Linh hoạt trong thiết kế bài giảng
Tại buổi tọa đàm với chủ đề hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm trong dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học do trường Đại học (ĐH) Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm cho rằng để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra, nhà trường và giáo viên cần chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất cũng như có phương án đồng hành cùng phụ huynh và học sinh.
Khi triển khai giảng dạy trực tuyến, các trường cần xây dựng kế hoạch kết hợp hài hòa giữa các môn học, không để học sinh quá tải về kiến thức và thời gian học tập, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, sự phát triển tự nhiên của học sinh. Thêm vào đó, việc quản lý chất lượng hệ thống bài giảng trực tuyến hay các hình thức đánh giá giờ dạy của giáo viên cũng cần linh hoạt và có chính sách phù hợp.
Bên cạnh khả năng sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng, giáo viên cần nắm vững kiến thức sư phạm như kỹ năng xây dựng bài giảng, tổ chức các nhiệm vụ học tập một cách đa dạng thông qua video clip, thẻ flashcard, trò chơi…
Giáo viên cũng cần tăng cường tổ chức các hoạt động trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với giáo viên; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.
Đối với phương án dạy học trên truyền hình, giáo viên cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị bộ tài liệu hướng dẫn, câu hỏi bài tập để hướng dẫn học sinh học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo nội dung bài học trên truyền hình.
Theo PGS. Nguyễn Chí Thành, các phương án dạy học từ xa đều đòi hỏi nhà trường và giáo viên có sự đồng hành với phụ huynh và học sinh nhằm theo dõi và kịp thời đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học, đồng thời có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp để chất lượng giáo dục đạt hiệu quả tối đa.
Những thách thức
TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, sau gần một tuần triển khai dạy học trực tuyến trên cả nước, nhất là với học sinh lớp 1 có ba thách thức rất lớn đang đặt ra. Đó là sự bỡ ngỡ khi đồng thời áp dụng một phương thức dạy học mới, sự căng thẳng khi sử dụng tích hợp công nghệ và sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc bảo đảm hạ tầng, thiết bị và các tài nguyên số cần thiết.
TS. Tôn Quang Cường chỉ ra nguyên nhân chính tạo ra thách thức, khó khăn đó là cách tổ chức các hoạt động tương tác của giáo viên trong quá trình dạy học. Bao gồm: tương tác trực tiếp nhưng không tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh trong giờ học trực tuyến; tương tác gián tiếp giữa giáo viên và học sinh trước và sau giờ học online; tương tác với cha mẹ học sinh để bảo đảm kết nối và trợ giúp.
Vì vậy, đối với học sinh lớp 1, giáo viên nên dành một số buổi học ban đầu (thậm chí 1đến 2 tuần) không dạy học mà chủ yếu để làm quen, hướng dẫn các thao tác cơ bản trên ứng dụng và thiết bị cả học sinh và phụ huynh; trao đổi/kể chuyện với học sinh… để tạo môi trường thân thiện.
TS. Tôn Quang Cường đưa ra lưu ý, tổng thời gian học trực tuyến không nên quá 2 tiếng/ngày; cần được chia thành nhiều tiết học, mỗi tieetse không quá 20 phút; giữa các tiết học cần có giải lao 5 phút. Ở tiết thứ ba, nghỉ 10 phút, không nên giải lao lâu vì sẽ mất thời gian khởi động lại.
Để tổ chức các hoạt động dạy, học trực tuyến hiệu quả, giáo viên nên tắt hết các chức năng cho phép học sinh tương tác trên ứng dụng; chuẩn bị 2 đến 3 video ngắn, vui nhộn có nhạc để chạy giữa giờ giải lao; sử dụng một số ứng dụng trò chơi trực tuyến để học sinh hứng thú trong giờ học...
Tóm lại, trong học trực tuyến bản thân học sinh luôn có xu hướng sợ bị cô đơn khi bị mất giao tiếp, lo lắng khi không hiểu lời cô giảng, nội dung bài giảng, lúng túng khi bắt chước các thao tác hoặc bất an khi làm không đúng theo yêu cầu, bỡ ngỡ khi sử dụng công nghệ…
“Dạy học tiểu học, nhất là cho học sinh lớp 1, 2 cần phải lấy sự hứng thú và tham gia của học sinh làm cái gốc! Ở lứa tuổi này, mỗi bài học nên là một trò chơi; kiến thức, kĩ năng cần hình thành chính là luật chơi; giáo viên, cha mẹ học sinh chính là bạn cùng chơi; và công nghệ phải là đồ chơi!”.
“Chúng ta không có cơ hội kết giao trực tiếp với học sinh nhưng lại có thể kết nối với các em bằng công nghệ! Hãy nghĩ đến các em để sử dụng công nghệ một cách sáng tạo theo cách riêng của thầy cô!” – TS. Tôn Quang Cường gửi gắm.