Dư âm hai trận cuối vòng bảng Asian Cup 2019:

Tra tấn tinh thần và cười té ghế

Ðội tuyển Việt Nam Ảnh: PV
Ðội tuyển Việt Nam Ảnh: PV
TP - Chết đuối vớ phải (hoặc vớ cả) cọng rơm là tình cảnh bi hài của tuyển Việt Nam trong cuộc run rủi bóng đá khuya 17/1. Ðẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào, thật thú vị.

CƯỜI TÉ GHẾ

Tối muộn 17/1, trận Oman-Turmenistan đã kịch tính lắm rồi, xem xong tôi được người nhà khuyên đi ngủ quách, với lý lẽ rằng Việt Nam sẽ vào vòng trong thôi vì Lebanon chắc không đến nỗi ăn Triều Tiên quá nhiều đâu. Nhưng tôi vẫn xem vì muốn đồng hành với fan để hiểu được tâm tư tình cảm của họ. Phải làm người trong cuộc! Quyết định đúng bởi không xem thì uổng. Có người kể: “Đêm buồn ngủ không xem, sáng ra đọc báo thấy tỷ số, diễn biến và kết quả mà không tin vào mắt mình”.

Trận 20h30, Oman đá vào lưới Turmenistan ở phút bù giờ cuối cùng khiến anh bình luận viên chắc nản, ai đời chịu vô hồi kỳ trận các quả phạt góc mà Turmenistan đều phá yếu xìu ra, luẩn quẩn mãi ở gần gôn nên mới bị táng cho cú thứ 4 ở phút bù giờ thứ 3, nên giọng bình luận trận sau cứ ỉu như bánh đa nhúng nước. Mơ hồ lo sợ trận này sẽ tiếp tục đen đủi cho Việt Nam chăng.

Đó là một ngày mà bốn đội ra sân nhưng cổ động viên đội không đá - Việt Nam lại xúc cảm tột độ. Bình luận viên nói thản nhiên ở cuối trận thứ hai: “Cảm ơn quí vị đã thức khuya cùng chúng tôi để cổ vũ CHDCND Triều Tiên”. Lebanon ghi bàn thứ  4 “bóp tim” fan Việt ở phút bù giờ thứ 8, cho nên trận cùng giờ - Qatar gặp Ả rập Xê-út bên kênh khác, bình luận viên có cập nhật kịp đâu, cuối chương trình vẫn thông báo tỷ số trận Lebanon - Triều Tiên là 3-1 nên Việt Nam nhẹ nhõm vào vòng trong!

Vẫn biết bóng đá châu Á cực èng èng so với châu Âu và Mỹ Latinh nhưng nếu bỏ qua một số trận thì không biết “trình” của vài đội ở mức nào. Nhìn cảnh HLV Triều Tiên vỗ tay khen ngợi tiền đạo số 10 đá phạt vào lưới Lebanon mà thương. Họ đã hiếm hoi ghi được 1 bàn còn thì khiêng về nhà rổ bàn thua. Ba trận xơi chục quả không phải chuyện của một đội.

“Đá như hồi mình đá ở Ruộng League”, “Như gánh xiếc, cười đau bụng. Vừa thở vừa đá, kiểu thoi thóp”, “Lần đầu cũng là lần cuối xem người anh em này đá, công nhận đỉnh cao vãi”, “Thủ môn sợ 90 triệu dân Việt buồn ngủ ấy mà. Cảm ơn đã cống hiến một trận đấu đầy kịch tính”, “Nhìn đá giống làng Triều Khúc. Phóng khoáng cởi mở, cống hiến, vô tư, nhiệt tình, không toan tính. Đậm chất phong trào”, “Thủ môn bỏ khung thành làm hậu vệ còn hậu vệ làm thủ môn. Xem mà vừa lo vừa cười té ghế”, “Thủ  môn quả nào cũng lao ra không cần biết bóng ở đâu. Anh không ra thì thôi mà đã ra thì bóng gọn trong lưới”, “Vừa xem vừa mong có ai xích bố (thủ môn) vào gôn cho đỡ chạy lung tung”, “Toàn giong bóng ra biên, đánh đầu chuyền bóng cho đối phương, đi bộ phản công và đặc biệt thủ môn không thích bắt bóng mà cứ nhao ra ngoài”... Vân vân. Đúng là thú vị, hài hước như fan bóng đá!

KHỔ VÌ YÊU

Từ mấy hôm trước đã thấy nhiều cổ động viên Việt phàn nàn chưa giải đấu nào mà họ phải “làm fan trăm họ” thế này, lần lượt cổ vũ tới 6,7 đội: Úc, Jordan, UAE, Philippines, Turmenistan, Triều Tiên, để mong kết quả có lợi cho Việt Nam. Suốt ngày hí húi cộng trừ nhân chia tính tính toán toán điểm với chác.

Hôm Việt Nam đá trận cuối vòng bảng, bao người cầu trời khấn Phật để đội nhà ghi được 3 bàn, không được, thế rồi phải chịu màn tra tấn tinh thần hôm sau, 17/1 cho nên đây đó có tiếng hờn trách “Phải chi đội nhà chắt chiu ghi cố lấy một bàn, có phải cổ động viên đỡ khổ bao nhiêu”.

“Thủ môn có những pha chạy chỗ khiến 90 triệu cổ động viên Việt chết đi sống lại”- một trong số fan ruột trên kia than thở. Hihi. Chết đi sống lại thật ấy chứ.

Tình cảnh gay cấn hôm kia làm tôi nhớ kỷ niệm thú vị ở SEA Games 17 hồi 1997. Trận cuối vòng bảng, cầu thủ Keolakhone bằng một cú sút xa bất ngờ đã làm nên chiến thắng đầu tiên trong lịch sử của Lào trước Malaysia. Tỷ số 1-0  còn giúp Việt Nam vượt qua khe cửa hẹp để vào bán kết, sau đó giành huy chương Đồng.

Tan trận cầu xem ở cơ quan, tôi ra đại sứ quán Lào gần đó thấy trước cửa sứ quán đông nghẹt cổ động viên Việt Nam hớn hở ăn mừng và cảm ơn người anh em Lào. Có người còn mang băng rôn ghi dòng chữ “Tha Xiêng-phênh” cực hóm. Chả là Xiêng-phênh người Lào là một tử tù ma túy đang thụ án ở Việt Nam.

Một bộ phim hành động kịch tính, màn tra tấn tinh thần đồng thời lại đầy tính giải trí - đó là những gì hai trận đấu đặc biệt tối 17/1 đem lại. Ai không xem hai trận cầu khốn khổ đó hơi bị tiếc, dễ đâu có một ngày như thế! Và tuy không ai dám coi thường sự may mắn trong bóng đá nhưng qua vụ này nghiệm ra, có lẽ tự làm tự ăn vẫn hơn cả, nhỉ? Thân phận kẻ phụ thuộc, mỏng cánh chuồn, không tự quyết được số phận của mình nó thế đấy. May mà kết thúc có hậu chứ không lại khóc ròng như Lebanon, thấy mà thương.            

Nhiều năm sau SEA Games 17, cầu thủ Lào Keolakhone tâm sự với một nhà báo Việt Nam: “Hồi đó về nước, tôi được chào đón như người hùng. Ðến bây giờ gặp kiều bào Việt Nam, mọi người đều nhận ra tôi và mừng rỡ như đối với người bạn thân thiết”. Quả thật nồng hậu, “mềm yếu” cũng đến như fan bóng đá Việt là cùng.

MỚI - NÓNG