Tồn tại cùng lúc 3 loại thẻ công dân: Lãng phí?

Làm thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân. Ảnh: Đại đoàn kết
Làm thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân. Ảnh: Đại đoàn kết
TPO - Sáng 9/6, thảo luận về dự thảo Luật Căn cước công dân, các đại biểu Quốc hội lo ngại sự lãng phí lớn khi cùng lúc tồn tại 3 loại thẻ công dân: Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số và Thẻ căn cước công dân.

Vô cùng tốn kém

Theo tờ trình về Dự án Luật Căn cước công dân, Chính phủ đề xuất làm thẻ Căn cước công dân với tư cách là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, thay thế Giấy Chứng minh nhân dân (CMND). 

Góp ý về nội dung này, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng, như vậy tới đây sẽ có 3 loại thẻ: CMND 9 số, CMND 12 số đang thực hiện cấp thí điểm và thẻ căn cước công dân. 

Từ thực tế đang triển khai thí điểm cấp CMND 12 số, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước sẽ vô cùng tốn kém. Chỉ đơn cử như việc thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013- 2020, thì chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó phải mua phôi CMND rất đắt. 

ĐB Nguyễn Đức Chung lo ngại, Luật Căn cước sau này sẽ có những nội dung triển khai vô cùng khó khăn. “Hà Nội làm dự án quản lý dân cư của 5 quận, thuê phía Nhật Bản viết chương trình phần mềm, nhưng làm xong không kết nối được. Một chương trình do Bulgaria viện trợ, dù đã làm xong lâu rồi nhưng đến nay mới chỉ nhập được 300 nghìn trường hợp”, ông Chung nói. 

Theo đại biểu này, nếu triển khai thì thủ tục sau này sẽ rất rườm rà, nhiều quy định còn phiền hà hơn bây giờ. “Cấp CMND 9 số, rồi thí điểm lên 12 số thôi đã rất rắc rối. Giờ lại còn có cả thẻ căn cước công dân, cùng hai loại CMND sẽ vô cùng rắc rối”, ông Chung nói và đề xuất cần nghiên cứu tác động của luật này để việc triển khai có hiệu quả nhất, không gây tốn kém cho người dân.

ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội) cho rằng, chủ trương làm thẻ căn cước công dân thay cho CMND về lâu dài là đúng và cần thiết nhưng cần có lộ trình, thời gian phù hợp. Bởi khi triển khai cấp thẻ căn cước thay cả CMND cũ và mới có thể gây chồng chéo, lãng phí lớn đã đành mà còn “chính mình lại tự làm khó mình và làm khó cho người dân”. “Mọi thứ giấy tờ như hộ chiếu, hộ khẩu, nhà đất, số tiết kiệm…đều liên quan mật thiết đến CMND. Nếu giờ thay thế sẽ kéo theo cả hệ thống phải đổi. Chúng ta đang đơn giản hóa thủ tục hành chính, vậy làm cái này có đơn giản được không?”, ông Nghị đặt câu hỏi.

Quá lãng phí

Một số đại biểu QH cũng băn khoăn về thời hạn áp dụng Luật Căn cước công dân, để đảm bảo tính chính xác, tránh tối đa các sai sót. Hiện nay, có  hàng triệu trường hợp mà thông tin gốc so với giấy CMND có sai sót. Có mặt tại phiên thảo luận tổ của đoàn TP.HCM, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết, thẻ căn cước công dân gồm 12 số, được làm kỹ thuật cao, không thể làm giả, không thể thay thế. Từ khi sinh ra đến lúc chết đi, công dân được cấp 1 thẻ 12 số đó, thay thế cho CMND và cũng là số định danh cá nhân. Hiện nay, sau khi Hà Nội thí điểm cấp CMND 12 số thì đang triển khai làm ở 5 tỉnh, thành phố khác. 

Cả ĐB Trần Du Lịch và ĐB Đỗ Văn Đương đều cho rằng thí điểm cấp CMND 12 số trong khi Quốc hội bàn Luật Căn cước công dân là lãng phí. Bởi nếu luật được thông qua thì dự kiến 1/1/2015 hoặc chậm nhất 1/1/2016 sẽ áp dụng thẻ căn cước mới thay CMND. “Lúc đó CMND  12 số có thời hạn 15 năm vừa được cấp sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước, như vậy, là quá lãng phí”, ông Trần Du Lịch phát biểu.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng đang có sự nể nang trong triển khai các quy định về thẻ công dân nên các bộ chưa có sự thống nhất một đầu mối triển khai.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị thẻ căn cước công dân cần bổ sung thông tin về nhóm máu để khi xảy ra tai nạn, cấp cứu, chỉ cần tra thông tin là biết ngay cần phải lấy máu ở ngân hàng nào. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng cần tính toán việc đưa thông tin về nhóm màu vì tính khả thi (lấy nhóm máu của 90 triệu dân không đơn giản), tính bí mật đời tư.

Đề nghị tạm dừng cấp CMND 12 số
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH vừa có báo cáo “Kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về căn cước công dân”. Trong khi Chính phủ đang trình QH dự án Luật Căn cước công dân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị trước mắt chỉ đạo tạm dừng việc cấp CMND theo công nghệ mới, trong đó có số CMND 12 số tại thành phố Hà Nội và một số địa phương để bảo đảm ổn định trong quản lý và sử dụng CNMD của công dân. Qua khảo sát tại một số địa phương, tuy được đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ việc cấp CMND theo mẫu mới, nhưng cũng còn nảy sinh những bất cập do việc thay đổi số CMND nhưng các tổ chức kinh tế - xã hội chưa được phổ biến hoặc chưa sẵn sàng chấp nhận số chứng minh mới nên việc giao dịch của công dân gặp khó khăn.  
MỚI - NÓNG
Nhân chứng kể thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng khiến 40 người tử vong
Nhân chứng kể thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng khiến 40 người tử vong
TPO - Rạng sáng 9/9, 2 vụ sạt lở liên tục xảy ra ở xóm Lũng Lỳ và Khuổi Ngọa (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) đã khiến 40 người tử vong và nhiều người mất tích. Đến sáng 15/9, cơ quan chức năng đang tiếp cận hiện trường trục vớt những chiếc xe gặp nạn, khắc phục hậu quả và tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích.