Tín hiệu tích cực trong quan hệ Nga-Mỹ về Syria

Ảnh: DailyStar
Ảnh: DailyStar
TPO - Mỹ và Nga can dự vào cuộc chiến ở Syria về danh nghĩa là để ủng hộ một mục tiêu chung là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Song trên thực tế, cả hai nước đang theo đuổi các chiến lược đối nghịch nhau đối với vai trò tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người được Nga hậu thuẫn nhưng bị Mỹ phản đối.

Việc Mỹ-Nga đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Tây Nam Syria trong cuộc trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại Hamburg (Đức) là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ thời gian qua đặc biệt căng thẳng. 

Như chúng ta đều biết, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh này, quan hệ Nga-Mỹ đã rơi vào trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, thậm chí đôi lúc tưởng như bên bờ vực đối đầu.

Đặc biệt, mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng gay gắt sau một loạt các động thái của Mỹ và Nga tại chiến trường Syria.

Bước ngoặt mang tính đột phá của Mỹ trên chiến trường Syria bắt nguồn từ việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh bắn tên lửa hành trình Tomahak vào căn cứ quân sự Shayrat tại tỉnh Homs ở miền Trung Syria hôm 7/4.

Tiếp sau đó, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích vào lực lượng Syria và đồng minh của họ khi di chuyển đến vùng biên giới Syria-Jordan.

Ngày 15/6, quân đội Mỹ đã tiến hành triển khai Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) tới căn cứ tại Al-Tanaf ở miền Đông Syria.

Đặc biệt, ngày 18/6, quân đội Mỹ lần đầu tiên bắn hạ máy bay cường kích Su-22 của quân đội chính phủ Syria.

Đáp lại Nga đã đưa ra một loạt phản ứng “cứng rắn” như cắt đường dây nóng giảm xung đột và ngừng hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ tránh đụng độ trên không phận Syria.

Thậm chí, ngay trước thềm cuộc gặp, ông Trump được cho là có “động thái khiêu khích” nhằm vào Nga khi chỉ trích những hành động quân sự của  Moscow ở Syria.

Tất cả những  động thái trên làm gia tăng nguy cơ xảy ra rủi ro xung đột giữa hai lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới tại Syria.

Sau cuộc họp giữa 2 tổng thống, giới chính trị Nga – Mỹ đều tuyên bố thể hiện sự hài lòng về các kết quả đạt được, đặc biệt là về thỏa thuận ngừng bắn tại Tây Nam Syria. Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh "Tôi nghĩ đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Mỹ và Nga có thể hợp tác ở Syria. Kết quả là chúng tôi đã thảo luận rất lâu về những khu vực có thể áp dụng thỏa thuận giảm căng thẳng ở quốc gia này".

Trong khi đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng thông báo hai ông Putin và Trump đã nhất trí về lệnh ngừng bắn ở Tây Nam Syria, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/7.

Ông Lavrov đánh giá cuộc gặp rất "hiệu quả" với việc tổng thống hai nước bày tỏ mong muốn tìm kiếm những thỏa thuận cùng có lợi, chứ không đưa ra những kịch bản mang tính chất đối đầu. 

Đây là nỗ lực đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump nhằm đạt được hòa bình tại Syria. Việc lãnh đạo Nga và Mỹ tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, trong đó có việc nhất trí một lệnh ngừng bắn tại các khu vực Tây Nam Syria, là kết quả nổi bật, nhất là sau những diễn biến căng thẳng trong quan hệ hai nước và trên trường quốc tế.

Giáo sư danh dự chuyên về luật quốc tế của Đại học Ohio, Mỹ, ông John Quigley nhận định thỏa thuận trên có thể sẽ là một bước đệm cho tiến trình chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 6 năm qua tại Syria.

Theo ông Quigley, bước đi tiếp theo của Mỹ và Nga có thể là những dàn xếp đối với khu vực xung quanh thành phố Raqqa, nơi quân đội Syria đang nỗ lực chiến đấu nhằm tiêu diệt thành trì của tổ chức IS. Ông cho rằng các nghị sĩ Mỹ nên cho phép chính quyền Damascus tái lập chủ quyền tại Raqqa sau khi khu vực này được giải phóng khỏi tay IS.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Christopher Davidson thuộc Đại học Durham (Anh) cảnh báo rằng nhiều nhân tố có thế lực trong chính quyền và lực lượng vũ trang Mỹ có thể cản trở nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc giảm căng thẳng với Nga tại Syria và tìm kiếm sự nhượng bộ từ chính quyền Moscow.

Theo ông Davidson, chính quyền Damascus cùng Iran và Nga lâu nay đều có lý do để nghi ngờ các chính sách cũng như động cơ tham gia vào cuộc xung đột Syria của Mỹ. Chính vì vậy, các nước này có thể phản đối mọi nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quân số cũng như một số sự hiện diện khác tại Syria, dưới danh nghĩa một sáng kiến hòa bình.

Có thể nói rằng, thỏa thuận ngừng bắn tại Tây Nam Syria được coi là thành tựu ngoại giao của Tổng thống Trump trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Putin. Kết quả này có thể tạo tiền đề khôi phục đối thoại giữa hai cường quốc có vai trò quyết định số phận Syria.

Đây thực sự là một tín hiệu tốt, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang xuất hiện nhiều thách thức, đe dọa cả truyền thống và phi truyền thống mà để giải quyết chúng đòi hỏi phải có sự phối hợp nỗ lực giữa các cường quốc hàng đầu thế giới như Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là bước đầu, bởi bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ vốn tích tụ chồng chất trong nhiều năm qua và để khai thông bế tắc cần phải nỗ lực vượt qua chặng đường đầy chông gai phía trước.

MỚI - NÓNG