Tình yêu có mẫu số chung

Nhà văn Hồ Anh Thái đọc sách trước công chúng. Ảnh: Trịnh Hải Phương
Nhà văn Hồ Anh Thái đọc sách trước công chúng. Ảnh: Trịnh Hải Phương
TP - Hội chợ sách quốc tế 2016 Kolkata khai mạc bằng bốn mươi tiếng cồng, kỷ niệm bốn mươi năm hội chợ, bắt đầu từ 1976. Nữ tác giả người Bolivia, Magela Baudoin, đánh ba tiếng cồng đầu tiên. Bà thủ hiến bang Tây Bengal của Ấn Độ đánh thêm ba mươi bảy tiếng nữa cho tròn bốn mươi trong tiếng reo hò của công chúng.

Khoan dung và tội ác

Kolkata là hội chợ sách lớn nhất châu Á và thuộc số ba hội chợ sách lớn nhất thế giới. Ở phiên chợ lần thứ bốn mươi này, trong khu hội chợ có 600 quầy sách, 200 quầy báo. Các nước tham gia gồm: Bolivia, Việt Nam, Peru, Mexico, Costa Rica, Mỹ, Anh, Pháp, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc… Năm nay Bolivia là nước chủ đề của hội chợ, Việt Nam là khách mời danh dự.

Bà Mamata Banerjee, thủ hiến bang Tây Bengal, đến hội chợ không chỉ với tư cách người đứng đầu bang mà còn là một tác giả. Ngay trong lễ khai mạc, bà cho ra mắt mười cuốn sách mới, một kỷ lục trong lịch sử hội chợ này. Sách của bà phần lớn bằng tiếng Bengali, một cuốn viết bằng tiếng Anh: Lời trích dẫn đơn giản - bản dịch Kathanjali và một cuốn bằng tiếng Urdu. Trùng hợp, một cuốn sách của bà tên là Khoan dung (Tolerance), và trong hội chợ cũng có một cuộc hội thảo về tính thiếu khoan dung của thời đại ta đang sống mang tiêu đề: Sự thiếu khoan dung ở đất nước Ấn Độ khoan dung. Hội thảo do nhà thơ Ashok Vajpeyi chủ trì. Ông là một trong những nhà văn đầu tiên trả lại giải thưởng của Viện Hàn lâm văn học Ấn Độ để phản đối tinh thần không khoan dung đang tăng lên trên khắp đất nước.

Cũng như năm trước, hội chợ năm nay có một hội thảo về các tác giả trẻ. Một số nhà văn đang nổi như Durjoy Dutta, Preeti Shenoy, Novoneel Chakraborty, Sumrit Sahi ngồi trao đổi về việc thế giới đã thay đổi thế nào trong một thập kỷ qua và sự chuyển giao đã được phản ảnh trong tác phẩm của các tác giả trẻ ra sao.

Hội đồng Anh thu xếp để đưa được Giles Abott, nhà văn Anh nổi tiếng, đi hội chợ, rồi ngày 27/1 hội đồng tổ chức trao đổi về truyện trinh thám. Nhà văn Anh Dom Hastings tham gia trao đổi với các nhà văn trẻ viết loại truyện này. Một câu hỏi đặt ra: Liệu truyện trinh thám có làm tăng cái ác trong thế giới hôm nay? Câu trả lời của Hastings: chắc chắn là không. Trinh thám còn giúp cho người đọc tư duy sắc sảo hơn và phân tích được những biểu hiện tội ác. Ông còn chỉ ra rằng sự có mặt thảo luận của nhà văn nữ người Ấn Maitreyee Bhaduri, mới viết cuốn truyện trinh thám đầu tiên Sự im lặng tàn ác (Sinister Silence), chứng tỏ phụ nữ trên thế giới đang có xu hướng tham gia viết truyện trinh thám.

