Do thời lượng có hạn nên nhiều nội dung chất vấn của các đại biểu phải trả lời bằng văn bản.
Báo cáo sai sự thật
Đại biểu Nguyễn Ngọc Quế Trân hỏi: Ấp 1, xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) đường ống chỉ cách nhà dân 100 m nhưng hơn 400 hộ của 4 tổ vẫn chưa có nước sạch.
Ông Nguyễn Thành Chung trả lời: Một số nơi dân cư thưa thớt, chưa có hệ thống ống cấp nước, ngành nước sẽ đặt bồn, đồng hồ tổng để cung cấp nước cho bà con. Kiểm tra một số nơi, đúng là nhiều hộ phải xài nước giếng, nước sông, chất lượng không đảm bảo. Chúng tôi xin lỗi bà con vì chưa thống kê chính xác, công bố số liệu sai” - ông Chung nói.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc thống kê không chính xác, chưa rõ nơi nào có, nơi nào không; người dân phải mua từng can nước với giá cắt cổ là “đáng tiếc và rất đáng trách”.
Về công tác chống ngập, ông Nguyễn Thành Chung khẳng định đến cuối 2015, 58 điểm ngập hiện hữu sẽ giải quyết được khoảng 80%. Đến năm 2020, tình trạng ngập vùng trung tâm sẽ cơ bản được giải quyết.
“Trong 29 điểm ngập mới, tôi xin nhận khuyết điểm đã khảo sát không kỹ, không rõ tái ngập hay có từ trước. 22 điểm ngập mới là do nhà thầu thi công tắc trách. Dự án kênh Tân Hóa- Lò Gốm trong một tháng đã xử phạt đến 66 lần” - ông Chung cho biết.
Xe buýt: Nhiều tiêu cực
Trả lời chất vấn của một số đại biểu về hiệu quả của trợ giá xe buýt, ông Nguyễn Thành Chung thừa nhận còn nhiều mặt trái như nạn xé vé khống, gian lận vé, xe bỏ trạm rút ngắn hành trình…
“Trước 2013 thành phố khoán chuyến cho cac đơn vị. Nếu không đạt sản lượng, thanh toán trợ giá sẽ không đạt 100% và bị phạt 3-5% nên các DN sợ và nghĩ ra chiêu xé vé khống. Một số tài xế sau khi bán vé cho khách thì thu hồi và tiếp tục bán cho người khác để bỏ túi riêng. Trợ giá xe buýt cho sinh viên, học sinh vẫn còn có những lỗ hổng dẫn đến tiêu cực. Nạn vé giả xuất hiện nhiều, đặc biệt tại hợp tác xã Quyết Tiến quyết toán vé phát hiện một lượng vé rất lớn. Sở đã phối hợp công an điều tra và tháng 8 vừa qua đã bắt giam một người trong ban điều hành để làm rõ sai phạm” - ông Chung cho biết.
Hôm nay, chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân sẽ trả lời chất vấn trước khi bế mạc kỳ họp.
Lãnh đạo ngại công nghệ thông tin
Tham gia trả lời chất vấn về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nói:
“Ở vùng sâu, vùng xa như Bình Chánh, Cần Giờ, 100% lãnh đạo phường xã sử dụng hộp thư điện tử. Trong khi đó, nhiều quận nội thành như Hóc Môn, quận 8 không có lãnh đạo nào chịu sử dụng. Quận 7 thì bí thư xài, còn chủ tịch thì không. Sở Văn hóa - Thể thao thì chỉ có một cán bộ lãnh đạo sử dụng.
“Hiệu quả không phải do công nghệ mang lại mà do ý thức của lãnh đạo đơn vị đó. Nhiều lãnh đạo phê bình ứng dụng CNTT kém, trong khi bản thân không biết về hệ thống đó” - ông Hà nói.