Bóp nghẹt lá phổi xanh thành phố - Bài cuối: Đùn đẩy trách nhiệm

Nhà hàng tiệc cưới ở công viên Phú Lâm vẫn “bình chân” kinh doanh.
Nhà hàng tiệc cưới ở công viên Phú Lâm vẫn “bình chân” kinh doanh.
TP - Nhiều công viên ở TPHCM bị “xẻ thịt” cho thuê để kinh doanh vô tội vạ diễn ra trong nhiều năm qua. Thế nhưng khi phóng viên báo Tiền Phong “truy” người có trách nhiệm thì cơ quan công quyền đùn đẩy, thậm chí “lờ” luôn câu trả lời…

Khi đề cập đến công viên Phú Nhuận, ông Đinh Gia Huỳnh - Chủ tịch UBND P.7, Q. Phú Nhuận cho biết, công viên nằm trên địa bàn nhưng phường không quản lý mà do UBND quận và Cty Công ích quận. “Phường chỉ có trách nhiệm phối hợp cùng với Công ty Công ích giữ an ninh trật tự trong và ngoài công viên. Phường cũng không được ký hợp đồng hay thu phí gì trong công viên” - ông Huỳnh nói. Tương tự, đại diện UBND P.15, Q.10 cũng nói, muốn biết công viên Lê Thị Riêng có được phép cho thuê hay không, ai quản lý thì phải liên hệ UBND quận 10.

Bà Hứa Thị Tố Minh - Trưởng Ban quản lý (BQL) công viên Phú Lâm, Q6 thừa nhận, công viên có cho tư nhân thuê mặt bằng. Tuy nhiên, việc cho thuê theo đúng quy định của UBND quận về phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. “Khi tư nhân muốn vào công viên kinh doanh, chúng tôi đều tổ chức đấu giá, đấu thầu theo đúng quy định. Nguồn thu được BQL chi cho việc chăm sóc mảng xanh, quét dọn vệ sinh, điện chiếu sáng và toàn bộ chi phí hoạt động của đơn vị. Ngoài ra BQL còn phải nộp thuế môn bài, thuế GTGT và thuế TNDN theo quy định” - bà Minh liệt kê.

Bà Minh cũng cho rằng, khu vui chơi thiếu nhi có thu phí do tư nhân đấu thầu với diện tích trên 2.000m2, có trang bị các trò chơi lành mạnh, được kinh doanh một quầy phục vụ thức ăn, uống nhanh.

Tuy nhiên, hệ thống nhà hàng tiệc cưới hoành tráng, “xẻ thịt” công viên từ nhiều năm nay không thấy BQL đả động gì. Bà Minh giải thích: Trung tâm văn hóa và công viên Phú Lâm là một tổ chức, lấy tên là Trung tâm Văn hóa Q6. Công ty Việt Ý hợp đồng với trung tâm khai thác mặt bằng, phân chia lợi nhuận. Hợp đồng giữa 2 đơn vị này là 22 năm. Năm 2012, UBND TPHCM tách Trung tâm và Công viên thành hai đơn vị. Thời điểm Công ty Việt Ý thuê đất là khuôn viên của Trung tâm văn hóa theo đúng quy định đã phê duyệt. “Hiện đang có những khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý khi thanh lý, chấm dứt hợp đồng đối với hạng mục tiệc cưới. UBND Q.6 đã kiến nghị và chờ chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM” - bà Minh nói.

Chẳng hiểu UBND Q.6 kiến nghị với UBND TP kiểu gì, mà 5 năm qua, nhà hàng này vẫn “bình chân như vại” kinh doanh (?!).

Kinh doanh trá hình

Trả lời Tiền Phong về việc công viên có được phép kinh doanh không? Ông Võ Ngọc Thanh - Chánh Văn phòng UBND Q.10 cho rằng: “Công viên được kinh doanh dưới bóng cây. Công viên đâu có ai nuôi nó, nó phải tự nuôi nó chứ”. Theo ông Thanh, công viên hiện đang thực hiện mở cổng, mở rào, hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính. Để đảm bảo tốt các hoạt động chính trị, trật tự an toàn xã hội, vui chơi giải trí, bảo dưỡng cây xanh, môi trường, trả tiền lương, tiền công, điện nước, chăm sóc cây xanh… nên công viên phải thực hiện việc ký hợp đồng khai thác kinh doanh với một số đối tác để lấy thu bù chi.

Ghi nhận của phóng viên tại công viên Lê Thị Riêng cho thấy có tới hàng chục quầy hàng phía sau khu chơi bi sắt, những quán cà phê nhà lá rộng thênh thang. Ông Thanh cho hay các quầy kinh doanh ăn uống, giải quy mô nhỏ, đã tồn tại từ lâu nên không qua đấu thầu.

Ông Nguyễn Khắc Dũng – Trưởng Phòng Quản lý Công viên Cây xanh Sở GTVT TPHCM khẳng định: “Quan điểm của Sở không đồng ý việc “xẻ thịt” công viên để cho thuê mở nhà hàng, cà phê hát với nhau, quán ăn nhằm “lấy thu bù chi”. Đó là hình thức biến tướng, trá hình trong việc sử dụng đất công”. 

Hiện Sở GTVT quản lý khoảng trên 300ha công viên, mảng xanh công cộng, chiếm khoảng 30% tổng số công viên, mảng xanh trên địa bàn TPHCM. Còn lại là do quận, huyện và các đơn vị, tổ chức khác quản lý. Các công viên, mảng xanh thuộc Sở GTVT quản lý không có việc chia đất cho tư nhân thuê để kinh doanh, buôn bán mà chỉ tổ chức các bãi giữ xe để phục vụ cho người dân vào vui chơi, tập luyện trong công viên. Nguồn thu từ dịch vụ này đều được nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố.

Các công viên có quy mô tập trung như công viên Phú Lâm, Bình Phú, Lê Thị Riêng… đã được phân cấp cho các quận huyện quản lý. Vì vậy, thu chi là do địa phương tự túc, Sở không nắm được. Tuy nhiên, việc cho kinh doanh trong công viên với phương thức “lấy thu bù chi” là không đúng.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết: “TPHCM quyết tâm giữ công viên để phục vụ cho hoạt động vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi của người dân. Năm 2013, thành phố đã tổng kiểm tra tất cả các công viên. Mỗi công viên nếu có sai phạm thì đều có những định hướng chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý”.

Thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng đến giờ này có những địa chỉ chưa thể thay đổi được. Sau khi làm việc với PV Tiền Phong ông Hoan tiếp thu và cho biết sẽ chỉ đạo các ban ngành vào cuộc xử lý.

Nhà nghiên cứu kiến trúc mỹ thuật Hà Vũ Trọng - Việt kiều Canada: Công viên là không gian xanh để điều hoà không khí. Công viên được hiểu theo nghĩa “lâm viên” tức là khu rừng thiên nhiên nhỏ chứ không phải vườn hoa cây cảnh tốn công nhân tạo. Diện tích lâm viên có thể rất nhỏ hoặc rất lớn trong đô thị để người dân vào đó tìm sự thư thái. Ở Nhật, tôi thấy công viên có thể ở bất cứ đâu và họ luôn tận dụng mọi khoảng trống nhỏ ở các góc phố để nghỉ ngơi, thư giãn. Khu phố nào cũng có dành một khoảng vui chơi cho trẻ em, không cần phải những dự án tốn nhiều tiền của ngân sách mới làm được công viên.

Nguyên Anh

MỚI - NÓNG