Chống ngập, “bóp” chỗ này, “phình” chỗ kia

Ngập nặng trên đường Hòa Bình (quận 11, TPHCM)
Ngập nặng trên đường Hòa Bình (quận 11, TPHCM)
TP - Đó là ví von của đại biểu Trần Ngọc Hưng trong phiên thảo luận tại nghị trường kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM (khóa VIII) diễn ra ngày 10/12. Tại kỳ họp HĐND nhiều tỉnh, thành khác, nhiều vấn đề dân sinh nóng bỏng tiếp tục được mổ xẻ.

TPHCM: Chuyển ngập vào… nhà dân

Đại biểu Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết đường Kha Vạn Cân, Cây Keo sau khi được nâng cấp, nhiều đoạn cao hơn nửa nhà, người dân ra vào rất khó khăn, vì nhà bị biến thành hang. “Đường nâng lên rất cao thì không bị ngập nhưng lại chuyển ngập vào nhà dân vì nền nhà thấp hơn mặt đường cả mét. Chống ngập như vậy là không hiệu quả, không thương dân. Mình chỉ nghĩ đến cái lợi cho mình, đẩy hết cái khó, cái khổ cho người dân” - ông Nhân nói. 

Đại biểu Trần Ngọc Hưng băn khoăn: Trong năm 2014, TPHCM đăng ký xóa 6 điểm ngập với kinh phí 600 tỷ đồng nhưng chỉ làm được 2. Bi kịch là phát sinh thêm 22 điểm ngập mới. Tôi có cảm giác mình càng chống càng ngập, cứ bóp chỗ này thì nó phình chỗ kia. Càng bóp, càng phình. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TPHCM, những tuyến đường mới làm biến nhiều căn nhà ven đường thành... hầm là xây theo đúng quy định về cao độ cốt nền chống ngập. Theo quy định khi xây dựng, các công trình phải đảm bảo cốt nền đạt từ 2,2m.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, xử lý ngập cần phải có lộ trình. Hệ thống cống thoát nước khi thiết kế chỉ nhằm đáp ứng cho một khu đô thị có 2,5 triệu dân của thành phố Sài Gòn xưa. Dân số TPHCM hiện nay đã trên 10 triệu người, lượng nước sinh hoạt thải ra hàng ngày cao gấp 4 lần so với thiết kế, đòi hỏi hệ thống cống thoát nước phải có đường kính, tiết diện lớn hơn nhiều lần so với cống cũ. Vừa qua, khi triển khai các dự án Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm,… TPHCM đã thay cống cũ bằng loại cống có đường kính từ 2 - 2,2m. Việc thay thế phải từng bước, từng dự án, không thể moi lên để thay đồng loạt.

Đà Nẵng: Không chấp nhận chỉ cảnh cáo cán bộ tham nhũng

Tai kỳ họp lần 11, khóa VIII, HĐND TP Đà Nẵng, khai khoáng trái phép, ô nhiễm môi trường, tham nhũng... tiếp tục là vấn đề làm nóng nghị trường. Theo Bí thư Thành ủy Trần Thọ, về việc khai thác khoáng sản ở huyện Hòa Vang, yêu cầu các đơn vị quản lý phải nêu rõ với các cá nhân, doanh nghiệp nếu không cam kết phục hồi, hoàn thổ sẽ không được cấp giấy phép khai thác. Cũng sáng qua, các đại biểu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 13 chức danh do HĐND thành phồ Đà Nẵng bầu. Kết quả, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nhận được số phiếu tín nhiệm cao nhất với 45/47 phiếu tín nhiệm cao (93,75%); 2 phiếu tín nhiệm (4,17%) và không có phiếu tín nhiệm thấp.

TT-Huế: Lo thu ngân sách giảm, chi vượt dự toán

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh TT-Huế (khóa 6, nhiệm kỳ 2011- 2016) khai mạc sáng 10/12, ông Đào Chuẩn, Phó trưởng Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra, có đến 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, tổng thu ngân sách chỉ đạt 4.652 tỷ đồng, bằng 97,8% dự toán, và bằng 95,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các khoản thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu có kết quả thấp, chỉ với 360 tỷ đồng, đạt 69% dự toán và giảm 13,3% so với cùng kỳ, gây ảnh hưởng lớn kết quả thu.

MỚI - NÓNG