Tin vào bản lĩnh, trí tuệ của 1.510 đại biểu

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
TP - Nhấn mạnh  tầm quan trọng đặc biệt trong việc lựa chọn cán bộ, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) bày tỏ tin tưởng rằng hơn 1.500 đại biểu sẽ sáng suốt chọn người xứng đáng nhất vào bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Điều chỉnh mục tiêu

Trong dự thảo văn kiện trình tại Đại hội lần này có những điểm gì mới, thưa ông?

Đại hội VI đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong nhận thức và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã nhận thức rõ hơn về kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa mà trong văn kiện trình Đại hội XII đã đưa ra một định nghĩa khá đầy đủ. 

Cụ thể là nền kinh tế nước ta phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ các quy luật của kinh tế thị trường, như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh… Nhưng phải là nền kinh tế thị trường hiện đại, làm ăn quy củ hơn, xây dựng được quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Bên cạnh đó, kinh tế thị trường phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước.

Đại hội XII còn có điểm rất mới nữa khi khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển, nhưng vẫn khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Điểm khác nữa là chúng ta đã điều chỉnh mục tiêu. Trước đây, chúng ta xác định đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nay điều chỉnh thành phấn đấu để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội XII sẽ làm rõ hơn nhận thức về nhà nước pháp quyền, đặc biệt sau khi có Hiến pháp năm 2013. Vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng được ghi vào chủ đề Đại hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được đặt lên hàng đầu… 

Trong dự thảo Báo cáo Chính trị có một điểm rất mới là vấn đề quản lý phát triển xã hội và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Điều này trước đây chúng ta chưa nêu thành một vấn đề riêng, nhưng kỳ này nêu thành hẳn một chương mục. Quản lý phát triển xã hội cũng là một vấn đề lớn đặt ra để đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Tin vào bản lĩnh, trí tuệ của 1.510 đại biểu ảnh 1

Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình trước ngày khai mạc Đại hội XII. Ảnh: Hoàng An.

Không tỉnh táo dễ dẫn đến sai lầm

Ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị nhân sự trước khi bước vào Đại hội XII?

Tôi phải nói ngay việc quy hoạch vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã được Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XI chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ. Sau đó, Bộ Chính trị chỉ đạo chặt chẽ các đảng bộ trực thuộc trung ương chuẩn bị các đồng chí đã được quy hoạch. Khi đã đưa vào diện đó, bắt buộc phải đi học qua lớp cán bộ dự nguồn cao cấp.

Đến Hội nghị Trung ương 11 đã thảo luận kỹ các tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ, năng lực, trí tuệ… Trên cơ sở danh sách đó, Hội nghị 12 bỏ phiếu. 

Sang Hội nghị 13 lại giới thiệu cụ thể ai vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ai tái cử, ai có thể tham gia bốn chức vụ chủ chốt. Đến Hội nghị 14 đã chốt lại danh sách để đưa ra Đại hội, rồi bỏ phiếu chính thức bốn chức danh chủ chốt. Như vậy có thể thấy quá trình làm được thực hiện rất bài bản, chặt chẽ ngay từ đầu nhiệm kỳ. 

Đây là lần đầu tiên Đảng làm quy hoạch nhân sự ở cấp chiến lược như vậy. Việc làm đó thể hiện sự phát triển dân chủ trong Đảng. Dân chủ trong công tác nhân sự. Điều này thể hiện tinh thần nhất trí cao trong Trung ương, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng. 

Công tác nhân sự được chuẩn bị công phu cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của Trung ương, Bộ Chính trị khóa XI với toàn Đảng, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. 

Vậy, quan điểm của ông về trường hợp “đặc biệt” trong nhiệm kỳ này?

Trong nhân sự tham gia vào Trung ương xưa nay chúng ta có cơ cấu với ba độ tuổi: dưới 50 tuổi, từ 50 đến 60 tuổi, và từ 60 đến 70 tuổi. Trường hợp “đặc biệt” ở đây là ngoài 70 tuổi. Mặc dù cao tuổi, nhưng nếu có uy tín lớn, có trách nhiệm, trí tuệ tốt, vẫn có khả năng làm việc tốt thì Đảng, Trung ương và Đại hội vẫn tín nhiệm. 

Chúng ta cũng không nên quá nặng nề về độ tuổi, mặc dù đây cũng là một trong những tiêu chí để xem xét. Theo tôi, cái quan trọng nhất vẫn là những tiêu chuẩn về bản lĩnh, trách nhiệm, năng lực, đạo đức, uy tín trong Đảng, trong dân…, chứ không phải chỉ có độ tuổi.

Ông tin tưởng và kỳ vọng gì vào Đại hội XII, nhất là trong việc lựa chọn những cán bộ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước?

Trong lựa chọn cán bộ, chỉ cần sai một người là sẽ làm khuynh đảo tất cả. Chính trị là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm, nếu không tỉnh táo dễ sai lầm, mà sai lầm trong cán bộ thì không sửa chữa được.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã bỏ phiếu giới thiệu bốn chức danh để đưa ra Đại hội XII bầu. Tôi tin 1.510 đại biểu tham dự đại hội sẽ đủ bản lĩnh trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân để có thể lựa chọn đúng đắn. 

Các đại biểu đó đều là những tinh hoa của Đảng đã được bầu từ đại hội các cấp. Bản thân những người được tiến cử vào những chức vụ chủ chốt cũng đã trải qua quá trình lãnh đạo từ trước, chứ không phải mới. Tôi tin các đồng chí sẽ phát huy tốt và xứng đáng với sự tín nhiệm của người dân.

Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta là lãnh đạo tập thể, phát huy trí tuệ tập thể và cá nhân phụ trách. Bên cạnh đó, chúng ta còn nguyên tắc kiểm soát quyền lực, nhân dân kiểm tra, giám sát, phản biện, rồi tới đây còn bầu cử ở Quốc hội… Với quy trình chặt chẽ như vậy, tôi tin là có thể yên tâm tìm ra được những người xứng đáng nhất vào bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Cảm ơn ông.

Đại hội XII họp phiên trù bị

Hôm nay (20/1), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiến hành phiên họp trù bị. Tham dự Đại hội XII lần này có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên. 

Trong đó, đại biểu đương nhiên là 197 ủy viên Trung ương Đảng chính thức và dự khuyết khóa XI, chiếm 13,05%; 1.300 đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương, chiếm 86,09%; 13 đại biểu chỉ định, chiếm 0,86%. Đại biểu có trình độ đại học là 99,9%.

Theo nội dung chương trình, Đại hội sẽ thảo luận, thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; 

Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có); Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII…                     

Văn Kiên

MỚI - NÓNG