thép khô gỉ, nhưng thực tế đã gỉ sét.
Trong thiết kế ống dẫn nước là thép khô gỉ, nhưng thực tế đã gỉ sét.
TP - Dù xây dựng xong từ năm 2013, nhưng đến nay trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Tâm Thắng (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) vẫn chưa được cấp phép xả thải do sử dụng công nghệ lạc hậu, không đáp ứng được mục tiêu đầu tư, lãng phí lớn nguồn ngân sách nhà nước.

Chúng tôi được lãnh đạo Ban quản lý dự án các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đắk Nông cung cấp về bản hồ sơ hoàn công của công trình trạm xử lý nước thải KCN Tâm Thắng. Theo đó, KCN Tâm Thắng được thành lập từ năm 2002, do công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng làm chủ đầu tư, với tổng diện tích khoảng 181ha, nằm bên sông Sêrêpốk, sát quốc lộ 14. Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt kế hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải trong KCN với tổng vốn đầu tư 17,6 tỷ đồng, công suất thiết kế 4.600 m3/ngày đêm (bao gồm 2 mô đun xử lý, 1 mô đun 2.300m3/ngày/đêm). Đơn vị thi công là công ty TNHH Xây dựng Vạn Thành, trụ sở tại Đắk Lắk.

Theo kế hoạch, năm 2013 công trình chính thức vận hành thử nghiệm, tạo tiền đề cho việc nghiệm thu công trình. Tuy nhiên, cho đến nay sau 3 năm hoạt động công trình này vẫn chưa được cấp Giấy phép xả thải, do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân về chất lượng xử lý nước thải không đáp ứng được yêu cầu xả thải ra môi trường. Dư luận phải đặt câu hỏi, suốt 14 năm qua từ ngày KCN được thành lập, nước xả thải của các công ty phải chăng cứ thế đổ thẳng ra sông? Đứng trước nguy cơ trạm xử lý nước “lỗi thời”, phía chủ đầu tư đã xin kinh phí của UBND tỉnh Đắk Nông để “cải tạo” công trình.

Giữa tháng 11/2016, chúng tôi đến trạm xử lý nước thải KCN Tâm Thắng, thấy 2 mô đun xử lý và bể bơm đã được đập bỏ ở nhiều hạng mục để xây mới. Theo bản vẽ thiết kế hoàn công của công trình cũ, hệ thống sắt đan là thép phi 8 và sắt chính là phi 10. Tuy nhiên, tại nhiều vị trí của công trình sử dụng các loại sắt lần lượt là phi 6 và phi 8. Theo bản thiết kế, bể bơm được xây dựng 2 bể tách rời, chiều cao 9m nhưng thực tế chỉ xây 1 bể, ở giữa xây tường ngăn cách thành 2 bể. Các ống bơm, theo thiết kế phải sử dụng thép không gỉ, nhưng thực tế tất cả hệ thống ống bơm đều bị gỉ sét mạnh. Bên cạnh đó, ở mô đun thứ nhất còn xuất hiện vết nứt kéo dài ở giữa bể, khiến nước thải ngấm xuyên qua tường, chỉ cần mắt thường cũng có thể nhìn thấy. Nhiều hệ thống máy bơm, do nhiều ngày không sử dụng, cỏ mọc um tùm.

Không báo cáo đơn vị quản lý

Ông Phạm Ngọc Phòng, giám đốc đơn vị chủ đầu tư cho biết lý do để cải tạo, nâng cấp bổ sung công nghệ mới là do hai Cty cồn Đại Việt và công ty mía đường Đắk Nông xin đấu nối vào. Lượng nước thải của hai Cty này có hàm lượng xyanua cao, phải sử dụng công nghệ hiện đại mới xử lý được. “Đây là công trình bổ sung công nghệ thiết bị của trạm xử lý nước thải tập trung KCN Tâm Thắng, tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành đi vào sử dụng, đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải công nghiệp cho các công ty” - Ông Phòng nói.

Một cán bộ lãnh đạo Sở TNMT cho biết, các báo cáo đánh giá tác động môi trường tại trạm xử lý KCN Tâm Thắng đều do Bộ TNMT thẩm định. Nhưng thực tế lại xây dựng từ ngân sách của địa phương, mà không qua Sở TNMT để tham mưu. “Trạm xử lý nước thải KCN Tâm Thắng khi xử lý nước thải ra môi trường không đạt yêu cầu, nên chủ đầu tư xin thêm kinh phí của tỉnh để làm tiếp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Cty cồn Đại Việt chỉ hoạt động cầm chừng, do không đủ nguyên liệu, lượng nước thải không đáng kể. Theo quy trình, công ty này dùng nước thải tuần hoàn, không cần phải xử lí. Còn Cty mía đường Đắk Nông từ tháng 7/2017 hết mùa vụ sẽ di dời sang huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk). Đầu tư thêm cho trạm xử lý nước thải càng gây lãng phí.

Một cán bộ Ban quản lý các KCN tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Công trình xử lý nước thải KCN Tâm Thắng bắt đầu vận hành từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa thể nghiệm thu. Lãnh đạo công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng vẫn chưa gửi hồ sơ về việc nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải cho chúng tôi. Vừa rồi chúng tôi đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, nhưng họ chỉ cung cấp cho Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư để duyệt”.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.