Tinh giản kiến thức lớp 1-2

0:00 / 0:00
0:00
Sau tuần đầu tiên triển khai dạy học trực tuyến, truyền hình, Bộ GD&ÐT thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn
Sau tuần đầu tiên triển khai dạy học trực tuyến, truyền hình, Bộ GD&ÐT thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn
TP - Trước thực tế 26 địa phương dạy học qua trực tuyến, truyền hình, Bộ GD&ÐT liên tiếp có công điện, hướng dẫn thực hiện giáo dục tiểu học năm học 2021-2022, trong đó tinh giản nội dung, kiến thức đối với lớp 1, lớp 2.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mới đây khẳng định, việc chuyển sang trạng thái học trực tuyến là không thể tránh khỏi. Cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông, trong đó có khoảng 7,3 triệu em thuộc 26 tỉnh, thành phố đang học trực tuyến.

Tuy nhiên, hơn 1,5 triệu học sinh không thể tham gia lớp học do thiếu thiết bị. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp khó khăn về thiết bị, sóng và đường truyền.

Sau tuần đầu tiên triển khai dạy học trực tuyến, truyền hình, Bộ GD&ĐT thừa nhận gặp nhiều khó khăn, không ít giáo viên vẫn thiết kế bài dạy trực tuyến như trực tiếp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học.

Do đó, Bộ GD&ĐT liên tiếp có hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục tiểu học, công điện gửi các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Không kiểm tra định kỳ lớp 1-2

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có công điện gửi các địa phương, yêu cầu nơi nào đang giãn cách xã hội tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập.

Đối với lớp 1, lớp 2, các tỉnh ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Khi học sinh đi học trở lại, trường phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Với học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Các Sở GD&ĐT hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi.

Với những địa phương cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, Sở GD&ĐT tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Trường có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Đồng thời, Sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên và cán bộ quản lý.

Phối hợp phụ huynh luyện viết

Nhiều nội dung trong chương trình lớp 1, lớp 2 được Bộ GD&ĐT hướng dẫn tích hợp và tinh giản. Ở môn Tiếng Việt 1, giáo viên được phép căn cứ vào trình độ học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học làm sao đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt của môn học và không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết khi lên lớp 2.

Cụ thể, giáo viên tích hợp hoạt động giới thiệu các bài học. Đặc biệt, hướng dẫn kỹ quy trình viết chữ với các hình thức đa dạng, phong phú để học sinh ghi nhớ cách viết, phối hợp phụ huynh luyện viết.

Về kỹ năng nói, cần đạt yêu cầu ở mức học sinh nói rõ ràng, thành câu, biết nhìn vào người nghe khi nói; đặt được câu hỏi đơn giản và trả lời câu hỏi; nói và đáp lại được lời chào hỏi, xin phép, cảm ơn phù hợp. Giáo viên tích hợp rèn luyện cho học sinh thông qua các hoạt động học tập để dành thời gian cho việc luyện tập kỹ năng đọc, viết…

Với môn Toán, học sinh chỉ cần đạt yêu cầu đếm, đọc, viết được các số trong phạm vi 10, 20, 100; nhận biết được chục và đơn vị, số tròn chục; so sánh, xếp thứ tự các số trong phạm vi 100; làm quen với phép cộng, trừ…

Bộ GD&ÐT yêu cầu, các cơ sở giáo dục tiểu học không tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung, yêu cầu đã được tinh giản, các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học.

Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc.

Việc sắp xếp các chủ đề học tập cần thực hiện phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc có thể hướng dẫn cho học sinh tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh. Thời gian thực hiện chương trình phải bố trí đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh; đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cầu.

Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, tinh giản mức độ yêu cầu về kiến thức, kĩ năng đối với từng môn học để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, nhất là những địa bàn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

MỚI - NÓNG