Tinh giản biên chế: Một người làm nhiều việc, hạn chế chồng chéo

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Liên quan đến vấn đề con người luôn là điều cực kỳ khó. Hiện, chúng ta vẫn chưa bỏ được tư duy bám víu vào cơ quan nhà nước, dẫn đến tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy cực kỳ khó khăn. Nhưng lệnh đã có rồi, cần có quyết tâm, vượt qua rào cản để thực hiện cho hiệu quả”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ với PV Tiền Phong.

Số lượng người hưởng lương từ ngân sách quá nhiều

Cùng với con số tổng biên chế hơn 2 triệu người, Bộ Chính trị cũng yêu cầu tiếp tục tinh giản biên chế công chức và viên chức. Đây luôn là vấn đề rất khó khăn, nhưng cũng rất cần thiết phải thực hiện trong bối cảnh biên chế quá lớn, chi thường xuyên cho bộ máy quá nhiều, thưa ông?

Theo Quyết định vừa được Bộ Chính trị ban hành, thì tổng biên chế cả nước giai đoạn 2022-2026 là hơn 2,2 triệu người. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng ban hành kết luận về nâng cao hiệu quả quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Trong đó, yêu cầu giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị phải tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Cá nhân tôi luôn đồng tình ủng hộ chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Bộ máy của chúng ta không chỉ cồng kềnh, mà số lượng người hưởng lương từ ngân sách quá nhiều, có lẽ phải nằm trong “top ten” của thế giới.

Chính vì vậy, số lượng biên chế trong toàn hệ thống chính trị cần phải giảm dần qua từng năm. Thay vì nhiều người làm một việc, thì bây giờ hướng tới một người làm nhiều việc, hạn chế chồng chéo, khắc phục tình trạng công chức “cắp ô”. Tất nhiên, đi kèm với đó phải có chính sách đãi ngộ cho thực sự xứng đáng để khuyến khích họ làm việc, gắn bó, lại có thể giữ chân, thu hút được người tài cho bộ máy nhà nước.

Từ thực tế ở địa phương, theo ông việc tinh giản biên chế phải tiến hành theo hướng nào cho thực sự hiệu quả?

Tinh giản biên chế: Một người làm nhiều việc, hạn chế chồng chéo ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà

Theo tôi, số lượng biên chế nên được phê duyệt theo khung, như thế sẽ hợp lý, hiệu quả và cũng dễ thực hiện hơn. Tôi ví dụ giao chỉ tiêu cho tỉnh Đồng Tháp tổng số 1.000 biên chế. Căn cứ vào số lượng biên chế đó, tỉnh sẽ phải tự xem xét, phân bổ như thế nào cho phù hợp nhất với nhu cầu thực tế. Bây giờ muốn giảm số lượng biên chế của Đồng Tháp, thì đưa chỉ tiêu ngay từ đầu luôn. Thay vì 1.000 biên chế như lâu nay, bây giờ chỉ giao tối đa 900 biên chế thôi, giảm 10% so với trước đây. Như vậy là trung ương đưa ra con số cần tinh giản trước. Với số lượng đó, địa phương cần phải cắt giảm, sắp xếp thế nào cho hiệu quả nhất.

Số lượng biên chế của chúng ta bây giờ quá nhiều, đặc biệt các bộ, ngành trung ương, khối mặt trận và một số đoàn thể phân bổ quá đông. Ở trung ương đã vậy, dưới địa phương cũng thế. Không chỉ vậy, khối này lại còn được hưởng thêm 30% trợ cấp, phụ cấp nữa.

Như vậy nhiều khi sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, cùng là công chức, viên chức, người được 7 đồng, người lại chỉ được 5 đồng. Cùng là con mà phân bổ chỗ này nhiều, chỗ kia ít sẽ sinh ra bất công, xì xào nhưng lại không dám nói ra.

Quỹ chi cho tiền lương chỉ có vậy, với 1.000 tỷ đồng chia cho 900 nghìn người sẽ được hưởng nhiều hơn thay vì chia cho 1 triệu người. Thu nhập cao hơn, cán bộ, công chức, viên chức sẽ gắn bó, và cống hiến nhiều hơn. Tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả luôn là điều rất cần thiết, cấp thiết.

Dừng thí điểm hợp nhất là phù hợp

Theo ông, việc sắp xếp lại mô hình các tổng cục và các cục, vụ cũng như sáp nhập các đơn vị huyện, xã đạt hiệu quả đến đâu trong tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế?

