Khi Thủ tướng mời gọi

TP - “Doanh nghiệp Australia hãy nhanh chân vào Việt Nam”.Đó là lời mời gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tại Australia ngày 16/3 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đất nước này.

Lời mời gọi này lập tức thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp hàng đầu đang có mặt. Có nhà đầu tư đặt câu hỏi về tiến trình và cách thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Có doanh nghiệp ngỏ ý quan tâm về những lĩnh vực mới trong đầu tư mà Việt Nam có thể mở ra.

Việt Nam cùng Australia vừa trở thành hai trong số 11 thành viên của CPTPP - 11. CPTPP cũng đang mở ra những cơ hội trong hợp tác làm ăn. Thu hút vốn ngoại đang là mục tiêu số 1 của Việt Nam và những quốc gia đang trong giai đoạn muốn tăng tốc phát triển. Muốn xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, muốn phát triển y tế, giáo dục - cần có vốn;  Muốn mở rộng sản xuất, muốn tạo việc làm, muốn có thêm nhiều doanh nghiệp - cũng cần có vốn. Và muốn bán vốn doanh nghiệp tại lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ... tất yếu càng cần vốn và có nhà đầu tư. 

Năm 2017 là năm thành công rực rỡ của mời gọi đầu tư vốn ngoại vào Việt Nam. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, theo đó tổng số vốn thực hiện cả năm ước đạt 17,5 tỷ USD. Trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 57,66 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản với 49,46 tỷ USD, các vị trí lần lượt sau đó là Singapore và Đài Loan (Trung Quốc)... Năm 2017 cũng ghi dấu ấn với ào ạt các thương vụ thoái vốn Nhà nước thành công như Vinamilk, Sabeco thu về cho nhà nước cả khoản chênh tới hàng chục ngàn  tỷ đồng so với dự tính.

Dẫn lời kêu gọi nhiệt thành của Thủ tướng, mừng bởi đi kèm những con số kể trên đã cho thấy một minh chứng: môi trường đầu tư Việt Nam đã được thay đổi, làm mới và cải thiện nhanh chóng. Theo Thủ tướng, năm qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh, nhiều tập đoàn lớn nhất thế giới đã chọn Việt Nam là điểm đến mới trong chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Bên cạnh đó Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ khởi nghiệp sáng tạo; hành động phục vụ doanh nghiệp và tái cơ cấu nền kinh tế ở mọi cấp ngành tiếp tục được thực thi mạnh mẽ; tạo ưu đãi ưu tiên về chính sách thuế đầu tư vào nông nghiệp...

70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam - Thông tin này được đại diện tổ chức xúc tiến thương mại JETRO (Nhật bản) mới đây công bố. Tuy là tin đáng mừng nhưng cũng cần lưu ý khi đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản cho thấy, môi trường đầu tư của Việt Nam chưa đạt chuẩn như tại Nhật Bản hay một số quốc gia nhận đầu tư khác nên tỷ lệ rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam thường bị đẩy lên. Có một số rủi ro trong môi trường đầu tư mà các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam phải đối mặt. Đó là tốc độ tăng chi phí nhân công đang tăng cao, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và vận dụng pháp luật không rõ ràng; cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính phức tạp và cơ chế, thủ tục thuế phức tạp...

Rõ ràng thu hút vốn ngoại của chúng ta dù đang thành công nhưng vẫn đầy thách thức. Thủ tướng đã nhiệt thành mời gọi;  đã cam kết. Phần việc của các bộ ngành, địa phương, đó là phải dốc sức phải đồng lòng thực sự cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.