TPHCM xây dựng bộ tiêu chí chống dịch COVID-19 cho nhiều lĩnh vực

TPO - Sở Y tế TPHCM sẽ xây dựng bộ tiêu chí đặc thù cho từng lĩnh vực như giáo dục, du lịch, công thương, giao thông...để chủ động ứng phó dịch bệnh. Từ đó xây dựng quy tắc ứng xử mới, tương ứng với những chuẩn mực mới để luôn chủ động trong việc kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19.

Tối 15/4, tại cuộc họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết Sở Y tế sẽ phối hợp với các sở ban ngành xây dựng bộ tiêu chí đặc thù cho từng lĩnh vực như giáo dục, du lịch, công thương, giao thông...để chủ động ứng phó dịch bệnh. "Từ đó xây dựng quy tắc ứng xử mới, tương ứng với những chuẩn mực mới để luôn chủ động trong việc kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19", ông Bỉnh cho biết.

TPHCM xây dựng bộ tiêu chí chống dịch COVID-19 cho nhiều lĩnh vực ảnh 1 Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh. Ảnh TTBC 

Liên quan đến xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, đến nay TPHCM thực hiện xét nghiệm 1.940 công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM), kết quả tất cả đều âm tính.

TPHCM xây dựng bộ tiêu chí chống dịch COVID-19 cho nhiều lĩnh vực ảnh 2 Tầm soát sàng lọc COVID-19 trong công nhân. Ảnh HCDC

Bên cạnh đó, TPHCM đã thực hiện xét nghiệm hơn 36.000 người là những người nhập cảnh, người nghi ngờ mắc bệnh cũng như người có tiếp xúc với nguồn lây. Theo ông Bỉnh, mỗi ngày xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho hơn 1.000 hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn.

"TPHCM tiếp tục thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 trong cộng đồng với gần 10.000 người. Trong đó công nhân tại các khu lưu trú, khu công nghiệp, khu chế xuất có thêm 7.000 trường hợp; trong các khu dân cư là gần 3.000 trường hợp. Đồng thời theo dõi, xét nghiệm các trường hợp khỏi bệnh, đã xuất viện"- ông Bỉnh thông tin. 

Hơn 6.200 doanh nghiệp tham gia đánh giá rủi ro lây nhiễm 

Theo báo cáo từ 24 quận huyện trên địa bàn TPHCM, đến nay có 6.292 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự đánh giá theo bộ tiêu chí rủi ro lây nhiễm COVID-19. Trong đó, 3.727 doanh nghiệp (chiếm 59,2%) tự đánh giá có chỉ số rủi ro lây nhiễm thấp (chỉ số rủi ro dưới 10%)

Ngoài ra, có 2.483 doanh nghiệp (chiếm 39,5%) có chỉ số rủi ro thấp (chỉ số rủi ro lây nhiễm từ 10-30%); 77 doanh nghiệp tự đánh giá có chỉ số rủi ro trung bình (chỉ số rủi ro từ 30-50%); có 5 doanh nghiệp có chỉ số rủi ro cao (chỉ số rủi ro từ 50-80%).

TPHCM xây dựng bộ tiêu chí chống dịch COVID-19 cho nhiều lĩnh vực ảnh 3 Cơ quan chức năng TPHCM kiểm tra tại Cty PouYuen Việt Nam. Ảnh TTBC

Tuy nhiên, cơ quan chức năng TPHCM tổ chức kiểm tra giám sát, thẩm định lại kết quả các doanh nghiệp tự đánh giá thì cho kết quả chỉ số rủi ro cao hơn từ 5-10%. Riêng Cty PouYuen Việt Nam có chỉ số rủi ro rất cao là 81%, TPHCM đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động đến hết ngày 15/4. Cơ quan chức năng TPHCM đã lập kế hoạch để cùng công ty khắc phục, ngày mai (16/4) sẽ xuống công ty kiểm tra đánh giá lại việc hoạt động sản xuất của công ty.

Khả năng TPHCM cách ly xã hội đến ngày 30/4 như đề xuất

Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm- Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM cho biết, TPHCM nằm trong nhóm 12 tỉnh thành có nguy cơ cao, do đó tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần thực hiện hết ngày 22/4 và khả năng sẽ kéo dài đến 30/4 như đề xuất trước đó.

Trước đó chiều 15/4, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhóm các tỉnh thành có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh, và đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 22/4 hoặc 30/4 tuỳ tình hình cụ thể của việc lây nhiễm.

MỚI - NÓNG