Tôi chỉ hứa một điều - cố hết sức mình

Tôi chỉ hứa một điều - cố hết sức mình
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu vừa tái cử Quốc hội khóa XIII, cho rằng, cứ làm hết sức mình khắc sẽ đạt được điều mình muốn và dân muốn.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

Tôi chỉ hứa một điều - cố hết sức mình

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc .

Trở lại Đồng Nai ứng cử đại biểu Quốc hội (QH), ông đã nói gì với cử tri để người dân tiếp tục tín nhiệm bầu cho mình?

Cũng như 2 lần trước, tôi nói rõ rằng mình sẽ không hứa một điều gì quá cụ thể vì trải qua hoạt động trong QH tôi hiểu, không dễ biến thành hiện thực ngay cả những điều tốt đẹp nhất, hợp lý nhất. Nhưng tôi có hứa một điều là “sẽ cố gắng hết sức mình”, bà con thấy tôi đã “hết sức mình” thì bầu còn thấy tôi “chưa hết sức mình” thì bà con cân nhắc lựa chọn vì lần này nhiều người trẻ ra ứng cử, có rất nhiều tiềm năng. Tôi nghĩ đấy là điều bày tỏ chân thành của mình.

Tuy nhiên với nhiệm kỳ này tôi có nêu với bà con cử tri 2 huyện Tân Phú và Định Quán (địa bàn nằm dọc Quốc lộ 20 từ Biên Hòa đi Lâm Đồng-Tây Nguyên), một vấn đề mà tôi quan tâm hàng đầu là giám sát chặt chẽ con đường 20, con đường huyết mạch từ Sài Gòn- Miền Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên.

Từ lâu, đường này đã quá tải, ô nhiễm nặng và tai nạn giao thông nhiều. Đã có nhiều dự án mà đến nay chưa triển khai. Sắp tới dự án khai thác bô- xit ở Tây Nguyên đi vào hoạt động mà vẫn chưa thấy có phương án nào khác ngoài vận chuyển bằng đường 20 thì vấn đề càng lớn. Tại các nhiệm kỳ trước, tôi đã chất vấn và được trả lời là “sẽ”, nên hứa với dân sẽ làm tiếp việc này.

QH khóa XII được đánh giá là hoạt động dân chủ, đổi mới, vậy theo ông làm sao để QH khóa XIII giữ được “phong độ” ấy?

Cơ chế chưa mấy thay đổi. Quá trình dân chủ hóa là không thể đảo ngược. Còn con người thì có 1/3 đại biểu khóa XII tái cử được coi là những người có trải nghiệm, kỹ năng. 2/3 mới mẻ nhưng cũng có thể chứa chất bên trong những tiềm năng; lực lượng chuyên trách có thể đông hơn...

Vấn đề còn lại là ý thức của mỗi đại biểu và quan trọng hơn hết ở nước ta, thời điểm này lại là cơ quan lãnh đạo nhận thức rằng dân chủ là một lợi khí cho sự phát triển của dân tộc. Nói cách khác là nghệ thuật lãnh đạo của Đảng.

Một QH có đến hơn 90% đại biểu là đảng viên, có mặt đầy đủ những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng... thì cũng có thể nói Đảng đã “hóa thân” vào QH. Chắc chắn ý chí của Đảng sẽ là nhân tố quyết định hàng đầu. Phong độ hay không trước hết phải nhìn nhận vào đội ngũ đông đảo và quyền lực ấy!

Theo ông để QH tiếp tục đổi mới, phẩm chất quan trọng nhất ở người đại biểu là gì? Phải chăng là bản lĩnh, không ngại va chạm?

Khi nào cử tri có thể giám sát và “chi phối” được người mình bầu ra thì khi đó mới có cái tiêu chí về “phẩm chất” mà người đại biểu QH phải có. Trong hoàn cảnh hiện nay, chủ yếu vẫn do cảm tính hay cảm tình của người dân đánh giá.Và có lẽ chủ yếu qua phương tiện truyền thông. Mà phương tiện truyền thông của chúng ta tuy đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng phản ánh thế nào cho đủ được.

Ví như việc bỏ phiếu trong khuôn khổ biểu quyết công khai bằng “bấm nút” thì người dân chẳng thể nào biết cái chính kiến của người mình bầu ra. Cử tri chỉ biết đến “quyết nghị tập thể” mà thôi.

Tuy nhiên, cái mà anh gọi là bản lĩnh hay không ngại va chạm nói cho cùng cũng để “nói được tiếng nói cử tri”. Nhưng thế nào là “tiếng nói cử tri” lại trở thành vấn đề không đơn giản.

Vẫn biết là như vậy, nhưng rõ ràng hoạt động nghị trường rất cần bản lĩnh, kinh nghiệm của người đại biểu. Ông muốn nói gì với những đại biểu lần đầu tham gia QH?

Tôi không dám có lời khuyên mà chỉ có lời cổ vũ là: Mọi cái “mới” đều chứa đựng những yếu tố vượt lên trên cái cũ. Dân đã tín nhiệm thì cứ làm hết sức mình khắc sẽ đạt được điều mình muốn và dân muốn.

Để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu QH, chúng ta cần cải tiến hoạt động của QH như thế nào? Ông có tiếp tục kiến nghị công bố công khai danh tính người bấm nút biểu quyết trong QH?

Việc công khai quan điểm người biểu quyết chỉ là một vấn đề vừa mang tính kỹ thuật vừa xuất phát từ quan điểm của các nhà lãnh đạo về quyền đại diện của dân mà thôi.

Quan trọng nhất cần mang tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không hoàn toàn đồng nhất với chuyên trách mặc dù chuyên trách thì có điều kiện nâng cao tính chuyên nghiệp hơn. Phải dân chủ để bầu được người “dân thích”.

Khi đó, người đại biểu cũng có đủ điều kiện để thực thi tốt nhất quyền hạn của mình. Cần tháo dỡ các cơ chế quan liêu, công chức hóa người đại biểu QH. Tuổi tác chẳng hạn, các đại biểu chuyên trách giỏi, có uy tín thì lại đến tuổi về hưu... Thật lãng phí.

Xin cảm ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG