Ký ức ngày 30/4 lịch sử trong tâm trí cựu chiến binh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đã 48 năm trôi qua, nhưng những ký ức về ngày 30/4/1975 lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Trung tá Nguyễn Trọng Độ, nguyên Chủ nhiệm chính trị - Ban chỉ huy Quân sự, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Tân Kỳ (Nghệ An).

22 tuổi, khi đang làm giáo viên ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), có lệnh tổng động viên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Trọng Độ đã viết đơn xung phong nhập ngũ.

“Khí thế kháng chiến lúc đó sôi động và quyết liệt lắm. Là người Việt Nam, ai nấy đều mong ước được đóng góp sức lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”, ông Độ bồi hồi. Chính lòng yêu Tổ quốc và niềm tin về ngày đại thắng đã khiến chàng trai trẻ vốn chỉ quen với bút giấy, con chữ tạm gác giấc mơ giảng đường.

Ký ức ngày 30/4 lịch sử trong tâm trí cựu chiến binh ảnh 1

Trung tá Nguyễn Trọng Độ chia sẻ về những tháng ngày chiến đấu gian khổ. Ảnh: Thu Hiền

Trước khi lên đường, ông Độ không kịp ghé qua thăm nhà ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) mà đi thẳng ra tỉnh Thanh Hóa để tham gia huấn luyện. Mấy tháng sau, ông cùng đồng đội được điều vào Quảng Trị tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968.

“Chúng tôi ở Quảng Trị đến năm 1973, sau đó được đi học lớp bổ túc Chính trị đại đội. Hoàn thành chương trình học, năm 1974, tôi được điều về Sư đoàn 341 và bổ sung vào Quân đoàn 4 chuẩn bị cho chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân năm 1975”, Trung tá Nguyễn Trọng Độ chia sẻ.

Tháng 4/1975, đơn vị của ông Độ chuẩn bị tiến đánh giải phóng thị xã Xuân Lộc – cánh cửa thép của Sài Gòn. Trước đó, các cuộc tấn công của bộ đội Việt Nam từ Thừa Thiên Huế đến Buôn Mê Thuột rất ào ạt, quân ta thừa thắng, giải phóng từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Ký ức ngày 30/4 lịch sử trong tâm trí cựu chiến binh ảnh 2

Ngày giải phóng Sài Gòn cách đây 48 năm được xem là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

Đơn vị pháo binh của ông Độ chịu trách nhiệm một mũi tiến công vào Sài Gòn và nhiệm vụ đầu tiên là đánh thẳng vào Biên Hòa.

“Cuộc chiến đấu vô cùng cam go, ác liệt. Tôi cùng đồng đội đánh thẳng vào sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình. Sau khi giải phóng Biên Hòa, sáng 30/4, đơn vị chúng tôi tiến sát vào cầu Sài Gòn. Lúc này, không khí giữa ta và địch khá hỗn loạn. Dọc đường vào thành phố, chúng tôi thấy không ít quân ngụy cởi hết quần áo dọc đường, mặc thường phục để trà trộn trong dân...”, ông Độ nhớ lại.

Ký ức ngày 30/4 lịch sử trong tâm trí cựu chiến binh ảnh 3

Bức ảnh ông Độ chụp cùng đồng đội tại Tam Hiệp, Biên Hòa. Ảnh: Thu Hiền

Thời điểm tiến vào Sài Gòn, mỗi quân đoàn có một mục tiêu để tấn công vào các điểm như Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu,…Ông Độ cùng đồng đội đến Dinh Độc Lập thì đã thấy cờ giải phóng cắm trên nóc nhà.

Trước thời khắc 11h30 ngày 30/4/1975, khi quân giải phóng đã vào đến trung tâm Sài Gòn, quân ngụy không còn cố gắng bám trụ như những ngày trước. Địch đã tự nguyện đầu hàng vô điều kiện.

“Cảm xúc khi đó rất khó tả. Khi vừa đến cầu Sài Gòn, tâm trạng đã rạo rực bởi biết rằng chiến thắng đã đến rất gần. Trải qua bao gian khổ, những người lính như chúng tôi chỉ có một ước mơ duy nhất là đất nước giải phóng”, cựu chiến binh tâm sự.

Ký ức ngày 30/4 lịch sử trong tâm trí cựu chiến binh ảnh 4

Những ngày tháng Tư lịch sử, ông Độ lại nhớ đến đồng đội của mình. Ảnh: Thu Hiền

Những ngày tháng Tư lịch sử, ông Độ lại bồi hồi nhớ đến đồng đội của mình và muốn được tụ hội. Ở Tân Kỳ, số người nhập ngũ vào Sư đoàn 341 còn sống khá nhiều, trong đó có những thương binh và thân nhân gia đình liệt sỹ.

“Chiến thắng 30/4/1975 là một chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài hy sinh biết bao xương máu, sức người, sức của của cả nước và qua đó cũng thấy được quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta. Chấm dứt 30 năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, thu non sông về một mối”, Trung tá Nguyễn Trọng Độ chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.