Tôi ở nhà

Tôi ở nhà
TP - Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội, từ giới trẻ, giới văn nghệ sĩ, người đẹp tới cả công chức, người dân bình thường đều đồng loạt theo “trend” (khuynh hướng) tự xướng tên và gieo vần thông điệp: “Tôi ở nhà”. 

Dù cách “xuất khẩu” thành thơ, ví von có khác nhau nhưng đều khá hài hước, vui vẻ (kiểu như: Tôi là Trang/ tôi rất ngoan/ không lang thang; Tôi là Tự Long/ tôi ở nhà cho nước nó trong; Tôi là Phương/ Tôi không ra đường…). 

Và thông điệp mọi người cùng hướng tới, đó là: Trong hoàn cảnh dịch COVID -19 lây lan thế này, “Tôi ở nhà” mới là yêu nước!

Sáng 28/3/2020, ngày đầu tiên các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh áp dụng theo chỉ thị của Thủ tướng, người dân hạn chế đi lại, không tụ tập đông nơi công cộng, hàng quán đều đóng cửa, diện mạo thành phố dường như thay đổi hẳn. Người Hà Nội, Sài Gòn đều hết thảy lạ lẫm vì thành phố im ắng như thời chiến, khi tất cả cánh cửa đều im ỉm đóng, những con phố vốn dĩ ồn ào nay vắng lặng. Thậm chí khi trời tối, chỉ còn ánh đèn đường vàng vọt hắt bóng, hàng quán, tiệm ăn, quán cà phê đông đúc cũng lặng như tờ…

Dẫu vậy, đâu đó vẫn còn cá nhân vi phạm quy định. Ví như ở công viên, vẫn vô số người đi tập thể dục cố tình không đeo khẩu trang đã bị dân phòng đưa về phường xử phạt; một số quán các ông chủ vẫn cố tình bán chui để hơn 10 người tụ tập và bị người dân tố giác. Tệ hơn, một bệnh nhân nữ tại Thái Nguyên nay đã phát hiện dương tính  với virus SARS CoV2 và lây nhiễm từ khi còn ở Bệnh viện Bạch Mai, cố tình trốn khai báo, làm “lây lan” dịch bệnh.

 3 ngày nay, tôi cũng như nhiều viên chức khác làm việc ở nhà và thực hiện khai báo y tế đầy đủ. Không ra đường, tôi nhớ lắm mùi của sự sống nhộn nhịp, nhớ từng hàng cây, con đường Phan Đình Phùng ngày nào cũng chạy xe ngang qua (đang mùa thay lá đẹp đến nao lòng); nhớ âm thanh náo nhiệt, tiếng còi xe ở Bờ Hồ, phố cổ Hàng Lược, Lương Văn Can, Bà Triệu ở đó có tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng nói cười của khách du lịch xen lẫn mùi cà phê thơm nức mới pha trong quán nhỏ thoảng qua. 

“Tôi ở nhà” nhưng không cô đơn. Sáng sớm thức dậy, tôi nghe tiếng trẻ con trong nhà í ới giục nhau nhanh vào phòng chat (trò chuyện) lớp học online. Hơn 8h sáng, tôi lại hối hả kết nối với các bạn, đồng nghiệp trong nhóm chat của cơ quan, đối tác và bắt đầu công việc thường nhật liền tù tì...  Sang chiều, nhịp làm việc quay trở lại, không đến công sở, nhưng tôi vẫn liên tục giữ liên lạc với mọi người. Tôi có cảm giác mình đang trong một không gian làm việc “đa chiều” còn thật hơn cả thực bởi vẫn gặp gỡ, tranh luận, bàn thảo. Và tất cả  đều hướng đến mục tiêu phải làm sao để công việc chạy thật nhanh, thậm chí phải tốt hơn thường nhật.

Dịch COVID -19 đến, mỗi người dân nước Việt được ví là một người lính trong trận chiến chống dịch với kẻ thù khó lường “virus corona”. Với những chiến sĩ nơi tuyến đầu như các y bác sĩ ở Bạch Mai và các tuyến bệnh viện khác, hay  lực lượng quân đội, dân phòng, giới chức có trách nhiệm của thành phố, Chính phủ, họ phải vào trận chiến trực tiếp và đang ngày đêm lăn lộn vì cả sự sống của người bệnh lẫn trách nhiệm hạn chế tối đa dịch lây lan trong cộng đồng. Còn với những người dân, cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt, đó mới là nhiệm vụ, là yêu nước!

MỚI - NÓNG