"Xẻ thịt" đất công viên để kinh doanh

TPHCM đòi lại công viên cho người dân

TPHCM đòi lại công viên cho người dân
TP - Từ giữa năm 2018, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nhiều lần lên tiếng đòi lại Công viên 23 tháng 9 (23/9) cũng như hối thúc các sở ban ngành chức năng sắp xếp, di dời, thu hồi các mặt bằng cho thuê, trả lại nguyên trạng lá phổi xanh giữa trung tâm thành phố cho người dân song mọi việc vẫn “giẫm chân tại chỗ”.

Trên nóng, dưới lạnh… 

Ngày 11/6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục làm việc với các sở ban ngành chức năng về việc thu hồi Công viên 23/9. Đây là lần thứ ba người đứng đầu chính quyền thành phố trực tiếp đòi lại công viên này để du khách và người dân có nơi đến tham quan, thư giãn. Cuộc họp này là do ông Phong trực tiếp yêu cầu sau khi lãnh đạo Sở Xây dựng báo cáo kết quả giải quyết tình trạng “xẻ thịt” công viên 23/9.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm diễn ra cuối tuần trước, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết công tác thực hiện di dời các cơ sở chiếm dụng công viên đang được Sở Xây dựng lên kế hoạch. Sau khi có kế hoạch cụ thể, Sở Xây dựng sẽ báo cáo với UBND thành phố.

Nghe ông Bình báo cáo, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ngắt lời: “Việc di dời hết các tổ chức, hàng quán… trong Công viên 23/9 và một số công viên khác, tôi đã chỉ đạo phải có kế hoạch và thời hạn di dời phải trước ngày 30/4. Đến lúc giao cho Sở Xây dựng không ai xác định thời hạn hoàn thành. Sân khấu Sen Hồng sẽ dời về chỗ nào? Trong thời gian chuẩn bị di dời thì bàn giao cho ai tiếp nhận, ai bảo quản công trình? Rồi bến xe buýt sắp tới như thế nào… Đến nay vẫn chưa thấy nhúc nhích gì. Không thấy họp tổ công tác như tôi chỉ đạo, thậm chí trong lịch tôi cũng không thấy nhắc đến”.

“Các đồng chí không chấp hành chỉ đạo là sao? Các đồng chí làm ăn như thế ai chấp nhận được, làm việc mà không có kỷ cương, phép tắc gì hết. Nói để hài lòng nhau mà không có kết quả, thử hỏi cải cách hành chính cái gì? Làm việc như thế thì nói gì đến cải cách hành chính, thành phố thông minh mà TPHCM đang hướng tới”, ông Phong bức xúc.

Việc đòi lại Công viên 23/9 đã được Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu tròn một năm trước. Tại cuộc họp sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đã trực tiếp xuống khảo sát và rất bức xúc trước tình trạng công viên bị chiếm dụng, mảng xanh bị thu hẹp. “Công viên là nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của người dân sau một ngày làm việc mệt mỏi. Vậy mà tôi thấy công viên gì toàn cà phê, quán nhậu, ca nhạc... Phải chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt, không thể để bát nháo vậy được”, ông Phong yêu cầu.

TPHCM đòi lại công viên cho người dân ảnh 1

Vẫn bầy hầy, nhếch nhác…

Công viên 23/9 (quận 1) nằm giới hạn giữa các tuyến đường Lê Lai, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão và vòng xoay Quách Thị Trang có diện tích khoảng 9 ha, gồm 3 khu A, B, C. Công viên được xem như “lá phổi xanh” hiếm hoi còn sót lại tại khu vực trung tâm Sài Gòn. 

Tại một số văn bản chỉ đạo điều hành, UBND TPHCM đã yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại Công viên 23/9. Các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên nhưng trong hợp đồng không ghi rõ thời gian hoàn trả thì phải di dời trước ngày 30/4/2019. Các sở ban ngành liên quan phải lên kế hoạch di dời từng công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... trong công viên.

“Không thể chấp nhận tình trạng bát nháo tại các công viên như hiện nay, phải chấm dứt càng sớm càng tốt”

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tiền Phong vào sáng 11/6, dù thời hạn cuối đã qua hơn một tháng song tình trạng “xẻ thịt” công viên vẫn chưa được giải quyết. Tại khu B, các hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ... vẫn diễn ra tưng bừng. Sân khấu Sen Hồng (khu B) rộng gần 6.000 m2 xây dựng năm 2013 vẫn tồn tại, gồm phòng chiếu phim, khán đài phục vụ gần 1.000 khán giả. Toàn bộ mặt bằng sân khấu đang trưng dụng làm bãi giữ xe hai bánh. Một phần diện tích bên đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thị Nghĩa mọc lên các quán cà phê. Phía sau sân khấu là công trình trung tâm thương mại và cụm nhà hàng, quán bar... Trung tâm thương mại được xây dựng dưới lòng đất quy mô 11.000 m2 vẫn đang hoạt động nhộn nhịp với một nửa diện tích làm bãi giữ xe ngầm còn lại là tổ hợp ăn uống, thời trang, mua sắm.

Ai cho thuê, thu tiền?

Theo đại diện Sở GTVT, Công viên 23/9 hiện có nhiều đơn vị quản lý như UBND quận 1, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường), Sở Xây dựng (do Sở GTVT vừa chuyển giao). Đất công viên được giao lại cho nhiều đơn vị khai thác khác nhau. Các khu vực cho thuê của Công viên 23/9 do Trung tâm Phát triển quỹ đất ký hợp đồng cho thuê và thu tiền. Riêng các công viên Phú Lâm, Bình Phú, Gia Định do UBND quận trực tiếp quản lý và cho thuê một phần diện tích. Việc thu chi cũng do quận quản lý. Các công viên cho thuê mặt bằng kinh doanh hầu hết đều có hợp đồng cho thuê khai thác. Công viên do đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó cho thuê, thu tiền và sử dụng tiền.

Tỷ lệ cho thuê chiếm 40 - 50% diện tích công viên

“Khu B Công viên 23/9 rộng hơn 50.700 m2 thì công trình khai thác tới 40% diện tích, công viên Phú Lâm cũng có hơn 50% diện tích phục vụ vui chơi, nhà hàng… trong khi TPHCM mới có hơn 542 ha đất công viên, đạt 0,69m2 cây xanh/người,  thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 7m2/người. Trước thực trạng như hiện nay thì giải pháp trước mắt là phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch công viên cây xanh trên địa bàn thành phố và lập mới hoàn toàn. Có quy hoạch thì mới quản lý lâu dài được”. (Nguyên Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường)

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.