Theo Chỉ thị của Thủ tướng, từ 0h ngày 1/4 sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày trên phạm vi toàn quốc, theo nguyên tắc “tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó”.
Chiều ngày 31/1, Sở Công thương TPHCM cho biết đã phối hợp sở ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian “cách ly toàn xã hội”.
Theo đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hiện nay lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35-50% nhu cầu thị trường. Mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc, các chợ đầu mối chiếm 60-70% thị phần và từ các doanh nghiệp khác chiếm 10-20% thị phần.
Trong đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đảm bảo cung ứng lương thực là 3.830 tấn/tháng, đường 2.017 tấn/tháng, dầu ăn 1.072 tấn/tháng, thịt gia súc 6.238 tấn/tháng, thịt gia cầm 8.748 tấn/tháng, trứng gia cầm 71,9 triệu quả/tháng, thực phẩm chế biến 728,9 tấn/tháng, rau củ quả 7.395 tấn/tháng, thủy hải sản 184,5 tấn/tháng, gia vị 634,8 tấn/tháng.
Đối với mặt hàng khẩu trang y tế, qua báo cáo của 23 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế của là 2.957.000 cái/ngày. Về khẩu trang vải kháng khuẩn, Sở đã ký hợp đồng phân phối với 22 doanh nghiệp với tổng cộng là 56.566.450 cái.
Về cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Y tế cung cấp suất ăn miễn phí và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị cách ly, lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng, người phục vụ tham gia chống dịch, bình quân trên 10.000 suất ăn/ngày.
Trước đó, Sở Công thương TPHCM đã xây dựng 3 tình huống cung ứng hàng hóa cho người dân với số ca nhiễm mới dưới 100, dưới 300 và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo đó, với 100 ca bệnh mới, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% ngày thường. Nếu có dưới 300 trường hợp mắc bệnh, các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ cung ứng hàng hóa vượt 50-100%. Họ đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, kể cả khi nhiều khu vực bị cách ly.
Kịch bản xấu nhất, các doanh nghiệp tiếp tục giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1 và 2, phát huy kênh phân phối trực tuyến. Đồng thời giảm hoặc ngừng xuất khẩu với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, tăng nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa tại thành phố và các tỉnh, thành.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: “Trong giai đoạn ứng phó phòng chống dịch COVID-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35-50% nhu cầu thị trường, tăng so với mức 25-30% ngày thường”.
Tại các siêu thị, nguồn hàng dữ trữ đều được chuẩn bị sẵn sàng. Hệ thống Saigon Co.op cho hay, hệ thống này luôn dự trữ nguồn hàng tăng 40% so với ngày thường. Ngoài ra, để tránh tình trạng hàng bị trống vì lượng khách mua đông, siêu thị luôn cử nhân viên luân phiên túc trực để bổ sung hàng hóa kịp thời, tránh tình trạng hết hàng. Tương tự, Lottemart cũng chia sẻ, lượng hàng dữ trữ cũng tăng lên 50% so với ngày thường. Siêu thị cũng liên tục họp bàn với các đơn vị cung cấp thực phẩm để đảm nguồn cung ổn định nhất.
Đặc biệt, kênh bán hàng online của các siêu thị tăng mạnh về số lượng đơn hàng. Như hệ thống BigC cho biết, lượng đặt hàng trực tuyến qua hotline tăng 200% trong tháng 3, với 3.000 đơn hàng tại TPHCM.