Hầm địa đạo sâu dưới lòng đất, dài hơn 1 km, nằm ở xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, Gia Lai. Giai đoạn năm 1968, hàng trăm thương bệnh binh được đưa về hầm địa đạo này để cứu chữa. |
Nhiều ống thủy tinh đựng thuốc kháng sinh, hộp sắt, túi xách chứa thuốc của y, bác sĩ... trải qua 50 năm vẫn nằm dưới hầm địa đạo này. Thời kỳ chống Mỹ, Bệnh viện Quân y 211 (thuộc Quân đoàn 3 đóng ở Pleiku, Gia Lai) điều động nhiều y, bác sĩ lên núi Ia Kreng (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) để cứu chữa thương bệnh binh. |
Sau mỗi trận chiến (giai đoạn năm 1968-1973), nhiều bộ đội ta bị thương được đưa về đây cứu chữa. Những hiện vật chiến tranh còn sót lại như chứng tích gợi nhớ về một thời khốc liệt. Cũng nhờ những ống thuốc này (ảnh), mà nhiều người đã sống sót và tiếp tục ra trận. |
Rất nhiều quả đạn pháo được địch dùng công phá, ném vào hầm địa đạo Ia Kreng. Theo ông Rơ Châm Tâm - Chủ tịch UBND xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) vẫn có nhiều quả đạn pháo còn nguyên kíp nổ. |
Bảo vệ đồng đội bị thương và đội ngũ y bác sĩ, bộ đội ta ở hầm địa đạo đã phản kích mạnh mẽ, đẩy lùi các cuộc tập kích của địch. Rất nhiều ống đạn đồng, vỏ đạn được tìm thấy ở đây. |
Những kỷ vật trải qua 50 năm vẫn trường tồn ở hầm địa đạo. Ông Rơ Châm Tâm, Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết: "Hầu như năm nào, xã cũng dẫn đường cho các đoàn ở các tỉnh thành phía Bắc vào cất bốc mộ liệt sĩ”. |
Ngày nay, hầm địa đạo bị bủa vây bởi cây cối rậm rạp. "Thời kỳ chống Mỹ, bộ đội ta nằm dưới này, dù Mỹ - Ngụy ném bom napalm, rải thảm B-52 cũng không thể rung chuyển hầm địa đạo", ông Rơ Châm Tâm nói. |
Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh (thứ 2, từ trái qua) dẫn đầu đoàn của huyện vào khảo sát hầm địa đạo để nghiên cứu phương án bảo vệ, bảo tồn. |
Đoàn khảo sát của huyện Chư Păh đang tìm gặp các nhân chứng để tập hợp làm tư liệu về lịch sử. Cũng nhờ hầm địa đạo Ia Kreng, hàng trăm thương bệnh binh đã được cứu sống, trở về với thời bình. |