Không tin vào thuyết hủy diệt

Trong khu hội chợ được thiết kế theo kiểu những đường phố, có Con đường Di sản. Hàng đoàn học sinh, sinh viên lũ lượt đổ tới đây để gặp các nhà văn nổi tiếng, đồng thời nghe giới thiệu về lịch sử văn học, lịch sử ngành xuất bản và in ấn, cùng lịch sử của chính hội chợ Kolkata.

Năm 1974, khi Hội Xuất bản và thương gia sách Ấn Độ đưa ra ý tưởng mở hội chợ sách, ngay lập tức nhiều nhà xuất bản phản ứng dữ dội. Họ cho rằng những nơi như hội chợ chỉ là để buôn bán hàng hóa, và rằng, sách không thể bị đem ra bán tại hội chợ và bị đối xử như hàng tiêu dùng.

Tình yêu có mẫu số chung ảnh 1

Gian sách Việt Nam.

Hội chợ Kolkata từng mời được những nhà văn danh tiếng như Gunter Grass (Cái trống thiếc) và Jacques Derrida. Năm 1997, Jacques Derrida khai mạc hội chợ. Ông là người nổi tiếng thế giới với lý thuyết hủy diệt (có người dịch là giải - cấu trúc, hủy - kiến tạo…) Ngay sau đó, trận hỏa hoạn bắt đầu từ một quán cà phê đã thiêu hủy mấy nghìn cuốn sách ở một góc hội chợ. Chỉ trong ba ngày, hội chợ đã được phục dựng. Nhà thơ Ấn Độ nổi tiếng Annadashakar Ray đùa rằng, bởi vì chúng ta không tin vào thuyết hủy diệt, cho nên đã có thể xây dựng lại hội chợ này.

Năm 2012, sau khi kết thúc cuộc giao lưu của cầu thủ cricket kiêm chính trị gia Pakistan, Imran Khan, thời gian để tiếp xúc chớp nhoáng với báo chí được ấn định chỉ có năm phút, nhưng đã kéo dài đến bốn mươi lăm phút khiến cho chương trình tiếp theo không sao bắt đầu được (các chương trình giao lưu nối tiếp nhau chỉ có một khoảng nghỉ mười phút). Ban tổ chức đã xử lý bằng cách ngắt điện, để sau đó phải chịu một trận chỉ trích ồn ào.

Năm nay các đường phố trong hội chợ được chia thành năm màu, được đưa lên trang mạng hội chợ, giúp cho mọi người có thể dễ nhận ra những quầy sách mình quan tâm. Toàn bộ thông tin về những quầy sách, những quầy trưng bày tranh, những cuộc hội thảo giao lưu đều được cập nhật liên tục trên trang mạng. Người đi hội chợ có thể viết blog và gửi lên mạng để chia sẻ tại chỗ.

Tình yêu có mẫu số chung

Năm 2016 Việt Nam là khách mời danh dự tại hội chợ. Điều ấy có nghĩa là đoàn Việt Nam được ban tổ chức đài thọ cho chuyến đi sang Kolkata, có thêm sự giúp đỡ của đại sứ quán ta tại Ấn Độ, của Cục Xuất bản cho mấy ngày đoàn đến sớm chuẩn bị. Cũng có nghĩa là Việt Nam năm nay không chỉ mang sách sang, mà khách mời danh dự còn có thể khuấy động tưng bừng hội chợ bằng một đoàn ca múa nhạc và tranh của sáu họa sĩ.

Phần đầu cuộc giao lưu dành để tưởng niệm nhà văn quá cố Saadat Hasan Manto, người Pakistan (vốn thuộc Ấn Độ trước khi chia cắt năm 1947). Những đoạn trích trong tiểu thuyết Trái đắng (Bitter Fruit) của ông được ba người trích đọc: một đạo diễn điện ảnh, một nam diễn viên sân khấu, một nữ nghệ sĩ kiêm giảng viên. Saadat Hasan Manto (1912-1955) được coi là nhà văn hàng đầu trong lịch sử văn học Nam Á. Sinh thời ông bị khởi tố sáu lần về tội thô tục báng bổ. Ba lần trước khi Ấn Độ độc lập năm 1947 và ba lần sau khi độc lập. Ông từng tuyên bố: “Nếu các vị thấy truyện của tôi bẩn thỉu, vậy thì cái xã hội các vị đang sống là bẩn thỉu. Trong tác phẩm của mình, tôi chỉ phơi lộ sự thật mà thôi”.

