“Bức tử” công viên
Ghi nhận của phóng viên, hầu hết công viên văn hoá trên địa bàn các quận ở TPHCM đều bị “xẻ thịt” để cho thuê làm quán cà phê, khu vui chơi giải trí có thu phí, thậm chí bị bê tông hoá làm nhà hàng tiệc cưới, sân khấu…
Trong đó, công viên văn hoá Lê Thị Riêng nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận 10 là một trong những công viên bị “xẻ thịt” nhiều nhất. Hàng loạt ki - ốt bán đồ ăn nhanh, quán cà phê mọc lên chi chít trong công viên. Thậm chí, một phần lớn diện tích công viên bị cắt ra cho doanh nghiệp thuê làm khu vui chơi giải trí có thu phí với những công trình đồ sộ, quán cà phê, hồ câu cá giải trí...
Cụ thể, ngay bên cạnh cổng chính công viên trên đường Cách Mạng Tháng Tám là các quán cà phê, nhà sách và khu trò chơi thiếu nhi có thu phí rộng hàng nghìn mét vuông cùng với đó là hàng loạt ki - ốt bán đồ ăn uống. Trong lòng công viên cũng không thoát cảnh bị “chia năm xẻ bảy” khi được cắt đất làm quán cà phê có diện tích hàng trăm mét vuông, hồ câu cá dịch vụ, sân tennis giăng “mạng nhện” bủa vây công viên tạo cảnh nhếch nhác. Buổi tối, các loại hàng rong cũng chen nhau “vây” kín trước công viên.
Phần lớn diện tích công viên bị “xẻ thịt” cho tư nhân thuê để kinh doanh biến công viên thành khu “phức hợp”, bê tông hoá khiến người dân không khỏi bức xúc vì gần như không còn nhiều khoảng không để thư giãn. “Mang tiếng là công viên nhưng để tìm được điểm vui chơi miễn phí cho trẻ em chả khác gì “mò kim đáy biển”. Không những thế, đi đâu cũng gặp quán cà phê, khu câu cá, bán đồ ăn thức uống cả trên lối đi, vô công viên để thư giãn mà gặp những cảnh này lại thêm ức chế”, ông Hưng (ngụ quận 10) bức xúc.
Công viên Gia Định cũng không thoát cảnh bị “xẻ thịt” khi quán cà phê, rạp xiếc nằm chắn một góc công viên tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp. Bên trong thậm chí còn có nhiều hộ dân làm nhà ổ chuột nhếch nhác vừa ở vừa tập kết phế liệu. Còn phần công viên thuộc quận Phú Nhuận cũng bị xẻ ra làm nhà hàng, quán cà phê cùng các sân bóng đá mini với hàng rào phân cách.
Công viên thành nhà hàng
Không chỉ bị “xẻ thịt” để kinh doanh trò chơi giải trí có thu phí, ki - ốt bán đồ ăn nhanh, nhiều công viên trên địa bàn TPHCM còn bị “xẻ thịt” để xây dựng các công trình kiên cố cao tầng như nhà hàng, sân khấu, trung tâm thương mại dưới lòng đất…
Cùng cảnh ngộ với công viên 23/9, công viên Phú Lâm nằm trên đường Kinh Dương Vương, phường 13, quận 6 là một trong những công viên lớn của TPHCM được giao về UBND quận 6 quản lý. Công viên này có nhiệm vụ phục vụ việc vui chơi, giải trí cho người dân không chỉ ở quận 6 mà còn quận 8, Bình Tân, Tân Phú… Thế nhưng, công viên này đã bị “xẻ thịt” để xây dựng nhà hàng tiệc cưới, khu kinh doanh, điểm bán đồ ăn uống… suốt nhiều năm qua.
Tháng 6/2017, Tiền Phong đã có loạt bài “Bóp nghẹt lá phổi xanh thành phố” phản ánh tình trạng hàng loạt công viên trên địa bàn TPHCM bị “chia năm xẻ bảy” để kinh doanh, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý công viên cho biết sẽ xử lý dứt điểm tình trạng “xẻ thịt” công viên nhưng đến nay, tình trạng này vẫn không được cải thiện.