Tinh giản biên chế: Một người làm nhiều việc, hạn chế chồng chéo ảnh 2

Đến năm 2026 giảm ít nhất 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức (Ảnh minh hoạ)

Trong giai đoạn 2021 - 2026 chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế và sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước trong các cơ quan đơn vị. Với bộ, ngành thì sắp xếp lại mô hình tổng cục, cục, vụ, còn ở địa phương thì sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban cho phù hợp.

Bộ Chính trị cũng đã giao cho thường vụ cấp uỷ các tỉnh, thành tuỳ vào tình hình từng địa phương mà sắp xếp đơn vị hành chính, quản lý nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể cho hiệu quả với từng biên chế đó. Ngoài ra vẫn tiếp tục sắp xếp, tinh giản hợp nhất các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đủ hai tiêu chí theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội trong giai đoạn 2021-2026.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thực tế việc triển khai còn tương đối chậm, đặc biệt với các tổng cục, cục, vụ ở các bộ, ngành. Theo tôi, việc triển khai chậm là do việc này rất khó. Liên quan đến vấn đề con người luôn là điều cực kỳ khó. Hiện chúng ta vẫn chưa bỏ được tư duy bám víu vào cơ quan nhà nước, dẫn đến tinh giản bộ máy, biên chế, sắp xếp lại bộ máy cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, dù khó khăn như vậy nhưng đã có lệnh rồi thì phải thực hiện. Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ ngành, chắc chắn sẽ tinh giản biên chế.

Chính vì vậy, mỗi đơn vị, địa phương tuỳ tình hình thực tế của mình mà sắp xếp làm sao cho phù hợp, tránh so bì, bất công, giữ lại người thân quen, loại bỏ người xa lạ.

Song song với nhiệm vụ đó, các địa phương vẫn tiếp tục sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đủ hai tiêu chí theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, Quốc hội trong giai đoạn 2021-2026. Trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét sửa đổi nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính cho phù hợp với thực tiễn. Tất nhiên, trong giai đoạn này, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng là vấn đề cực kỳ khó khăn so với giai đoạn trước đây.

Sắp xếp bộ máy bên trong sẽ tinh giản biên chế

Trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, thời gian qua, các bộ ngành phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát lại bộ máy, đảm bảo các tiêu chí, đặc biệt là các tổng cục theo quy định. Đến nay, các bộ, ngành đã tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành. Ông Long khẳng định, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ ngành, chắc chắn sẽ tinh giản biên chế. Tuy nhiên, đến nay mới có một nghị định về tổ chức bộ máy của Bộ TT&TT, các bộ, ngành khác đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thành trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến vấn đề bộ máy, trước đây nhiều địa phương đã thí điểm nhập các sở, ban đảng, nay phải tách ra thì biên chế có phình ra không, thưa ông?

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Qua đó, Bộ Chính trị quyết định dừng thí điểm mô hình Trưởng ban Tổ chức đồng thời là giám đốc Sở Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra là Chánh thanh tra tỉnh, huyện…

Về chủ trương này, tôi đã nêu nhiều băn khoăn ngay từ ban đầu. Bởi đó là nhập kiểu cơ học chứ không phải nhập để tinh giản biên chế.

Trong khi đó nếu nhập vào, hoạt động hai cơ quan lại rất khó khăn. Bởi cơ quan đảng họ thực hiện theo quy định của điều lệ và các chỉ thị, nghị quyết của đảng; còn cơ quan nhà nước họ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà luật giao, như vậy là hoàn toàn khác nhau.

Cơ quan thanh tra họ có sắc phục riêng, uỷ ban kiểm tra không có sắc phục riêng, giờ hai bên nhập lại thì làm sao? Rất khó khăn! Hay như Ban tổ chức tỉnh ủy sáp nhập Sở Nội vụ, trong khi hai đơn vị cũng hoàn toàn khác nhau. Sở làm công tác tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác tổ chức cán bộ, về chế độ chính sách theo Luật Chính quyền địa phương; còn Ban tổ chức tỉnh ủy làm theo quy định điều lệ đảng, chức năng hoàn toàn khác nhau.

Theo tôi, việc dừng thí điểm và dừng luôn mô hình này là hoàn toàn phù hợp. Việc tách hay nhập các cơ quan này cũng không ảnh hưởng gì đến vấn đề biên chế. Bởi hai cơ quan nhập vào cũng chỉ giảm được ông cấp trưởng, người đứng đầu thôi. Với 63 tỉnh, thành cả nước mà giảm được 63 người thì chẳng đáng kể gì so với tổng số hàng triệu biên chế công chức, viên chức cả nước hiện nay.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG