TPHCM vượt mốc 2.200 ca COVID-19 trong 24 giờ, chuẩn bị 1.000 giường cho bệnh nhân nặng

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM ghi nhận 2.229 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ.
TPHCM ghi nhận 2.229 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ.
TPO - Chỉ trong vòng 24 giờ, TPHCM ghi nhận 2.229 ca mắc COVID-19, trong đó có 338 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Tối 14/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, từ 6h đến 18h ngày 14/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 1.563 trường hợp mắc COVID-19 mới tại TPHCM.

Tính từ 18h ngày 13/7 đến 18h ngày 14/7, thành phố ghi nhận 2.229 trường hợp mắc mới là BN34744-BN35409, BN35635-BN36605, BN36843-BN37434.

Trong số 2.229 trường hợp mắc COVID-19 mới, có 1.891 trường hợp là các tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 338 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Theo HCDC, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 18.802 trường hợp mắc COVID-19 được công bố.

TPHCM vượt mốc 2.200 ca COVID-19 trong 24 giờ, chuẩn bị 1.000 giường cho bệnh nhân nặng ảnh 1

Bệnh viện điều trị COVID-19.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, quận Bình Tân, TPHCM đã quyết định tạm dừng hoạt động Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với 60.000 nhân viên trong vòng 10 ngày kể từ ngày 14/7, do số lượng lao động quá lớn, công ty không thể bố trí ăn ở cho tất cả lao động tại nhà máy.

Để hoạt động, công ty cần bố trí được cho tất cả lao động ở lại nhà máy và thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 với tần suất 3 ngày/lần.

Trong tháng 7, TPHCM triển khai thí điểm Hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà các ca nghi nhiễm COVID-19 và thông qua các phương tiện truyền thông, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội để hướng dẫn các đối tượng F1 cách cài đặt, sử dụng ứng dụng.

TPHCM vượt mốc 2.200 ca COVID-19 trong 24 giờ, chuẩn bị 1.000 giường cho bệnh nhân nặng ảnh 2

TPHCM đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Chuẩn bị 1.000 giường cho bệnh nhân nặng

Chiều 14/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tại điểm cầu UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã thành lập và chuẩn bị đưa vào hoạt động Bệnh viện (BV) hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại cơ sở 2 BV Ung Bướu TPHCM. Đội ngũ y bác sĩ của BV được tăng cường từ BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định và BV Ung bướu.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, BV hồi sức COVID-19 được trang bị trang thiết bị hiện đại, phòng bệnh rộng rãi, thông thoáng. TPHCM cũng đang chuẩn bị thêm các điều kiện để khi cần thiết có thể tăng công suất, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.

TPHCM vượt mốc 2.200 ca COVID-19 trong 24 giờ, chuẩn bị 1.000 giường cho bệnh nhân nặng ảnh 3

Cơ sở 2 BV Ung bướu TPHCM đặt tại TP Thủ Đức có quy mô 1.000 giường và có thể nâng công suất

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết đang được triển khai đúng hướng; tập trung có trọng tâm, trọng điểm ở những nơi có nguy cơ cao; sự vận hành, phối hợp từ TP đến các quận - huyện, TP Thủ Đức đã đồng bộ, hài hòa hơn.

Về cung ứng hàng hóa, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định đã khắc phục được tình trạng khan hiếm cục bộ và tình trạng chậm trễ khi giao các đơn hàng online. UBND TPHCM đã giao Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá đột biến.

Về giao thông vận tải, thành phố duy trì kiểm tra, kiểm soát tại 12 chốt ở cửa ngõ ra/vào TP. Các chốt kiểm soát nội thành giao cho các địa phương linh động bố trí, chuyển sang phương thức kiểm tra, tuần tra lưu động.

TPHCM vượt mốc 2.200 ca COVID-19 trong 24 giờ, chuẩn bị 1.000 giường cho bệnh nhân nặng ảnh 4

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Sau 9 ngày triển khai chính sách hỗ trợ, TPHCM đã hỗ trợ cho gần 131.000 người lao động tự do với tổng số tiền gần 196 tỷ đồng, trong đó có khoảng gần 9.000 người bán vé số, đạt 57% kế hoạch.

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/7 cho đến khi có thông báo mới, các doanh nghiệp tại TPHCM phải đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).

Các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm", chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân) thì được phép tiếp tục sản xuất, còn lại phải tạm ngừng hoạt động.

TPHCM vượt mốc 2.200 ca COVID-19 trong 24 giờ, chuẩn bị 1.000 giường cho bệnh nhân nặng ảnh 5

Nhân viên y tế đang điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 nặng

Các doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, hiện nay ngành Y tế thành phố đang rất nỗ lực trong công tác điều trị, ngăn chặn các ca tử vong.

"Lúc này, thành phố cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, trong đó có việc tuyên truyền sâu rộng các thông tin chính thống về các quy định phòng, chống dịch cũng như các kết quả đã làm được để người dân biết, yên tâm, tin tưởng và chủ động đấu tranh với các thông tin tiêu cực, sai lệch, kích động gây hoang mang dư luận", ông Phong chia sẻ.

MỚI - NÓNG