Quay đi mà không áy náy

TP - Thành phố Karaj ở ngoại vi thủ đô Tehran, khoảng cách dăm chục cây số, cũng như Hà Nội đi Sơn Tây, Bắc Giang, Phủ Lý… Karaj bây giờ là thành phố công nghiệp, là nơi trú ngụ của công nhân ở những vùng xung quanh tụ về. 

Nhưng Karaj từng là một thành phố cổ bên cạnh đô thị Tehran, từng là nơi nghỉ ngơi thư giãn cuối tuần. Nói thế để dẫn đến chi tiết: ở đây có Movarid Palace (Lâu đài Ngọc) của công chúa Sam, chị gái của vị vua Pahlavi cuối cùng, trước khi cách mạng Hồi giáo thành công vào năm 1979. Chúng tôi đến trước cổng, hỏi thăm mới biết lâu đài đóng cửa ba năm nay rồi, không đón khách vào tham quan. Anh chàng nhân viên trông coi bảo chờ, rồi phóng xe máy qua khoảng vườn um tùm cây cối, vào trong lấy ra cho mấy tờ giới thiệu song ngữ Farsi - Anh. 

Tôi thò máy ảnh qua hàng rào sắt tìm cách chụp cái khuôn viên bên trong. Đã đến đây rồi, chẳng nhẽ lại về không. Anh chàng kia động lòng trắc ẩn, bèn bảo thôi thì anh sẽ chở từng người chúng tôi vào trong, đi một vòng quanh khuôn viên cho biết. Quả là một đặc ân. Thế là lần lượt chúng tôi được anh dùng xe máy chở đi vòng quanh khu lâu đài. Vừa đi vừa giới thiệu, bập bõm tiếng Farsi và tiếng Anh. Lâu đài xây từ 1966 đến 1968, do công ty Mỹ Loyd Frank Right thực hiện. 

Gọi là lâu đài ngọc vì hai mái vòm hình ngọc trai và một mái khác hình con sò. Mặt tiền và các phòng ốc đều lấy cảm hứng từ những sinh vật biển như sò ốc sứa… Anh chàng hướng dẫn thật tận tình. Nhiều chuyến thăm viếng làm ta nhớ mãi, có khi không chỉ vì phong cảnh đẹp mà bởi vì người tốt ta gặp. Bởi vì lòng tốt ta gặp. Bây giờ cũng thế. Chẳng biết đền đáp thế nào. Khi chia tay, một người bạn đưa cho anh hướng dẫn năm đô la, nói là để anh uống cà phê. Anh chàng nhất định không nhận. Phải nằn nì mãi. Người ta nhận cho, mình ra đi cũng thấy phấn khởi.
Quay đi mà không áy náy ảnh 1 Minh họa: Kim Duẩn
Ở Qazvin, cũng là một thành phố cổ, nơi lưu học sinh nước ngoài được gửi đến để học ngôn ngữ, trước khi được phân về trường đại học ở thủ đô hoặc sang các thành phố khác. Chiều tối, chúng tôi ghé vào một tiệm hút shisha, chữ tiếng Anh gọi là hookah, một thứ thuốc hút kiểu điếu bát, nhưng ống hút dài và mềm. Tiệm hút chứ không phải quán trà. Chúng tôi vào vì không tìm được quán trà nào khác. Chủ quán bê ra mấy cốc trà đen và đường viên. Người Iran uống trà theo kiểu nhón một viên đường bỏ vào miệng rồi mới chiêu một ngụm trà. Uống cách này, dư vị ở miệng sẽ không bị chua như khi uống trà pha đường.

Chúng tôi cũng thưởng thức trà theo kiểu địa phương. Nhưng đến khi trả tiền thì chủ quán dứt khoát không nhận. Thôi, chẳng bao nhiêu. Đám thanh niên đang ngồi hút cũng bảo thôi thôi. Trước đó, vào gửi xe trong garage công cộng, hai cậu trông xe thấy mình người nước ngoài cũng không lấy tiền. Áy náy. Biếu lại được mấy quả cam vừa mua thì ra đi lòng mới thấy thoải mái.

Thôi thì không nói chuyện Tây mà chuyển sang chuyện ta. Nhóm bạn bè đi xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội trên chiếc xe cổ con bọ (Beetle). Dừng ở một quán bên đường vùng Tuy Hòa, ăn sáng. Gọi ba tô hủ tiếu và ba cà phê. Bữa sáng được bê ra thì có người muốn chuyển sang ăn bánh mì và trứng tráng. Gọi thêm một suất. Hỏi chuyện, chị chủ quán kể quán bên đường thế này bán suốt đêm. Có khi ba giờ sáng có xe dừng gọi đồ ăn, thế là cả nhà lục tục dậy nấu nướng. Lúc thanh toán, chủ quán chỉ tính tiền ba tô hủ tiếu, chị nói giọng địa phương là “be to”. Ba tô thôi. Chữ a phát âm thành e. Ra Đà Nẵng thành “re đè nẽng”. Lạ. Không lấy tiền ba cốc cà phê tan và một suất bánh mì trứng. Chỉ có ba tô. Những thứ kia chắc coi là đồ phụ trội không tính. Cái chuyện bé to làm chúng tôi tấm tắc mãi trên đường ra.

