Tin từ VEC cho hay, ngày 30/3, VEC và Cửu Long CIPM đã ký hợp đồng sáp nhập. Theo đó, từ nay VEC sẽ tiếp nhận lại Cửu Long CIPM, kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, và xoá bỏ Cửu Long CIPM.
Sau khi ký hợp đồng để Cửu Long CIPM sáp nhập về VEC, các bên sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để hoàn tất thủ tục sáp nhập, hoàn thành việc sáp nhập trước ngày 30/6/2021.
Trước đó, ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch HĐTV Cửu Long CIPM đã được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc VEC từ ngày 1/2/2021, với thời hạn 5 năm.
Cửu Long CIPM được chuyển đổi mô hình từ Ban quản lý dự án thành công ty vào năm 2011, thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), với mục tiêu đầu tư, quản lý và khai thác các tuyến đường bộ cao tốc.
Tuy nhiên, cả VEC và Cửu Long CIPM đều gặp khó khăn về nguồn vốn - không đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
Với Cửu Long CIPM, việc hình thành vốn điều lệ theo mục tiêu thành lập không thực hiện được do cơ chế chính sách thay đổi, vì vậy hoạt động chính từ khi thành lập đến nay vẫn là quản lý dự án như một Ban quản lý dự án của Bộ GTVT.
Do vậy, Bộ GTVT đã thành lập Ban quản lý dự án Mỹ Thuận để tiếp nhận lại một số nhân sự, dự án và thay thế các nhiệm vụ quản lý dự án của Cửu Long CIPM. Sau khi ban quản lý trên ra đời, phần giá trị tài sản và nhân sự của Cửu Long CIPM không còn đủ điều kiện, chỉ tiêu xếp hạng một tổng công ty, nên cần chuyển giao tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Cửu Long CIPM về VEC.
Phương án sáp nhập Cửu Long CIPM về VEC đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương từ năm 2018.