Áp phích tại hội chợ trích dẫn một số nhận định của báo chí như Thời báo New York, Thời báo Los Angeles, Tuần báo Nhà xuất bản, Kirkus Reviews… và ý kiến của các nhà văn như Maxine Hong Kingston, W. D. Erhart về tác giả Hồ Anh Thái: “Chất châm biếm, siêu thực và ngụ ngôn tràn đầy trong cuốn tuyển tập của một trong những nhà văn Việt Nam đương đại xuất sắc nhất Thời báo New York”. “Những yếu tố cốt truyện siêu thực thấm đẫm trong tuyển tập, giọng điệu chuyển từ giễu cợt sang xúc động thấm thía, từ hóm hỉnh lạ lùng sang bi thương – Tuần báo Nhà xuất bản”.

Tình yêu có mẫu số chung ảnh 2

Một quầy sách trong hội chợ.

Giao lưu với bạn đọc, tôi (Hồ Anh Thái) đọc vài đoạn trích trong tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra (Behind the Red Mist) và Cõi người rung chuông tận thế (Apocalypse Hotel). Các cuộc tiếp xúc nhà văn với độc giả ở Âu - Mỹ thường không thể thiếu phần đọc sách trước công chúng (reading). Ở Ấn Độ cũng không khác, độc giả muốn nghe giọng đọc của nhà văn thể hiện một đoạn trong tác phẩm của mình. Sang phần giao lưu, một số câu hỏi được đặt ra, trong đó có câu hỏi của giới báo chí. Chẳng hạn:

Hỏi: Văn chương Việt Nam dựa nhiều vào hiện thực hay trí tưởng tượng?

Trả lời: Văn chương một khi đã gọi là hư cấu thì nó vừa dựa trên hiện thực, vừa là sản phẩm của trí tưởng tượng. Ta sẽ khó mà tìm thấy một con người ở ngoài đời giống hệt nhân vật trong văn chương, bởi vì nhân vật văn chương là tổng hợp của nhiều con người trong cuộc sống.

Hỏi: Nhà văn nhìn chung thường viết nhiều về tình yêu. Vậy tình yêu ở Việt Nam có khác gì so với tình yêu ở Ấn Độ, và ở xứ Bengal này của chúng tôi?

Trả lời: Tình yêu xưa nay vẫn như thế, không phân biệt thời đại, dù là cổ đại hay hiện đại, dù là nơi này hay nơi khác. Một khi ta đang yêu, thì trong tình yêu ấy đã bao hàm cái chung, trong tình yêu người ta đã gặp mẫu số chung của nhân loại.

Hơn mười ngày hội chợ, từ cuối tháng 1 đến tuần đầu tháng 2/2016, trong hội chợ lúc nào cũng có vài chục cuộc tiếp xúc giữa nhà văn với công chúng. Cứ thế mà hỏi và trả lời. Cũng có khi không hỏi không đáp mà chỉ đến bắt tay nhau, thế là một sự kết nối được thực hiện bắt đầu từ tình yêu sách và tình yêu văn chương.

Trong khu hội chợ được thiết kế theo kiểu những đường phố, có Con đường Di sản. Hàng đoàn học sinh, sinh viên lũ lượt đổ tới đây để gặp các nhà văn nổi tiếng, đồng thời nghe giới thiệu về lịch sử văn học, lịch sử ngành xuất bản và in ấn, cùng lịch sử của chính hội chợ Kolkata.
MỚI - NÓNG