Quốc hội ngày 2/6: Quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

TP - Ngày 2/6 tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nghị trường được hâm nóng bởi ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐB) phản đối quyết liệt việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam. 

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) khẳng định, trước sự hung hăng, bạo lực của Trung Quốc ở biển Đông, chúng ta dứt khoát không hèn!

“Không chịu hèn, chịu nhục”

“Điều rất đặc biệt là các nhà lãnh đạo Trung Quốc gia tăng mức độ xâm lấn biển Đông vào lúc Quốc hội chúng ta tổ chức kỳ họp thứ 7. Có lẽ đó cũng là một sự tính toán để thử thách lòng trung kiên, bản lĩnh, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội và cả Quốc hội”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam nói.

ĐB Lê Nam bày tỏ sự đồng tình với chủ trương giải quyết, đặc biệt là sự thể hiện của Thủ tướng về vấn đề biển Đông. “Dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước mà cha ông để lại. Chúng ta dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, không bán mình và không đẩy nhân dân vào chốn hòn tên mũi đạn chiến tranh".

Quốc hội ngày 2/6: Quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ảnh 1

ĐB Lê Nam: “Chúng ta dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, không bán mình và không đẩy nhân dân vào chốn hòn tên mũi đạn chiến tranh". 

ĐB Lê Nam cho rằng trong khi vẫn còn khó khăn nhưng Chính phủ đã dự kiến dành ra 16.000 tỷ đồng để tăng cường trang thiết bị cho cảnh sát biển, kiểm ngư. Dành 10.000 tỷ đồng cho ngư dân vay với lãi suất cực kỳ ưu đãi 3%/năm. “Đó là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay, hằng ngày chúng ta đang chứng kiến khí phách của ngư dân bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Nam nói. Tuy nhiên, ĐB Nam đề nghị cùng với quyết sách mới thì công tác chỉ đạo của Chính phủ phải quyết liệt hơn. Chính phủ phải theo dõi chặt chẽ việc thực hiện chính sách dành cho ngư dân, ngăn chặn kịp thời việc ăn chặn của ngư dân.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bức xúc lên án, việc đặt giàn khoan là ý đồ xấu xa, gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của Việt Nam. Vì sự kiện này, ông Tuấn đề nghị Chính phủ cần nhận định, đánh giá tình hình sát thực hơn để ứng phó, nhằm ổn định an ninh quốc phòng, tình hình đất nước, tránh để rơi vào bị động như vừa qua.

“Khi chúng ta sống gần một người láng giềng “rộng vai nhưng hẹp bụng” như thế thì cần phải có những bước chuẩn bị thật chu đáo và thận trọng theo nguyên tắc phát huy cơ hội và phòng ngừa rủi ro, giống như chúng ta đã từng sống chung với lũ, chỉ khác là lũ đến hẹn lên xong rồi lại rút, còn người bạn láng giềng lòng dạ ẩn chứa âm mưu khó lường ấy không biết họ sẽ làm gì, khi nào làm và sẽ làm đến bao giờ”, ông Tuấn nói. 

 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội dự kiến dành 16.000 tỷ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân để đáp ứng tình hình hiện nay. “Đây là vấn đề rất lớn sẽ được Quốc hội thảo luận và quyết định trong kỳ họp này, đáp ứng tình hình thực tế đặt ra trong bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát những dự án chưa thực sự bức xúc, hạn chế hội họp, mua sắm xe công, công tác nước ngoài để tập trung nguồn lực cho quốc phòng an ninh. Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ nếu trời cho sống tôi sẽ không đi nước ngoài nữa”, ông Đương khẳng khái nói. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng 16.000 tỷ đồng dành riêng cho biển đảo là chưa đủ và đề nghị cắt phần lớn các khoản chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại...

Công Khanh

Dẫn lại lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ về việc ai đó còn mơ hồ về tình hữu nghị, về “16 chữ vàng” và “4 tốt”, ĐB Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý công tác dự báo liên quan đến các diễn biến về tình hình biển Đông chưa được tốt, cách phản ứng, đối phó với việc gây rối chưa linh hoạt.

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đề xuất chiến lược xây dựng thế trận phòng thủ biển đảo, quốc phòng toàn dân. Ngoài tăng cường cho các lực lượng chấp pháp cũng cần tiếp tục tập trung đầu tư tàu đánh cá lớn cho ngư dân. Còn ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị không thể để những khoảng trống thông tin về vấn đề chủ quyền biển đảo, bởi đây sẽ là kẽ hở khiến cho kẻ địch lợi dụng, lôi kéo, kích động người dân.

Thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế từ Trung Quốc

Bên cạnh lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền Việt Nam, nghị trường cũng sôi động với các ý kiến nhằm tăng cường nội lực kinh tế, giảm bớt sự lệ thuộc vào mối giao thương với Trung Quốc. Các ĐB cho rằng đây chính là thời điểm cần phải tính toán bài bản để từng bước giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng lệ thuộc vào kinh tế sẽ khó tránh việc lệ thuộc các vấn đề khác, vì vậy Chính phủ phải có kế sách để thoát khỏi lệ thuộc ngay từ bây giờ. ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) nhận định thời điểm khó khăn này cũng là thời cơ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tìm cách không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng cần đẩy mạnh phát triển đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp vì tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ rất thấp. ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng cần phát triển mạnh hơn nữa thị trường nội địa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển.

Trong lúc có nhiều người lo ngại về những hành động trả đũa của Trung Quốc với Việt Nam như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu, ĐB Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cho rằng Trung Quốc cũng không dễ gì làm điều đó.

“Chúng ta đang kinh doanh trong một nền kinh tế thương mại toàn cầu nơi mọi doanh nghiệp, mọi nền kinh tế đều có sự ràng buộc, liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều này đúng với cả Việt Nam và Trung Quốc”, ĐB Lộc nói.

“Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải là thị trường lớn nhất, nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ của Việt Nam”, ĐB Lộc dẫn chứng.

Ông Lộc phân tích thêm, hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất Trung Quốc. Việt Nam cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có những lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam.

“Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do là hướng đi mới bảo đảm phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc cho biết. Tuy nhiên ông Lộc lưu ý, chúng ta chưa có một nền công nghiệp chế biến phát triển, vì vậy yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế là phải đầu tư đúng mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các khu cụm công nghiệp và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm.

Nhập siêu từ Trung Quốc còn lớn

Ngày 2/6, làm rõ thêm trong mối giao thương với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong năm 2013 chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, khoảng hơn 10 tỷ đô la/133 tỷ đô la xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu (nhập khẩu năm 2013 khoảng 133 tỷ đô la, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng hơn 30 tỷ). Theo Bộ trưởng, từ nhiều năm trước đây Chính phủ chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc.

Bộ trưởng Công thương cho biết, hiện nay đang có rất nhiều thuận lợi trong hội nhập quốc tế, các đối tác lớn đều quan tâm đến Việt Nam, kể cả Liên minh châu Âu, các nước châu Á Thái Bình Dương. Chúng ta đã ký 8 hiệp định thương mại tự do, đang đàm phán để ký kết tiếp 6 hiệp định nữa. Với việc đàm phán và có thể kết thúc ký kết 6 hiệp định này thì về cơ bản những đối tác kinh tế quan trọng nhất đều có các hiệp định thương mại tự do, tạo thuận lợi thêm cho hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập được vào các thị trường.

H.Phúc

MỚI - NÓNG