Và cũng áy náy. Ai lại như thế bao giờ.

Lại muốn kể một chuyện khác, vừa ta vừa Tây. Anh bạn họa sĩ Đan Mạch sang giúp trao đổi kinh nghiệm làm truyện tranh với họa sĩ Việt Nam. Hôm ấy anh một mình đi khám phá phố phường Hà Nội. Một mình lớ ngớ, anh lên một cái tắc xi, đi từ hồ Gươm về hồ Thiền Quang, khoảng hai cây số. Xuống xe, lái xe bắt trả 500.000 đồng. Giá cả thật thà chỉ là 40.000 đồng mà thôi. 

Biết chuyện, đám bạn bè chúng tôi ai cũng ngượng. Hầu như bạn bè nước ngoài đến xứ ta, đi đâu cũng bị lừa. Không ở cửa hàng cửa hiệu thì ở quán ăn, không trên tắc xi thì ở các điểm du lịch. Nhiều lúc chạnh nghĩ, có khi họ chỉ gặp được mỗi một mình mình là không bị lừa mà thôi. Mỗi một mình mình sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng chỉ một người không thể xua nổi ấn tượng là muôn người trong cả xứ đều sẵn sàng lừa Tây.

 Không chỉ lừa Tây, sẵn sàng lừa người ở quê ra, ở vùng khác lớ ngớ đến. Hai cô bạn giọng miền Nam ngồi ăn bún ở Bến Bính Hải Phòng trước khi lên tàu ra Cát Bà. Khi đứng lên, bà bán bún hét mỗi bát năm chục nghìn. Giá thật thà hồi ấy chỉ là bằng một phần ba. Ăn trước trả sau. Sai lầm là không hỏi giá trước khi ăn. Cũng thế là một người bán bánh rán ở cổng chợ Sa Pa. Hét giá láo, rồi khi bị căn vặn thì ngang nhiên giải thích: Giá cho người du lịch.

Đời sống đã đến mức chúng ta dễ xử trí với cái xấu hơn là phản ứng trước lòng tốt. Gặp cái xấu, có thể phản ứng bằng lời nói, có khi bằng hành động, giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha. Xong rồi đi, không vương vấn. Ăn miếng trả miếng. Hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Báo công an báo bảo vệ. Xắn tay áo lên giúp giải quyết với kẻ xấu tại chỗ. Xong rồi đi.

Nhưng gặp người tốt thì thật là khó. Muốn đưa tiền bày tỏ lòng biết ơn có khi lại sợ làm tổn thương người ta. Mà đền đáp thì không biết cách nào. Người chỉ gặp một lần sẽ làm ta áy náy mãi. Người quen thì khiến ta phải băn khoăn nghĩ cách lúc nào đó đáp lại. Câu an ủi đáp đền tiếp nối không phải lúc nào cũng làm nguôi đi được. Anh giúp tôi, tôi giúp người khác, người khác giúp thiên hạ. Cứ thế mà đáp đền tiếp nối.

Thế mới hiểu cái tâm trạng gặp được người tốt trên đường, chia tay rồi, sẽ không bao giờ gặp lại, cứ vậy mà làm ta vương vấn mãi. Áy náy mãi. Người tốt điều tốt khiến ta nhiều khi không biết xử sự thế nào cho phải. 

Một nhà văn nữ được mời thăm hợp chúng quốc. Khi về, chị viết truyện ngắn giống như tự truyện. Truyện rằng: ở sân bay, chị ngả cái va li kéo tay xuống sàn, định tìm một thứ gì đó. Khóa hóc. Loay hoay mãi không mở được. Một anh chàng mắt xanh tóc vàng thấy thế bèn đến giúp. Một lúc sau thì mở được. Chị nhìn thấy trong mắt anh chàng ấy “một tình yêu không nói nên lời”… 

Trời ơi. Người đọc rên lên. Người Âu - Mỹ vẫn có thể giúp người gặp tình cờ như vậy mà không phải vì tình yêu. Không phải vì yêu từ cái nhìn đầu tiên, cũng không phải yêu từ cái nhìn thứ hai. Thấy nàng gặp khó thì giúp để mà sau đó quay đi được thấy lòng mình yên ổn. Không phải vì thích nàng.

Từ đó mới thấy hình như trong đời sống xứ mình, nàng ít gặp được người tốt. Ít gặp được người sẵn lòng giúp đỡ. Mà gặp nhiều hơn những người thờ ơ, bàng quan, thậm chí là vụ lợi. Đến mức một cử chỉ tốt thoáng qua cũng khiến nàng nghĩ là nó có chủ đích. Anh ta mê mình. Ảo tưởng và hoang tưởng hình thành từ đấy.

Có thể nghe thế mà thở dài, biết đến bao giờ ta luôn cảm thấy dễ xử khi gặp người tốt. Gặp người tốt xong rồi, ta có thể quay đi bình thản. Và không ảo tưởng về nhan sắc của mình.

Người Âu - Mỹ vẫn có thể giúp người gặp tình cờ như vậy mà không phải vì tình yêu. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.