Cộng đồng quốc tế mong đợi gì từ cuộc gặp Putin - Trump?

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN
TPO - Cuộc gặp song phương chính thức giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra hôm nay, 7/7 là sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Theo một quan chức Nhà Trắng, trong vài ngày qua, Tổng thống Trump đã nhận được số lượng lớn tài liệu để chuẩn bị cho chuyến thăm châu Âu, nhưng phần đề cập đến cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin chỉ được trình bày trong “vài trang giấy”. Một quan chức cho biết mỗi chủ đề bàn luận chỉ được miêu tả bằng một hoặc hai dòng.

Trong khi đó, Tổng thống Putin lại là người nổi tiếng có thói quen chuẩn bị cẩn thận và tỉ mỉ trước các cuộc gặp mang tầm quốc gia, đặc biệt là cuộc gặp với những nhà lãnh đạo đến từ Mỹ.

Theo tờ CNN, sẽ có 5 điểm chính được công chúng quan tâm trong cuộc gặp giữa ông chủ Nhà Trắng và ông chủ Điện Kremlin.

1. Ngôn ngữ cơ thể

Hai nguyên thủ sẽ xuất hiện như thế nào? Ngôn ngữ cơ thể và thái độ trong phần gặp gỡ công khai sẽ được thể hiện ra sao? Hai nhà lãnh đạo sẽ đứng hay ngồi? Liệu ông Trump có bắt tay ông Putin, hay ông Putin sẽ giữ sự lạnh lùng và xa cách? Đây là những câu hỏi có thể sẽ trở thành chủ đề bàn luận của báo giới suốt nhiều ngày sau cuộc họp.

Trước đó, trong cuộc gặp hồi tháng 5 với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự thân thiện khi tươi cười với ông Kislyak và vỗ lưng ông Lavrov.

Những cử chỉ của ông Trump đã củng cố nhận định của báo giới về thái độ của Trump đối với Nga: thân thiện.

2. Các vấn đề được đưa vào thảo luận

Báo giới sẽ không được tham dự phần lớn thời gian cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin, vì vậy, nội dung thảo luận giữa hai nguyên thủ sẽ chỉ được tiết lộ thông qua các cơ quan chính phủ hai nước sau khi cuộc gặp kết thúc.

Trước đó, theo các quan chức của Nhà Trắng, Tổng thống Trump dự định sẽ tập trung thảo luận với người đồng cấp Nga về cuộc nội chiến ở Syria và vấn đề khủng hoảng Ukraine.

Đáp lại tuyên bố này của Nhà Trắng, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 5/7 tiết lộ với các phóng viên rằng cuộc gặp chắc chắn sẽ bị hạn chế về thời gian. “Do đó, sẽ không có đủ thời gian để Tổng thống Putin trình bày thông tin đầy đủ về tình hình Ukraine”, theo ông Peskov.

3. Mối quan hệ Putin – Obama

Trước khi ông Trump lên nắm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có mối quan hệ gây tranh cãi với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông Matthew Rojansky - một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Wilson ở Washington (Mỹ) hồi năm 2013 từng phát biểu trên NPR rằng: “Mối quan hệ giữa họ rất tồi tệ. Không có sự ngọt ngào giữa hai người, dù cả hai đã rất cố gắng.”

Sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Putin với Obama lên đến đỉnh điểm vào năm 2016 khi ông Obama bị bắt gặp có cái nhìn không mấy thiện cảm với ông Putin.

Cộng đồng quốc tế mong đợi gì từ cuộc gặp Putin - Trump? ảnh 1

Tổng thống Nga Putin và cựu Tổng thống Mỹ Obama chia sẻ ánh nhìn không mấy thiện cảm trong cuộc gặp hồi tháng 9/2016. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, không phải tất cả các Tổng thống Mỹ đều tỏ ra lạnh nhạt với ông chủ Điện Kremlin. Hồi năm 2001, cựu Tổng thống George W. Bush từng có những nhận xét tích cực về Tổng thống Putin, rằng ông Putin “rất thẳng thắn và đáng tin”.

Vì vậy, nếu ông Trump có mối quan hệ ấm áp với người đồng cấp Putin thì công chúng cũng sẽ không quá ngạc nhiên, CNN nhận định.

4. “Bóng ma” từ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Tổng thống Trump có một lập trường cứng rắn chống lại Triều Tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng. Đặc biệt gần đây, Triều Tiên đã “chọc tức” Washington khi tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đúng ngày Quốc khánh Mỹ. Đáp lại, Mỹ tuyên bố sẵn sàng tấn công Bình Nhưỡng nếu cảm thấy bị đe dọa.

Trong khi đó, Nga – nước láng giềng của Triều Tiên thường xuyên bày tỏ quan điểm ủng hộ Bình Nhưỡng trước sự lên án và chỉ trích của Washington.

Hôm 5/7, Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh báo “Moscow sẽ không chấp nhận bất kì lời biện minh cho giải pháp quân sự nào nhằm vào bán đảo Triều Tiên.”

Trước sự đối đầu của Nga và Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, tờ CNN đặt câu hỏi: nếu ông Trump đề cập đến chuyện này khi gặp Putin, thì ông chủ Nhà Trắng sẽ nói gì để biện minh cho các hành động nhằm vào chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un mà Mỹ có thể sẽ thực hiện trong tương lai?

5. Chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Trump

Hôm qua, 6/7, Tổng thống Trump đã sử dụng điểm dừng chân là Ba Lan để thể hiện cam kết của mình đối với NATO, tổ chức mà ông từng gọi là “lỗi thời”.  

Phát biểu trong chuyến thăm chính thức Ba Lan, ông Trump bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Điều 5 trong hiến chương thành lập NATO, vốn quy định về quyền tự vệ tập thể.

Điều 5 khẳng định: tấn công vào bất kì thành viên nào trong khối quân sự này là sự tấn công vào toàn khối, và tất cả các nước khác có quyền hỗ trợ quân sự nếu cần thiết.

Trong khi đó, Tổng thống Putin và Nga vẫn luôn hoài nghi về NATO. Hồi tháng 6, ông Putin cảnh báo sẽ “loại bỏ” mối đe dọa về việc Thụy Điển gia nhập NATO.

“Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Nga – Thụy điển một cách tiêu cực. Chúng tôi coi đó là mối đe dọa nhằm vào Nga và sẽ tìm cách loại bỏ mối đe dọa này.”, ông Putin nói.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG