Tôm, cá bị lũ cuốn sạch, người nuôi Hà Tĩnh lâm cảnh trắng tay

TPO - Nhiều hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ở Hà Tĩnh mất trắng, lâm cảnh nợ nần sau trận lũ lịch sử. Theo thống kê, mưa lũ gây thiệt hại 156 tỷ đồng về lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản.

Mưa lớn kèm theo hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) xả lũ đã khiến nhiều huyện, thị và thành phố bị cô lập. Ngoài những thiệt hại ban đầu về cây trồng vật nuôi, còn riêng về ngành lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản cũng bị thiệt hại nặng nề. 

Tại hồ nuôi thủy sản xóm Tân Qúy, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Văn Tranh cùng vợ là bà Võ Thị Hương đang gỡ những tấm lưới vớt vát ít con cá, con cua còn sót lại tại hồ sau trận lũ lịch sử vừa qua.

Tôm, cá bị lũ cuốn sạch, người nuôi Hà Tĩnh lâm cảnh trắng tay ảnh 1 Ông Tranh đang cố vớt vát số cá, tôm còn sót lại trong hồ sau lũ.

Ông Tranh cho biết, hiện tại toàn bộ 4 hồ bị mất sạch tôm, cá, cua sau lũ. Từ đầu năm nay, ông Tranh thả nuôi hơn 1.000 con cá trô và 1.000 con cua. Đến tháng 4, tiếp tục thả nuôi 13.000 con tôm tại hồ khác. Đến nay, tôm đã vào vụ thu hoạch, nhưng nay mất trắng. Chi phí đầu tư từ đầu năm đến nay hơn 250 triệu đồng, giờ xem như mất hết.

Theo ông Tranh, gia đình đã chủ động ứng phó, nhưng do mưa quá lớn, nước lũ lại lên nhanh trong đêm nên bất lực không làm được gì. “Từ đầu chiều ngày 18/10, nước đang còn mấp mé, nhưng chỉ đến tối nước bao vây toàn bộ khu vực này. Ngập cao hơn 1m, tôm, cá và cua cũng trôi theo dòng nước. Chưa năm nào vùng này bị ngập như vậy nên không thể chủ động phòng tránh được”, ông Tranh nói trong nghẹn ngào. 

Tôm, cá bị lũ cuốn sạch, người nuôi Hà Tĩnh lâm cảnh trắng tay ảnh 2 Lũ đi qua cuốn hết tôm, cá khiến hai vợ chồng ông Tranh mất trắng, lâm cảnh nợ nần.

Ngoài thiệt hại về tôm, cá và cua, máy móc trong hồ nuôi không di dời kịp ngập nước cũng đã bị hư hỏng, không sử dụng được. Theo thống kê, tại huyện Lộc Hà, trận lũ lịch sử đã nhấn chìm 400/415 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, nhiều gia đình trắng tay, lâm cảnh nợ nần khi số lượng tôm, cá còn lại trong ao nuôi chỉ còn lại 5-10%.

Tôm, cá bị lũ cuốn sạch, người nuôi Hà Tĩnh lâm cảnh trắng tay ảnh 3 Đa phần máy móc bị ngập nước hư hỏng không còn sử dụng được.

Trận lũ lịch sử vừa qua cũng khiến cánh đồng nuôi trồng thủy sản của người dân xã Thạch Long, Thạch Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị thiệt hại nặng nề. 

Anh Nguyễn Thanh Tuấn có 6 hồ nuôi tôm với diện tích 2ha tại xã Thạch Long cũng mất trắng hoàn toàn sau đợt lũ này. Theo anh Tuấn, 5 tháng trước anh đầu tư thả khoảng 30.000 con giống tôm nuôi tại 6 hồ. Đến nay vào dịp thu hoạch nhưng lũ vào đã cuốn hết.

Tôm, cá bị lũ cuốn sạch, người nuôi Hà Tĩnh lâm cảnh trắng tay ảnh 4

Khu vực hồ nuôi tôm, cá tại xã Hộ Độ.

“Mùa trước 6 hồ thu hoạch gần 18 tấn tôm, nhưng giờ thì còn gì nữa đâu. Ước tính mất trắng gần 1 tỷ đồng, toàn bộ số tiền đầu tư và công chăm sóc đều đang vay vốn từ ngân hàng. Giờ nợ chồng nợ" anh Tuấn nói. 

Anh Tuấn nói thêm, khi trời mưa lớn, dự báo lũ lớn, anh cùng công nhân đã ra hồ để canh lũ. Nhưng lũ lên quá nhanh, quá hồ hơn 1m, nên anh em đều bất lực không cứu được.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, mặc dù đã có các chỉ đạo, hướng dẫn để người nuôi trồng thủy sản chuẩn bị ứng phó với mưa lũ nhưng do tình hình mưa lũ bất thường và phức tạp nên người nuôi bị thiệt hại nặng nề.

Tôm, cá bị lũ cuốn sạch, người nuôi Hà Tĩnh lâm cảnh trắng tay ảnh 5 Khu vực hồ nuôi tôm tại xã Thạch Long (huyện Thạch Hà).

“Theo thống kê riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản ước tính toàn tỉnh thiệt hại 156 tỷ đồng”, ông Hoàng nói.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, mưa lũ đã khiến 3.000 ha nuôi trồng thủy sản và hơn 1.000m3 nuôi lồng bè bị ảnh hưởng. Sản lượng ước tính thiệt hại hơn 2.500 tấn, trong đó, sản lượng nuôi ngọt hơn 1.500 tấn; sản lượng nuôi mặn lợ hơn 1.000 tấn.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.